Giải đáp: bệnh viêm giác mạc có nguy hiểm không?

Tác giả: - Xuất bản: 18/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
benh-viem-giac-mac-co-nguy-hiem-khong
Bệnh viêm giác mạc có nguy hiểm không là băn khoăn của nhiều người - ảnh: BookingCare
Bệnh viêm giác mạc có nguy hiểm không? Tìm hiểu về các biến chứng và khả năng điều trị viêm giác mạc trong bài viết sau!

Viêm giác mạc là một vấn đề nhãn khoa khá phổ biến tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy các biến chứng viêm giác mạc là gì và những lưu ý trong việc điều trị viêm giác mạc?

Bệnh viêm giác mạc có nguy hiểm không?

Viêm giác mạc là tình trạng viêm tại giác mạc (phần lòng đen của mắt) có thể do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.

Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, gây ra mất thị lực vĩnh viễn, đặc biệt với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc bệnh lý nền.

Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm và bảo tồn thị lực..

Những biến chứng có thể xảy ra sau viêm giác mạc

Trong trường hợp bị viêm giác mạc, người bệnh có thể đối mặt với một số biến chứng như:

  • Loét giác mạc: nếu không được điều trị kịp thời, viêm giác mạc có thể tiến triển thành loét giác mạc, thậm chí thủng giác mạc gây giảm thị lực trầm trọng. Một số trường hợp nặng hơn phải múc bỏ mắt để giảm đau nhức.
  • Nhiễm trùng nội nhãn: tác nhân gây nhiễm trùng trên giác mạc có thể xâm nhập sâu hơn vào nội nhãn dẫn đến bệnh cảnh viêm mủ nội nhãn. Đây là một trong những bệnh nặng nhất trong nhãn khoa khiến bệnh nhân giảm thị lực nặng nề dù điều trị tích cực.
  • Sẹo giác mạc: viêm giác mạc kéo dài hoặc khi viêm giác mạc tiến triển thành loét giác mạc thì mặc dù được điều trị khỏi cũng sẽ để lại sẹo trên giác mạc. Tuỳ thuộc vào vị trí, kích thước và độ dày của sẹo mà sẽ khiến thị lực suy giảm ở nhiều mức độ khác nhau.
  • Múc bỏ nhãn cầu: một số trường hợp viêm loét giác mạc nặng, ăn sâu vào nội nhãn gây đau nhức nhiều và không còn khả năng điều trị cần thực hiện phẫu thuật múc nội nhãn để loại trừ đau nhức. 
    • Về lâu dài, bệnh nhân không chỉ mất thị lực bên mắt đó mà còn ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, sự tự tin và khả năng giao tiếp xã hội của người bệnh.
  • Mộng thịt, màng mạch giác mạc: Viêm giác mạc mạn tính không được điều trị có thể là yếu tố kích thích phát sinh bệnh mộng thịt và màng mạch trên bề mặt giác mạc dẫn đến đỏ mắt, cảm giác cộm xốn, …
  • Tăng nhãn áp: viêm giác mạc không trực tiếp gây ra tăng nhãn áp nhưng một số trường hợp điều trị bằng thuốc corticoids kéo dài cũng có thể gây tăng nhãn áp làm tổn thương dây thần kinh thị giác.

Bệnh viêm giác mạc có chữa được không?

Khả năng điều trị viêm giác mạc phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm và mức độ viêm giác mạc. Trong đa số các trườn hợp, viêm giác mạc có thể điều trị đạt kết quả tốt nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ.

Việc phát hiện, điều trị sớm là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng hồi phục cho người bệnh, đặc biệt trong trường hợp viêm giác mạc do nhiễm trùng.

Đa số các trường hợp viêm giác mạc được điều trị bằng thuốc tra mắt. Các trường hợp nặng đòi hỏi các biện pháp điều trị phức tạp hơn như tiêm dưới kết mạc, tiêm nhu mô, truyền rửa hay phẫu thuật.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm giác mạc. Viêm giác mạc có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng với việc phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân hoàn toàn có thể khôi phục được thị lực. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến viêm giác mạc, bạn đọc tới bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.