- Xuất bản: 11/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 01/04/2024
Cảm giác kiến bò ở chân gây nhiều khó chịu - Ảnh: BookingCare
Bất kỳ ai trong chúng ta đều một lần trong đời có thể xuất hiện cảm giác kiến bò ở chân. Cảm giác kiến bò gây nhiều khó chịu nhưng thường không phải vấn đề nghiêm trọng. Thế nhưng khi tình trạng này diễn ra thường xuyên thì có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó.
Cảm giác kiến bò ở chân thường được mô tả như có hàng trăm con kiến đang di chuyển trên chân, mặc dù thực tế là không có. Cảm giác kiến bò không chỉ xuất hiện ở chân, mà có thể có thể xuất hiện ở tay hoặc một số bộ phận khác. Dưới đây là những thông tin giúp giải đáp về tình trạng cảm giác kiến bò ở chân.
Cảm giác kiến bò ở chân là gì?
Cảm giác kiến bò thường được mô tả là cảm giác châm chích, ngứa ran, tê bì... như “có kiến bò” ở chân hay như cảm giác kim châm. Đây là cảm giác chủ quan từ người bị. Cảm giác khó chịu này được đặc trưng bởi cảm giác tê và có châm chích nhẹ giống như côn trùng nhỏ bò dưới da. Hoặc có thể thấy ngứa ran khu vực tê bì.
Hiện tượng này hay còn gọi là “dị cảm bàn chân”. Nguyên nhân có thể liên quan đến sự chèn ép, kích thích, gây tổn thương thần kinh, hoặc sự chèn ép dẫn đến lưu lượng máu giảm.
Nguyên nhân gây cảm giác kiến bò ở chân
Có nhiều lý do khiến chúng ta có cảm giác kiến bò ở bàn chân, hầu hết trong số đó là tạm thời và có thể tự hết. Ngồi hay giữ nguyên tư thế trong thời gian dài như lái xe đường dài, ngồi làm việc lâu, thiền…
Tuy nhiên khi cảm giác kiến bò ở chân trở nên thường xuyên hơn, đó có thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh ngoại biên gây ra bởi nhiều bệnh lý khác nhau. Một số bệnh lý ảnh hưởng đến thần kinh gây cảm giác kiến bò ở chân bao gồm:
Các bệnh lý mãn tính:
Đái tháo đường: Dị cảm hay cảm giác kiến bò ở chân là triệu chứng nằm trong biến chứng mạch máu và thần kinh của bệnh đái tháo đường, hay còn gọi là biến chứng bàn chân, với đặc điểm tê bì, cảm giác kiến bò, các vết loét, hoại tử. Bệnh đái tháo đường chiếm 30% trong số các trường hợp cảm giác kiến bò ở chân.
Suy giáp: suy giáp dẫn đến rối loạn thần kinh, gây dị cảm, kiến bò. Bên cạnh đó suy giáp còn gây ra các triệu chứng tim mạch và ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết khác.
Hội chứng ống cổ chân: thường là hậu quả của sự chèn ép dây thần kinh trong đường hầm cổ chân. Các triệu chứng bao gồm cảm giác kiến bò ở chân kèm đau nhức.
Bệnh động mạch ngoại biên: bệnh động mạch ngoại biên (PAD) ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, làm cho các mạch máu trở nên hẹp hơn. Điều này có thể dẫn đến lưu thông máu kém, gây cảm giác kiến bò ở bàn chân hoặc bàn tay.
Bệnh lý đa xơ cứng rải rác: đây là bệnh lý gây ra bởi sự tổn thương tế bào thần kinh trung ương và tuỷ sống. Bệnh thường gây viêm, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ phá hủy màng bọc myelin của dây thần kinh làm chậm hoặc tắc đường truyền xung điện thần kinh, gây ra dị cảm, kiến bò ở chân.
Bệnh lý tự miễn: các yếu tố miễn dịch có hại do cơ thể tự sản xuất tấn công vào các cơ quan gây tổn thương. Đây là bệnh lý toàn thân. Khi thần kinh ngoại biên tổn thương dẫn đến cảm giác kiến bò hoặc mất cảm giác chân.
Suy thận: suy thận có thể gây cảm giác kiến bò, dị cảm ở chân. Tuy nhiên đây không phải triệu chứng điển hình của bệnh. Triệu chứng kiến bò ở bàn chân do suy thận bao gồm đau và tê ngứa ở bàn chân, chuột rút và co giật cơ hoặc yếu cơ.
Các bệnh lý và nguyên nhân khác:
Nhiễm trùng: tình trạng nhiễm trùng trực tiếp thần kinh ngoại biên hoắc các nhiễm trùng lân cận lan tới cũng có thể là nguyên nhân gây tê bì, cảm giác kiến bò ở chân.
Chèn ép thần kinh: các bệnh lý thoái hoá cột sốt, thoát vị đĩa đệm hoặc các chấn thương, viêm gây chèn ép dây thần kinh dẫn đến gây cảm giác kiến bò, tê bì ở. Tùy vào vị trí tổn thương mà gây tê bị cảm giác kiến bò ở chân hoặc bất kỳ phần nào của cơ thể.
Chấn thương cơ lặp đi lặp lại: hay còn gọi là hội chứng RSI, do các chấn thương lặp đi lặp lại, gây tổn thương cơ, dây chằng, thần kinh.
Tác dụng phụ của thuốc: trong quá trình điều trị các bệnh lý khác, một số thuốc có tác dụng phụ gây cảm giác kiến bò ở chân như tác dụng phụ của một số hoá chất trong điều trị ung thư, một số thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Khi gặp phải triệu chứng kiến bò ở chân, không nên dừng thuốc hay liên hệ với bác sĩ để được điều chỉnh và đổi thuốc phù hợp.
Thiếu một số khoáng chất: thiếu một số khoáng chất và vitamin có thể gây cảm giác tê bì, kiến bò ở chân như vitamin nhóm B (Vitamin B12 là một vitamin quan trong đối với thần kinh ngoại biên), canxi, kali.
Phụ nữ có thai: khi thai nhi lớn dần, áp lực tăng lên khiến cho người mẹ có cảm giác tê bì, kiến bò ở chân. Điều này là hoàn toàn bình thường. Cùng với đó, nội tiết tố phụ nữ cũng thay đổi trong thời kỳ này, có thể gây phù và các dấu hiệu khác kèm theo.
Tiếp xúc chất độc: một vài hóa chất độc hại như thạch tín, thủy ngân, thuốc trừ sâu,... có thể gây ngứa tê như kiến bò ở bàn chân kèm theo các triệu chứng khác như tê liệt, yếu cơ, đi lại khó khăn hoặc đau đớn.
Rối loạn do rượu: rượu là chất kích thích mạnh lên hệ thần kinh.Nồng độ rượu cao gây tổn thương thần kinh dẫn đến cảm giác kiến bò. Theo Healthline, người ta ước tính rằng 46.3% những người thường xuyên lạm dụng rượu/nghiện rượu sẽ mắc các bệnh dây thần kinh ngoại biên.
Bệnh đái tháo đường là căn nguyên hàng đầu gây cảm giác kiến bò ở chân - Ảnh: Freepik
Cách thoát khỏi cảm giác kiến bò ở chân
Để điều trị cảm giác kiến bò ở chân điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Cảm giác kiến bò gây nhiều khó chịu cho người bệnh, tham khảo các cách giúp làm giảm cảm giác kiến bò ở chân dưới đây:
Kéo căng phần chân bị tê bị, cảm giác kiến bò, làm tăng lưu lượng máu đến chân, giảm cảm giác tê ngứa râm ran ở chân.
Massage cũng giúp làm tăng tưới máu.
Sử dụng nhiệt làm giảm cảm giác tại vùng chân.
Cố gắng không tập trung nhiều đến cảm giác tê bì của bàn chân bằng cách làm việc khác.
Một số thực phẩm có thể sử dụng như gừng, nghệ, quế có đặc tính chống viêm và tăng lưu thông máu.
Cảm giác kiến bò ở chân là triệu chứng gây nhiều phiền toái. Thường gây ra bởi các thói quen giữ lâu ở một tư thế. Tuy nhiên cũng có nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây ra cảm giác này.