Giải mã cách chữa viêm hang vị dạ dày
Giải mã cách chữa viêm hang vị dạ dày
cách chữa viêm hang vị dạ dày
Cách điều trị viêm hang vị dạ dày - Ảnh: BookingCare

Giải mã cách chữa viêm hang vị dạ dày

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 27/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Để điều trị viêm hang vị dạ dày dứt điểm, hiệu quả việc thăm khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ tiêu hóa là vô cùng cần thiết.

Viêm hang vị  dạ dày là một bệnh thường gặp của dạ dày. Bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc viêm hang vị dạ dày nhưng với người cao tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn cả.

Tìm hiểu cách điều trị viêm hang vị dạ dày trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Cách điều trị viêm hang vị dạ dày

Nhìn chung với đa số các trường hợp, bệnh nhân viêm hang vị dạ dày được điều trị bằng phương pháp thay đổi chế độ ăn uống, lối sống cùng một số loại thuốc.

Điều trị viêm hang vị dạ dày không sử dụng thuốc

Người bị viêm hang vị dạ dày cần lưu ý:

  • Tránh thức ăn cay, nóng, đồ chua, đồ ăn quá cứng và nhịn ăn trong thời gian dài.
  • Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên.
  • Tránh thức ăn chiên và có tính acid.
  • Tránh thuốc lá, đồ uống có cồn…  nhất là khi đói, hạn chế uống cà phê, trà đặc nếu đã có dấu hiệu viêm hang vị.
  • Chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng để giảm căng thẳng như: Yoga, thiền, chạy bộ, đi bộ, đạp xe,... Sau khi ăn không nên làm việc ngay hoặc không nên chạy nhảy, tập thể dục ngay mà cần ngồi thoải mái để thức ăn được nhào trộn kỹ ở dạ dày trước khi xuống ruột non.
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đúng giờ đủ giấc.

Điều trị viêm hang vị dạ dày bằng nội khoa, sử dụng thuốc

Sau khi được bác sĩ tiêu hóa thăm khám và chẩn đoán bệnh, tùy vào tình trạng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp

Thuốc trung hòa acid

Các thuốc này làm trung hòa acid dạ dày (nguyên nhân gây viêm loét hang vị), giúp giảm các triệu chứng, thúc đẩy quá trình lành tổn thương, bao gồm: Natri bicarbonate, canxi carbonate (khả năng trung hòa nhanh chóng, nhưng chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn 1 - 2 ngày); thuốc chứa nhôm hoặc magie hydroxyd...

Lưu ý, thời gian hiệu quả khi uống thuốc kháng acid là ngay sau bữa ăn (không dùng trước khi ăn vì sẽ gây tác dụng ngược). Không nên uống cùng lúc thuốc kháng acid và các loại thuốc khác (như kháng sinh tetracyclin, quinolon…) sẽ gây tương tác thuốc bất lợi. Do đó, chỉ nên uống thuốc kháng acid và các thuốc điều trị khác cách nhau ít nhất 2 giờ. Một số thuốc kháng acid có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón.

Thuốc chống bài tiết dịch vị dạ dày

Các thuốc kháng histamin H2 (cimetidine, ranitidine, nizatidine, famotidine) và thuốc ức chế bơm proton PPI (omeprazol, pantoprazol, esomeprazol, lansoprazol…) có tác dụng làm giảm tiết acid, cải thiện tình trạng tổn thương và dự phòng viêm loét tái phát.

Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp việc sử dụng các loại thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài, đặc biệt liều cao, có thể dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương sống, xương hông và cổ tay. Thuốc cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ suy thận, sa sút trí tuệ, và thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Thuốc bảo vệ niêm mạc

Có tác dụng tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc tổn thương, giúp hạn chế sự tấn công của tác nhân gây viêm loét cũng như tạo cơ hội cho dạ dày được phục hồi vết thương qua thời gian. Bên cạnh đó, thuốc bọc niêm mạc dạ dày còn có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn HP gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày.

Một số trong nhóm này gồm: Bismuth, sucrafate, prostaglandin...

Với các trường hợp nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori (HP)

Nếu bị viêm hang vị do vi khuẩn HP cần sử dụng thuốc kháng sinh thích hợp theo đơn thuốc bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ và thời gian dùng thuốc.

Để điều trị viêm hang vị dạ dày hiệu quả, bệnh nhân lưu ý sử dụng đúng thuốc, đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc. Đồng thời thay đổi lối sống cũng là một khía cạnh quan trọng trong điều trị viêm hang vị dạ dày mà bạn đọc cần quan tâm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare