HbA1C là gì? Chỉ số HbA1c ở người bệnh đái tháo đường
HbA1C là gì? Chỉ số HbA1c ở người bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm chỉ số HbA1C
Chỉ số HbA1C ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh: BookingCare

HbA1C là gì? Chỉ số HbA1c ở người bệnh đái tháo đường

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 28/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
HbA1c là xét nghiệm người bệnh tiểu đường cần thực hiện 3 tháng một lần hoặc ít nhất 2 lần/năm. Theo dõi chỉ số HbA1C thực sự quan trọng để theo dõi việc điều trị ở người bệnh.

Nội dung bài viết dưới đây sẽ giải thích rõ hơn cho người bệnh về HbA1c là gì? Ý nghĩa của chỉ số này và chỉ số HbA1c ở người bệnh đái tháo đường.

HbA1C là gì? 

Xét nghiệm HbA1c hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: 

  • Xét nghiệm Hemoglobin A1c
  • Xét nghiệm A1c
  • Xét nghiệm Hemoglobin Glycated
  • Xét nghiệm Glycohemoglobin

HbA1c là chất gồm hemoglobin kết hợp với glucose tồn tại trong máu. Trong đó, Hemoglobin (Hb) là một trong những thành phần cấu tạo nên tế bào hồng cầu, có vai trò vận chuyển oxy. Bình thường sự gắn kết của đường vào hemoglobin chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, khi đường máu cao thì tăng lượng glucose gắn vào hemoglobin dẫn đến tăng chỉ số HbA1c.

Đời sống tế bào hồng cầu kéo dài trong khoảng 120 ngày, do đó, HbA1c phản ánh lượng đường trong máu trong khoảng 3 tháng trước đó và xét nghiệm HbA1c nên được lặp lại mỗi 3 tháng ở người mắc bệnh đái tháo đường.

Sự gắn kết đường trong máu với Hb của hồng cầu
Sự gắn kết của đường trong máu với tế bào hồng cầu

Bình thường HbA1c chiếm 4 - 6% trong toàn bộ Hemoglobin. 

  • Khi HbA1c tăng > 6,5% là tăng đường huyết.
  • Khi HbA1c tăng 1% tương ứng với giá trị đường huyết tăng lên 30mg/dl hay 1.7 Mmol/L.
  • Khi HbA1c < 6.5% cho thấy đường huyết kiểm soát tốt.

Ý nghĩa chỉ số HbA1C

  • Xét nghiệm HbA1c được sử dụng để chẩn đoán xác định bệnh tiểu đường. Do chỉ số HbA1c ít thay đổi trong khoảng 3 tháng theo đời sống của tế bào hồng cầu, nên đây là chỉ số phản ánh trung thực và chính xác lượng đường trong máu.
  • HbA1c được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị. Các phương pháp thay đổi lối sống và/ hoặc dùng thuốc hạ đường huyết thường được đánh giá hiệu quả thông qua việc xét nghiệm lại chỉ số HbA1c, từ đó bác sĩ có phương án điều chỉnh phù hợp với đáp ứng của từng bệnh nhân.
  • Mức HbA1c cao dai dẳng chứng tỏ lượng đường trong máu chưa được kiểm soát tốt và người bệnh có thể có các biến chứng bệnh tiểu đường, vì vậy việc đạt được và duy trì mục tiêu HbA1C của cá nhân người bệnh thực sự quan trọng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường type 1 nên xét nghiệm HbA1c tối thiểu 2 lần trong 1 năm.
Người mắc đái tháo đường type 2 hoặc người có đường huyết không ổn định nên xét nghiệm thường xuyên hơn - 3 tháng/1 lần.

Thực hiện xét nghiệm HbA1C như thế nào?

Xét nghiệm HbA1c được thực hiện bằng cách lấy một mẫu máu nhỏ và phân tích tại phòng xét nghiệm, kết quả được tính theo tỉ lệ phần trăm HbA1c trên tổng số hemoglobin của máu.

Xét nghiệm HbA1c không yêu cầu nhịn ăn bởi kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến thức ăn, thức uống, chế độ luyện tập thể dục hay các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng (trừ Corticosteroid). Do đó, có thể tiến hành xét nghiệm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Chỉ số HbA1C ở người bệnh tiểu đường

  • Đối với những người không bị tiểu đường, phạm vi bình thường của mức độ Hemoglobin A1c là từ 4% - 5,6%.
  • Mức HbA1c từ 5,7% - 6,4% có nghĩa là bạn bị tiền tiểu đường và có nguy cơ tiến triển mắc bệnh tiểu đường trong tương lai.
  • Mức 6,5% hoặc cao hơn có nghĩa là bạn bị tiểu đường.

HbA1c cao có nghĩa là bạn có quá nhiều đường trong máu. Điều này có nghĩa là bạn có nhiều khả năng phát triển các biến chứng tiểu đường, chẳng hạn như các vấn đề nghiêm trọng về mắt và bàn chân.

Biến chứng có thể gặp ở người có HbA1c cao mà không được kiểm soát

  • Biến chứng tại mắt: nhìn mờ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,…
  • Biến chứng tim mạch: xơ vữa và gây hẹp lòng mạch máu có thể dẫn đến đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.
  • Biến chứng thần kinh ngoại vi: cảm giác tê bì, kiến bò, buồn bực chân tay.
  • Biến chứng bàn chân đái tháo đường: những vết thương nhỏ trên da trở lên khó liền sẹo do tổn thương các động mạch cấp máu nuôi dưỡng chúng, lâu ngày dẫn tới loét hoại tử, thậm chí cắt cụt.

Người mắc bệnh tiểu đường nên làm xét nghiệm HbA1c 3 tháng một lần để đảm bảo lượng đường trong máu nằm trong phạm vi mục tiêu. Nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt, người bệnh có thể giãn các lần xét nghiệm HbA1C. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo nên kiểm tra ít nhất hai lần một năm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết