Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không?

Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 04/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không?
Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không? - Ảnh: BookingCare
Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người bệnh. Cùng tham khảo ý kiến bác sĩ Tiêu hóa để trả lời câu hỏi này.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa thường gặp. Đặc trưng của bệnh là các triệu chứng tồn tại dai dẳng và hiện tại chưa có biện pháp nào chữa khỏi hẳn hội chứng ruột kích thích nhưng các biểu hiện khó chịu của bệnh nhân có thể kiểm soát, giảm nhẹ khi được điều trị đúng cách. 

Triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích

Triệu chứng của IBS rất đa dạng, thường rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích thì chúng ta cần lưu ý những tiêu chuẩn sau:

  • Thứ nhất, bệnh nhân có cơn đau bụng kéo dài ít nhất trong 3 tháng gần đây và đau bụng ít nhất 1 lần/tuần.
  • Thứ hai, thời gian khởi bệnh phải từ 6 tháng trở lên thì mới gọi là hội chứng ruột kích thích.
  • Thứ ba, kèm theo đau bụng thì bệnh nhân phải có một trong ba bất thường:
    • Bất thường về số lần đi cầu (táo bón, đi tiêu lỏng)
    • Bất thường về hình dạng phân (phân cứng, chắc, sệt, lỏng toàn nước)
    • Đau bụng có kèm liên quan đến đi cầu (Đau bụng đi cầu xong thì đỡ đau hoặc mỗi lần đi cầu thì đau bụng…)

Tuy nhiên, để chẩn đoán ruột kích thích cần lưu ý bệnh nhân bắt buộc có các xét nghiệm về máu, phân và hình ảnh học (nội soi đại tràng, X quang đại tràng) bình thường. Trong trường hợp không có xét nghiệm, người được chẩn đoán hội chứng ruột kích thích cần chắc chắn không có các triệu chứng báo động sau: triệu chứng đau bụng khởi phát ở người trên 50 tuổi, sụt cân ngoài ý muốn, ăn mất ngon, sốt, có dịch trong ổ bụng, có máu trong phân, có triệu chứng đau bụng gây mất ngủ, và sờ thấy khối u ở bụng.

Những triệu chứng, biểu hiện của hội chứng ruột kích thích có nét tương đồng với nhiều bệnh lý tiêu hóa khác. Vì vậy, để xác định bệnh phải dựa vào thời gian, tổng trạng, triệu chứng kèm theo những chẩn đoán cận lâm sàng để loại trừ những bệnh lý khác thì mới được chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không?

Theo bác sĩ Tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích không hẳn là một bệnh mà là một tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh cần phải được xác định rằng hội chứng ruột kích thích là một bệnh không chữa khỏi mà chỉ có thể giảm bớt, kiểm soát triệu chứng bệnh.

Nếu không cắt được yếu tố thuận lợi, không cắt được nguyên nhân thì sẽ bị tái đi tái lại. Những triệu chứng này khi gặp một vài yếu tố thuận lợi như làm việc căng thẳng, thực phẩm không phù hợp thì sẽ bị tái phát. Lúc đó, bệnh nhân không cần quá căng thẳng, lo lắng vì đây cũng là một yếu tố khởi phát hội chứng ruột kích thích.

Như vậy, mặc dù hiện tại, không có phương pháp chữa trị hoàn toàn cho hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát và giảm thiểu triệu chứng thông qua các biện pháp quản lý tình trạng sức khỏe và thay đổi lối sống. Dưới đây là một số cách giúp người bệnh IBS kiểm soát triệu chứng:

  • Thay đổi chế độ ăn uống, tránh những thực phẩm kích thích đặc biệt gây ra triệu chứng như thức ăn cay nóng hoặc nhiều dầu mỡ, rượu, thức uống chứa caffeine, hoặc một số loại ngũ cốc có thể kém dung nạp với người bệnh.
  • Người có triệu chứng tiêu chảy, đầy bụng, chướng bụng, không dung nạp với sữa động vật cần được đi khám để chẩn đoán phân biệt với tình trạng bất dung nạp lactose.
  • Một nhóm thực phẩm dễ lên men (nên dễ sinh hơi), kém hấp thu (gây ứ đọng dịch ruột), chứa nhiều đường đơn hoặc chuỗi ngắn có thể làm thay đổi vận động và hệ vi khuẩn ruột, gây ra triệu chứng tiêu chảy, chướng bụng, đầy bụng ở một số bệnh nhân, gọi là FODMAPs. Những nhóm thực phẩm giàu FODMAPs bao gồm fructose (si rô bắp, táo, lê, mật ong, dưa hấu, nho khô), lactose, fructans (tỏi, hành, tỏi tây, măng tây, actiso), sản phẩm từ bột mì (bánh mì, mì ý, vụn ngũ cốc ăn sáng và các loại bánh), sorbitol (các loại quả hạch như đào, mơ), raffinose (cây họ đậu, đậu lăng, cải Brussel, đậu nành, bắp cải). Giảm tiêu thụ các nhóm thực phẩm này trong 2 – 4 tuần có thể cải thiện triệu chứng, đặc biệt là đau bụng và chướng bụng.
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, không lên men như vỏ hạt mã đề, yến mạch có thể giúp ổn định hệ tiêu hóa.
  • Kiểm soát stress, căng thẳng bởi tình trạng tâm lý không ổn định có thể kích thích triệu chứng IBS
  • Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ

Khi IBS được kiểm soát, bệnh nhân sẽ đỡ đau bụng, đi vệ sinh cũng ổn định giúp tâm trạng dễ chịu, cuộc sống thoải mái hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết