Bệnh suy giáp là tình trạng suy giảm hormone tuyến giáp. Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể gây ra một loạt các dấu hiệu và rối loạn trong cơ thể. Vậy suy giáp có nguy hiểm không? Bệnh có thể gây ra những biến chứng gì?
Tuyến giáp có vai trò tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất và quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Đồng thời, tuyến giáp cũng là nơi hỗ trợ chức năng não bộ, cơ bắp.
Suy giáp gây thiếu hụt các hormone tuyến giáp, từ đó làm rối loạn chức năng tuyến giáp.
Ở giai đoạn đầu, bệnh suy giáp thường không có biểu hiện rõ rệt khiến người bệnh chủ quan không đi điều trị hoặc dễ nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường khác như mệt mỏi, tăng cân, tiêu chảy,… Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng.
Đây là biến chứng đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh suy giáp. Sau một thời gian dài tuyến giáp cố gắng hoạt động để tăng sinh các hormone thiếu hụt thì dễ dẫn đến hiện tượng tuyến giáp sưng to. Tuyến giáp tăng kích thước gây ra tình trạng bướu cổ.
Mặc dù đây là bệnh lành tính, nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh khi kích thước bướu to. Ngoài ra, bướu cổ to còn ảnh hưởng đến khả năng nuốt thức ăn và hô hấp.
Thiếu hormone giáp có thể làm giảm nhịp tim, yếu cơ tim, từ đó dẫn tới các tình trạng: nhịp tim chậm hoặc không ổn định, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch như suy tim, huyết áp thấp,… Bên cạnh đó, suy giáp cũng có thể làm tăng hàm lượng cholesterol “xấu” (LDL-Cholesterol) trong cơ thể.
Hormone tuyến giáp suy giảm cản trở quá trình rụng trứng ở nữ giới, giảm khả năng thụ thai và sinh sản. Đặc biệt, bệnh suy giáp kéo dài khiến cơ thể tiết nhiều hormone prolactin - một chất ngăn ngừa rụng trứng, gây vô kinh, thiểu kinh, tăng nguy cơ hiếm muộn ở nữ giới.
Suy giáp cũng là nguyên nhân làm giảm ham muốn tình dục ở nữ.
Nhiều nghiên cứu trên những trẻ được sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh suy giáp trong quá trình mang thai, đứa trẻ sinh ra có nguy cơ gặp một số dị tật bẩm sinh cao hơn những đứa trẻ khác, thường là về trí não và phát triển.
Người bệnh suy tuyến giáp trong thời kỳ mang thai cũng tăng nguy cơ sảy thai và một số biến chứng nghiêm trọng khác như tiền sản giật, sinh non.
Suy giáp kéo dài không được chữa trị đúng cách có thể làm tổn thương hệ thần kinh ngoại biên gây ra các triệu chứng như: đau, tê và ngứa ran ở vùng bị ảnh hưởng bởi các tổn thương thần kinh. Bệnh cũng có thể gây yếu cơ hoặc mất kiểm soát các vùng cơ vận động.
Hormone tuyến giáp tác động đến hệ thần kinh trung ương, do đó khi suy giáp, tình trạng tập trung và trí nhớ có thể bị giảm. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh sẽ gặp tình trạng suy nhược thần kinh, giảm khả năng làm việc và học tập.
Không chỉ vậy, người bệnh suy giáp còn có thể bị stress, căng thẳng quá độ, không kiểm soát được sự tức giận do quá trình sản xuất serotonin – một hợp chất hoá học trong não có liên quan đến tâm trạng bị ảnh hưởng.
Những rủi ro khó lường của bệnh suy giáp làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời. Do đó, bạn cần chủ động thăm khám và phát hiện sớm các tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp, để được điều trị kịp thời.
Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về chủ đề “suy giáp có nguy hiểm không?”.