Khò khè ở trẻ em: Đặc điểm, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 31/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 31/01/2024
Tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị triệu chứng thở khò khè ở trẻ sơ sinh
Khò khè ở trẻ em phải làm sao? - Ảnh: BookingCare
Khò khè là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, do nhiều nguyên nhân liên quan đến bất thường đường thở hoặc các cấu trúc lân cận. Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ về nguyên nhân, đặc điểm và cách điều trị triệu chứng.

Thở khò khè là dấu hiệu đặc trưng phản ánh tình trạng bị tổn thương của hệ hô hấp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của trẻ. Vậy thở khò khè là gì? Nó có nguy hiểm không? Cùng BookingCare đi tìm câu trả lời cụ thể qua bài viết dưới đây. 

Thở khò khè là gì? Đặc điểm thở khò khè 

Thở khò khè là tiếng có âm độ tương đối cao gây ra do luồng không khí đi qua đường thở bị thu nhỏ hoặc chèn ép. Về cơ chế hình thành, khi luồng không khí đi qua đường thở nhỏ bị hẹp hoặc bị chèn ép, dẫn đến những rung động nhất định tác động lên thành đường thở và tạo ra tiếng thở khò khè. 

Thở khò khè là một trong những bất thường điển hình của hệ hô hấp, xảy ra khi trẻ đang ngủ đang bú, hoặc có thể nghe rõ khi trẻ đang thức. Vậy bằng cách nào có thể phát hiện trẻ thở khò khè? Ba mẹ có thể kiểm tra trẻ thở khò khè khi ngủ bằng cách áp tai gần miệng hoặc mũi của trẻ. Tiếng thở phát ra thường có âm điệu, đều hoặc không đều và khá giống với tiếng ngáy nhẹ. 

Với các trường hợp nặng hơn (khò khè đi kèm với nhiều triệu chứng khác như thở gấp, thở rít, có đờm quấy khóc…) và không thể phát hiện bằng cách nghe thông thường, sẽ cần sự hỗ trợ của ống nghe chuyên dụng mới có thể xác định chính xác tình trạng của trẻ. 

Nguyên nhân gây khò khè ở trẻ em

Thở khò khè có thể nhầm lẫn với tiếng khụt khịt khi trẻ nghẹt mũi. Nếu sau khi trẻ được vệ sinh rửa mũi thông thoáng, ba mẹ vẫn còn cảm nhận được tiếng khò khè, đây có thể thực sự là dấu hiệu của bệnh lý với đa phần nguyên nhân xuất phát từ đường hô hấp. Ở một số trường hợp điển hình khác, nguyên nhân được xác định do nhiều yếu tố dẫn đến, có thể liên quan đến bệnh lý tim mạch, tiêu hoá, thần kinh…

  • Ảnh hưởng của thời tiết: Khi thời tiết thay đổi, ở một số bé sẽ gặp tình trạng nghẹt mũi thỉnh thoảng nghe tiếng khò khè ở trẻ, phần lớn do nguyên nhân virus, thông thường tự khỏi sau vài ngày.
  • Viêm tiểu phế quản: khi đường hô hấp nhỏ được phân loại là tiểu phế quản bị viêm do virus, trẻ sẽ khởi đầu ho, sổ mũi, sốt nhẹ và khò khè sau đó. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.
  • Hen suyễn: tình trạng viêm đường hô hấp dưới mạn tính với nhiều đợt khò khè đáp ứng với thuốc dãn phế quản đường phun khí dung. Bệnh lý này khá phổ biến ở trẻ có cơ địa dị ứng (chàm da, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn), gia đình có người bị hen suyễn.
  • Viêm phế quản phổi: Đây cũng là nguyên nhân thường gặp gây khò khè ở trẻ em. Đó là tình trạng viêm lớp niêm mạc các ống phế quản (ống dẫn không khí đến và đi từ phổi). Biểu hiện bao gồm: Thở khò khè, thở nhanh có thể kèm theo co lõm ngực, sốt, ho,...
  • Dị vật đường thở: Dị vật trong khí phế quản có thể gây ra triệu chứng khò khè cấp tính hoặc mạn tính. Trong trường hợp có biểu hiện cấp tính: trẻ đột ngột ho sặc sụa, khò khè, thở rít, nặng hơn có thể tím tái, lơ mơ.
  • Nguyên nhân khác: Mềm sụn thanh quản, dị tật đường thở, bất thường mạch máu trong lồng ngực, tim bẩm sinh - suy tim, trào ngược dạ dày thực quản,...

Trẻ thở khò khè có nguy hiểm không? 

Thở khò khè có nguy hiểm không là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Trên thực tế, việc xác định mức độ nguy hiểm của triệu chứng này cần dựa nhiều vào tình trạng hiện tại của bé. Dưới đây là các trường hợp điển hình: 

  • Trường hợp khò khè (trẻ vẫn ăn bú chơi giỡn bình thường, không sốt, không thở mệt, môi vẫn hồng), ba mẹ không cần quá lo lắng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do ảnh hưởng thời tiết khiến bé bị nghẹt mũi 

viêm đường hô hấp, thỉnh thoảng khò khè.

  • Ngược lại, nếu trẻ khò khè và đi kèm các triệu chứng như có đờm, ho sặc sụa, quấy khóc, thở rít, thở mệt hoặc thở không đều, trẻ đừ, ăn bú kém, sốt…

Đây là các dấu hiệu của bệnh lý đường hô hấp hoặc bệnh toàn thân có khả năng diễn tiến nặng. Do đó, khi có bất kỳ triệu chứng như đề cập ở trên, ba mẹ cần nhanh chóng đưa con đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi.

Tóm lại, thở khò khè ở trẻ em là triệu chứng cần được quan tâm và theo dõi sát, nhằm giúp hạn chế tối đa những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, ba mẹ cũng cần hết sức bình tĩnh khi trẻ thở khò khè. Tâm lý ổn định và xử lý tình huống kịp thời là những kỹ năng ba mẹ nên có để chăm sóc bé tốt hơn trong giai đoạn đầu đời. 

Điều trị khò khè ở trẻ em

Đối với trẻ thở khò khè, điều trị chủ yếu dựa vào nguyên nhân. Với các trường hợp thở khò khè do bệnh lý hoặc mắc dị vật đường thở, ba mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh cho bé, bởi sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như hệ thống miễn dịch của con. 

Nếu trẻ khò khè do yếu tố thời tiết, ba mẹ nên thực hiện những điều sau: 

  • Vệ sinh mũi sạch sẽ cho con bằng nước muối sinh lý. 
  • Giữ không gian sống luôn sạch sẽ, thoáng mát. 
  • Dinh dưỡng cân đối theo nhu cầu ăn của con

Trên đây là chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị triệu chứng khò khè ở trẻ em. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ba mẹ có được những kiến thức cơ bản về tình trạng trẻ thở khò khè, qua đó có kế hoạch chăm sóc tốt nhất khi trẻ không may mắc phải.