- Xuất bản: 02/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/02/2024
Đông y trị rối loạn tiêu hoá được nhiều người quan tâm - Ảnh: BookingCare
Đông y trị rối loạn tiêu hoá có thể dùng bài thuốc, vị thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt,… giúp giảm nhanh các triệu chứng, kiện tỳ vị và đạt hiệu quả cao. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Biểu hiện ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón, đau bụng âm ỉ, đau từng cơn,… là những dấu hiệu của bệnh lý rối loạn tiêu hoá.
Đông y điều trị rối loạn tiêu hoá mang tới hiệu quả cao, được nhiều người dân áp dụng hiện nay. Hãy cùng tìm hiểu các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc điều trị rối loạn tiêu hoá qua bài viết dưới đây.
Rối loạn tiêu hoá theo quan điểm đông y
Rối loạn tiêu hoá là hội chứng xảy ra do sự co thắt bất bình thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa khiến cơ thể đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, thay đổi vấn đề đại tiện nhưng không có bằng chứng tổn thương thực thể. Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm tính mạng nhưng rối loạn tiêu hoá gây ra nhiều ảnh hưởng và bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh.
Rối loạn tiêu hóa trong Y học cổ truyền có biểu hiện với các chứng bệnh như Phúc thống (đau bụng), trướng mãn (chướng bụng, đầy hơi), bí kết (táo bón), xôn tiết (tiêu chảy, tiêu phân lỏng nát). Rối loạn tiêu hoá theo góc nhìn đông y là do rối loạn chức năng tạng Tỳ - Vị, Tiểu trường, Đại trường.
Tỳ Vị có vai trò quan trọng giúp tiêu hoá và hấp thụ thức ăn. Tiểu trường - Đại trường chức năng truyền tống và đồng thời hấp thu phân bổ các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, giữ lại phần xác không hấp thu để thải ra ngoài.
Tỳ chủ thăng (đưa các chất dinh dưỡng đi lên trên), nếu rối loạn công năng tạng Tỳ sẽ gây ra rối loạn tiêu hoá khiến người bệnh đại tiện lỏng. Tỳ ưa đồ ấm nóng, nếu ăn phải đồ lạnh hoặc để lạnh bụng sẽ sinh chứng Tỳ hư hàn gây đại tiện lỏng, sống phân…
Vị chủ giáng (đưa chất cặn bã đi xuống dưới), khi đau dạ dày Vị khí đi nghịch lên gây nôn, nấc, ợ chua. Vị ưa đồ mát, nên nếu ăn nhiều đồ cay nóng sẽ sinh lở miệng, gọi là Vị nhiệt.
Tiểu trường chủ phân thanh giáng trọc (thanh lọc ra các chất dinh dưỡng cần cho cơ thể và đào thải các chất cặn bã) và chủ dịch ( tưới mát cho cơ thể), rối loạn chức năng Tiểu trường làm cơ thể khó hấp thu được các chất dinh dưỡng, tiểu trường thấp nhiệt làm đại tiện khó đi, tiểu ít đỏ, người nóng bứt rứt; tiểu trường hư hàn làm đại tiện lỏng, đau bụng âm ỉ, sôi ruột, tiểu nhiều, tay chân lạnh.
Đại trường có chức năng truyền tống, hấp thu phần nước còn lại trong phần cặn bã nhận từ Tiểu trường. Đại trường nhiệt làm đau bụng, đầy bụng chướng hơi, phân khô cứng khó đi, đại trường hư hàn làm phân lỏng nhão, bụng đau âm ỉ, cảm giác lạnh bụng.
Rối loạn tiêu hoá do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên - Ảnh: Freepik
Ưu - nhược điểm của điều trị rối loạn tiêu hoá bằng đông y
Điều trị rối loạn tiêu hoá bằng đông y được xem là một trong những phương pháp chữa bệnh an toàn, lành tính và mang lại hiệu quả cao:
Ưu điểm: Điều trị tận gốc theo căn nguyên gây bệnh (điều chỉnh lại sự rối loạn công năng Tỳ Vị, Đại trường, Tiểu trường), lành tính với cơ thể và dễ dàng áp dụng. Các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt) đều mang tới hiệu quả.
Nhược điểm: Chữa rối loạn tiêu hoá bằng đông y cần sự kiên trì, áp dụng trong thời gian dài mới có kết quả.
Điều trị rối loạn tiêu hoá theo y học cổ truyền
Châm cứu điều trị rối loạn tiêu hoá
Người bệnh rối loạn tiêu hoá có thể thực hiện châm cứu một số huyệt đạo sau: huyệt Trung quản, Thiên khu, Nội quan, Hợp cốc, Túc tam lý, Nội đình, Khúc trì, Thủ tam lý, Âm lăng tuyền, Tỳ du, Vị du, Tiểu trường du, Đại trường du, Tam âm giao.
Tuy nhiên, khi châm cứu cho bệnh nhân cần châm đúng quy trình, lưu ý một số đối tượng chống chỉ định châm cứu: trường hợp cấp cứu, vùng châm cứu có vết thương, lở loét, sưng nóng đỏ,… trong quá trình châm cứu cần theo dõi sát phản ứng của người bệnh để tránh trường hợp tai biến khi châm (vựng chậm, chảy máu,...), không nên châm khi người bệnh quá đói, quá no, sau khi sử dụng các chất kích thích… .
Người bệnh chọn tư thế nằm ngửa thoải mái, bộc lộ vùng bụng
Thầy buốc đặt hai bàn tay lên bụng người bệnh và xoa tròn vùng bụng (rốn làm trung tâm) với áp lực vừa phải khoảng 50 – 100 vòng theo chiều kim đồng hồ.
Day bấm một số huyệt đạo giúp kiện Tỳ Vị, cải thiện các triệu chứng khó tiêu như (các huyệt tương tự châm cứu): huyệt Trung quản, Thiên khu, Nội quan, Hợp cốc, Túc tam lý, Nội đình, Khúc trì, Thủ tam lý, Âm lăng tuyền, Tỳ du, Vị du, Tiểu trường du, Đại trường du, Tam âm giao.
Bài thuốc cổ phương điều trị rối loạn tiêu hoá
Bài Tứ quân tử thang: Nhân sâm 16g; bạch linh 16g, bạch truật 16g; cam thảo 12g. Công dụng: Chữa các chứng Tỳ Vị khí hư vận hóa kém, ăn kém, tứ chi vô lực, tiếng nói nhỏ yếu, da trắng nhợt, mạch tế.
Bài Sâm linh bạch truật tán: Nhân sâm 20g, bạch linh 20g, bạch truật 20g, cam thảo 20g, bạch biển đậu 10g, liên nhục 10g, hoài sơn 20g, cát cánh 10g, ý dĩ 10g, sa nhân 10g. Công dụng: Chữa các chứng tỳ vị hư nhược ăn uống không tiêu, đại tiện phân lỏng, nôn, chân tay vô lực, người gầy, mạch hư.
Bài Bình vị tán:Trần bì 16g, Hậu phác 16g, Thương truật 29g, Cam thảo 10g. Công dụng: Kiện tỳ, trừ đàm thấp, giảm đầy bụng, khó tiêu, phân lỏng nát.
Bài Bảo hoà hoàn:thần khúc 12g, sơn tra 12g, phục linh 12g, bán hạ 12g, trần bì 8g, liên kiều 8g, la bạc tử (sao vàng) 10g. Công dụng: Điều trị thực tích ứ trệ gây ra đầy bụng, bụng chướng đau, ợ hơi, ợ chua, nôn hoặc ỉa lỏng.
Bài Cát căn cầm liên thang: Cát căn 20g, Hoàng cầm 12g, Hoàng liên 12g, Hương phụ chế 08g , Chích Cam thảo 04g, Trần bì 06g. Điều trị đại trường thấp nhiệt gây đau bụng muốn đi tiêu, tiêu phân lỏng nhầy nhớt, sau đi giảm đau, đầy bụng, chướng hơi, người nóng nặng nề.
Vỏ cam:chứa nhiều dầu thơm (synephrine và N –methyl tyramine) giúp tăng cảm giác ngon miệng, thèm ăn, tăng tiết dịch tiêu hoá tự nhiên. Vỏ cam cũng có công dụng tuyệt vời trong việc trị chứng ợ hơi, chướng bụng.
Gừng:Gừng giúp giảm buồn nôn, tăng cường tiêu hoá hiệu quả và làm ấm bụng, ấm cơ thể.
Hạt thì là:Trị chứng khó tiêu, đau bụng, đầy hơi.
Bạch truật: Tăng chuyển hóa, chống viêm, hạ đường máu, bảo vệ gan, ức chế tế bào ung thư,...
Cam thảo: Chống viêm, chống co thắt ống tiêu hóa, lành vết loét tiêu hóa, bảo vệ gan, giải độc, tăng khả năng miễn dịch,…
Biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hoá tại nhà
Nên ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu và có lợi cho hệ tiêu hóa. Ăn thêm sữa chua hoặc sữa lên men bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa.
Bổ sung chất xơ có trong rau xanh, củ quả giúp ngăn ngừa táo bón, đầy hơi, tiêu chảy và cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Tránh các loại thực phẩm chứa dầu mỡ, gia vị, bơ sữa, thực phẩm cay nóng, hàn lạnh nhiều…
Uống đủ nước, nên chia thành nhiều lần uống trong ngày, mỗi lần nên uống từng ngụm nhỏ.
Hạn chế các chất kích thích, bia rượu có hại cho hệ tiêu hoá và sức khỏe.
Vận động và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
Hạn chế căng thẳng, luôn thư giãn tinh thần.
Trên đây là một số thông tin về điều trị rối loạn tiêu hóa theo đông y. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất. Nếu đang gặp các vấn đề về tiêu hoá, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc thăm khám tại các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất.