Rối loạn tiêu hoá là một hội chứng gây ra bởi tình trạng co thắt bất thường của các cơ vòng đường tiêu hoá, gây ra các triệu chứng khó chịu như đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy,...
Rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh lý mà là hậu quả của một bệnh lý gây ra như viêm đại tràng, viêm ruột, loạn khuẩn đường ruột hoặc không do bệnh lý như lối sống, chế độ ăn uống chưa lành mạnh... Các rối loạn tiêu hóa phổ biến thường gặp bao gồm trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng...
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là ở trẻ em, người già, người có bệnh đường tiêu hóa, phụ nữ mang thai. Các triệu chứng thường gặp như đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, ợ chua, ợ nóng, đau, buồn nôn và nôn,...
Chướng bụng: luôn cảm thấy bụng căng, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn xong. Thức ăn không được tiêu hóa hết, ứ đọng trong ống tiêu hóa gây nên tình trạng này.
Buồn nôn, nôn mửa: Các nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
Người bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên cũng có cảm giác ăn uống không ngon miệng, chán ăn, nhanh no, thay đổi cân nặng...
Trẻ nhỏ thường có biểu hiện không chịu ăn uống, quấy khóc... Tình trạng này kéo dài, nhất là tiêu chảy sẽ khiến người bệnh mất nước, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sút cân, kém phát triển, suy dinh dưỡng. Việc học tập của trẻ, công việc của người lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hội chứng rối loạn tiêu hóa bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những căn nguyên phổ biến nhất:
Viêm đại tràng là nguyên nhân thường gặp nhất của rối loạn tiêu hóa. Đại tràng bị viêm do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc sẽ dẫn đến rối loạn hoạt động hấp thu của đại tràng. Từ đó gây tiêu chảy khi các cơ vòng đại tràng tăng co thắt, ngược lại gây táo bón khi cơ vòng giảm co thắt.
Dạ dày là nơi chứa thức ăn và nghiền nát thức ăn giúp cho quá trình tiêu hoá và hấp thu chất dinh dưỡng được thuận lợi. Quá trình tiêu hóa thức ăn giảm hiệu quả do tác động của các vấn đề tại dạ dày. Trong đó các bệnh lý phổ biến nhất là viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng,…
Thực phẩm đưa vào cơ thể có tác động trực tiếp đến sức khỏe của đường tiêu hóa. Nếu chúng ta sử dụng những thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh hoặc có chứa những chất có tác động không tốt đến quá trình tiêu hóa đều có thể dẫn đến tình trạng hoạt động tiêu hoá bất thường.
Thêm vào đó, việc ăn uống không điều độ, ăn không đúng bữa, ăn quá nhanh… là lý do rối loạn tiêu hóa xuất hiện.
Các loại thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu hệ tiêu hóa bao gồm: thực phẩm nhiều dầu mỡ, chua cay, các thực phẩm dễ lên men, nước ngọt có gas, sữa…
Lạm dụng đồ uống có cồn như rượu, bia… cũng gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động tiêu hóa thức ăn. Chúng làm mất cân bằng pH dạ dày, rửa trôi dịch vị và men tiêu hóa.
Đường ruột bình thường có chứa các loại vi khuẩn giúp lên men, điều hòa quá trình tiêu hóa, gồm các vi khuẩn có lợi và có hại. Trong tình trạng bình thường thì các vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế và ức chế hoạt động của các vi khuẩn có hại. Việc chuyển hóa thức ăn sẽ bị rối loạn khi hệ vi sinh vật này bị mất cân bằng.
Một số loại thức ăn hoặc thuốc có thể làm cho các vi khuẩn sinh men có hại phát triển mạnh mẽ, gây ra các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy,...
Lạm dụng thuốc kháng sinh là một nguyên nhân thường gặp của sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, do thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển và sinh sôi. Tình trạng này dễ gặp nhất ở đối tượng trẻ nhỏ.
Trong hệ tiêu hóa của mỗi người đều có một lượng hormone Serotonin nhất định. Đây là loại hormone có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng tâm trạng. Nếu thường xuyên bị stress, căng thẳng, lượng hormone này sẽ tăng sinh và làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, tình trạng stress kéo dài sẽ làm cản trở quá trình lưu thông máu ở ruột. Từ đó gây ảnh hưởng đến chức năng co bóp của dạ dày. Thức ăn có thể bị ứ đọng tại ruột hoặc cũng có thể bị đào thải ra ngoài một cách nhanh chóng. Điều này khiến người bệnh bị đầy bụng, khó tiêu hoặc bị tiêu chảy.
Để chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, bác sĩ có thể tiến hành theo quy trình sau:
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ triệu chứng bệnh mà với mỗi trường hợp rối loạn tiêu hóa, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng: thức ăn và nước uống là tác nhân dễ gây ra chứng rối loạn tiêu hóa nhất. Vì thế, việc cân bằng dinh dưỡng và lựa chọn những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa là rất cần thiết.
Sử dụng thuốc: bạn có thể sử dụng kháng sinh đúng liều để điều trị các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được sự đồng ý và chỉ định của bác sĩ. Vì thế bạn cần đến khám và nhờ bác sĩ kê đơn điều trị nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng.
Điều trị tại bệnh viện: các trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng cần được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch nếu bị mất nước do nôn, tiêu chảy. Các trường hợp sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước, tiêu chảy quá nhiều lần… cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm trầm cảm và căng thẳng, kích thích đường ruột co thắt bình thường và từ đó có thể giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Căng thẳng, lo lắng cũng là một yếu tố gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hoá. Vì vậy, để giảm nguy cơ này, nên tập các phương pháp giúp giải toả căng thẳng trong công việc và cuộc sống, hạn chế nguy cơ trầm cảm. Nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức để phòng ngừa các bệnh gây ra do stress.
Như vậy, trên đây là những thông tin về rối loạn tiêu hóa, nhìn chung bệnh không gây nguy hiểm tuy nhiên lại ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Để kiểm soát rối loạn tiêu hóa hiệu quả, việc kết hợp giữa chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc, vận động thường xuyên là vô cùng cần thiết.