Mất răng hàm dưới số 7: Nguyên nhân, hậu quả và phương pháp điều trị
Mất răng hàm dưới số 7: Nguyên nhân, hậu quả và phương pháp điều trị
Răng số 7
Tổng quan về mất răng số 7 hàm dưới - Ảnh: BookingCare

Mất răng hàm dưới số 7: Nguyên nhân, hậu quả và phương pháp điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 03/05/2024 | Cập nhật lần cuối: 12/05/2024
Mất hàm răng dưới số 7 có thể dẫn tới tiêu xương hàm, xô lệch răng, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và sức khỏe người bệnh.

Răng hàm dưới số 7 là răng hàm lớn thứ 2 đóng vai trò quan trọng trong việc ăn nhai và thẩm mỹ khuôn mặt. Khi mất răng số 7 bạn có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tiêu xương hàm, xô lệch răng,…

Vậy nguyên nhân mất răng hàm dưới số 7 là gì? Phương pháp điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được BookingCare chia sẻ qua bài viết dưới đây.

Tổng quan về răng hàm dưới số 7

Răng hàm dưới số 7 là răng hàm lớn thứ 2, nằm ngay sau răng khôn và tham gia nhiều chức năng quan trọng như:

  • Nhai nghiền thức ăn: Răng số 7 là một trong những răng có kích thước lớn và lực nhai mạnh nhất trong cung hàm. Do đó răng có vai trò nghiền nát thức ăn và đưa xuống dạ dày để tiêu hóa.
  • Giữ vững cấu trúc cung hàm: Răng hàm dưới số 7 có chức năng giữ cho khung hàm được ổn định. Nó giống như chiếc đinh chốt cuối cùng cố định cấu trúc hàm răng.
  • Thẩm mỹ khuôn mặt: Răng hàm dưới số 7 giúp cho khuôn mặt được cân bằng, không bị hóp hay chảy xệ.
  • Ngoài ra răng số 7 hàm dưới còn tham gia nhiều chức năng khác như giúp phát âm rõ, kích thích tuyến nước bọt tăng tiết dịch để tiêu hóa thức ăn,…

Nguyên nhân gây mất răng hàm dưới số 7

Mất răng số 7 hàm dưới là tình trạng răng bị rụng, gãy hoặc phải nhổ bỏ do các nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân gây mất răng thường gặp:

  • Sâu răng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất răng số 7 hàm dưới. Bởi răng số 7 hàm dưới nằm sâu trong cùng nên khi vệ sinh răng miệng nếu không biết cách rất dễ bỏ sót. Sâu răng không được xử trí kịp thời sẽ lan rộng và phá hủy cấu trúc răng dẫn tới gãy rụng.
  • Bệnh nha chu là tình trạng viêm nhiễm nướu và các mô xung quanh răng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nha chu có thể dẫn đến tiêu xương hàm, làm cho răng bị lung lay và rụng.
  • Chấn thương do tai nạn hoặc va đập mạnh là nguyên nhân gây mất răng số 7 hàm dưới thường gặp ở người trẻ tuổi.
  • Răng khôn mọc lệch có thể đâm vào chân răng số 7 khiến răng số 7 bị sâu, lung lay và rụng.
  • Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh: Răng dễ bị tổn thương do sử dụng quá nhiều các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, đồ lạnh,…

Mất răng hàm dưới số 7 có nguy hiểm không?

Răng hàm dưới số 7 giữ nhiều chức năng quan trọng trong việc nhai nghiền thức ăn và thẩm mỹ khuôn mặt. Do đó khi mất răng hàm dưới số 7 người bệnh có thể gặp các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe:

  • Giảm khả năng nhai nghiền thức ăn: Răng số 7 hàm dưới có bề mặt tiếp xúc lớn, lực nhai nghiền mạnh nên khi bị mất răng việc ăn nhai trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với thức ăn cứng.
  • Dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm dạ dày, trào ngược thực quản - dạ dày,… Mất răng số 7 hàm dưới khiến thức ăn không được nghiền nát kỹ sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. Dạ dày là phải tăng co bóp để tiêu hóa các thực phẩm thô, kích thước lớn nên dễ bị tổn thương. Một số tình trạng thường gặp như đầy bụng, khó tiêu, táo bón,…
  • Tiêu xương hàm là một biến chứng phổ biến của tình trạng mất răng. Bởi khi mất răng, xương hàm không còn được kích thích và sẽ dần dần tiêu biến. Quá trình tiêu xương hàm không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn dẫn tới một số thay đổi nhất định trên khuôn mặt người bệnh.
  • Xô lệch răng và lệch khớp cắn: Khi mất răng số 7 hàm dưới thì đồng nghĩa cung răng sẽ bị trống một vị trí và các răng còn lại có xu hướng xô lệch về phía trống. Điều này dẫn tới vị trí răng bị lệch, ảnh hưởng tới khớp cắn.
  • Tổn thương răng hàm trên số 7 đối diện. Khi mất răng số 7 hàm dưới thì răng số 7 hàm trên mất đi điểm tựa. Theo quán tính của trọng lực, răng số 7 có xu hướng rơi xuống dưới. Về lâu dài có thể dẫn tới tổn thương tụt rặng, rụng răng.
  • Ảnh hưởng tới thẩm mỹ khuôn mặt: Mất răng gây tiêu xương, giảm khả năng nhai khiến khuôn mặt bị hóp, chảy xệ và trông kém sắc hơn. Đặc biệt là ảnh hưởng tâm lý, khiến người bệnh tự ti, ngại giao tiếp.

Mất răng số 7 hàm dưới điều trị như thế nào?

Mất răng hàm dưới số 7 nên được điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. 

Dưới đây là những phương pháp điều trị mất răng hiệu quả nhất hiện nay:

  • Trồng răng implant: Một bước tiến quan trọng trong điều trị mất răng là phương pháp trồng răng Implant. Implant là một trụ titanium được cấy vào xương hàm sau đó sẽ được gắn mão sứ vào để thay thế cho răng đã mất. 
    • Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, không kích ứng, sử dụng lâu dài và tính thẩm mỹ cao. Thực hiện điều trị cấy ghép Implant sớm có thể ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm từ đó giúp tiết kiệm chi phí điều trị và hạn chế biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. 
    • Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm thi phương pháp này có chi phí cao và nguy cơ chảy máu, viêm nhiễm sau trồng răng.
  • Làm cầu răng sứ: Là một mão sứ được gắn vào hai răng kế bên răng bị mất. Phương pháp này giúp phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho khuôn mặt. Tuy nhiên đối với răng hàm dưới số 7 để thực hiện phương pháp này người bệnh cần có một chiếc răng khôn mọc thẳng và chắc khỏe.
  • Làm hàm giả tháo lắp: Phương pháp này thường được áp dụng cho những người lớn tuổi và có số lượng răng mất nhiều. Hàm giả tháo lắp được là một dụng cụ làm bằng nhựa hoặc kim loại có thể tháo lắp dễ dàng. 
    • Ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp. 
    • Nhược điểm là không thoải mái, tính thẩm mỹ thấp và không làm thay đổi quá trình tiêu xương hàm do mất răng.
Trồng răng Implant
Phương pháp trồng răng Implant điều trị mất răng hàm dưới số 7 - Ảnh Freepik

Phòng ngừa mất răng hàm dưới số 7

Để phòng ngừa mất răng hàm dưới số 7, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng kỹ càng, bao gồm:

  • Chải răng hai lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa fluoride.
  • Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày. Hạn chế dùng tăm để xỉa răng vì nguy cơ gây hở răng và tăng mảng bám cho răng.
  • Đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm gây hại cho răng như rượu bia, thuốc lá, các thức ăn cứng và dai,…

Trên đây là những thông tin cơ bản về mất răng hàm dưới số 7 cũng như các phương pháp điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe răng miệng, chi phí và mong muốn mà bạn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp. Và để hạn chế việc mất răng, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và học cách chăm sóc răng miệng hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết