Mệt mỏi chán ăn là dấu hiệu của bệnh gì?
Mệt mỏi chán ăn là dấu hiệu của bệnh gì?
Mệt mỏi
Mệt mỏi, chán ăn - nguyên nhân do đâu? - Ảnh BookingCare

Mệt mỏi chán ăn là dấu hiệu của bệnh gì?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 04/06/2024 | Cập nhật lần cuối: 07/06/2024
Mệt mỏi là tình trạng cơ thể thiếu năng lượng, kiệt sức, rã rời làm giảm cảm giác thèm ăn, cơ thể sẽ không muốn tiếp nhận thức ăn. Mệt mỏi và chán ăn là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang bị sa sút do sự mất cân bằng về lối sống, về sức khỏe tâm thần hoặc cũng có thể là do một số bệnh lý gây ra.

Mệt mỏi, chán ăn là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khiến người bệnh phải tới các cơ sở y tế để khám và điều trị; chúng có thể đi kèm với các dấu hiệu khác như trí nhớ kém, mất tập trung, đau bụng, chóng mặt, lo âu, phiền muộn,…

Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày rồi khỏi hẳn hoặc mãn tính làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Các nguyên nhân chính gây ra tình trạng mệt mỏi, chán ăn

Có 3 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra tình trạng mệt mỏi và chán ăn: 

  • Do thói quen sinh hoạt không đúng cách, không điều độ
  • Do sức khỏe tâm thần bị suy giảm do phải chịu căng thẳng, lo lắng kéo dài, rối loạn giấc ngủ
  • Do một số bệnh lý mạn tính như thiếu máu, cường giáp, suy tuyến thượng thận, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thận mạn, nhiễm trùng mạn tính 

Mệt mỏi chán ăn do thói quen sinh hoạt

Thói quen ăn uống không điều độ, thiếu chất dinh dưỡng, hạn chế vận động thể chất  là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải, cảm giác lừ đừ.

Ngoài ra, khi bạn làm việc quá mức, thiếu ngủ, thường xuyên sử dụng chất kích thích cũng dẫn đến tình trạng mệt mỏi, giảm cảm giác thèm ăn.

Nếu bạn thuộc nhóm nguyên nhân này, mệt mỏi và chán ăn sẽ hết ngay khi bạn tái lập lại cuộc sống cân bằng giữa ăn uống - nghỉ ngơi hợp lý và làm việc thích hợp - vận động thể dục thể thao thường xuyên.

Mệt mỏi chán ăn do sức khỏe tâm thần

Thường xuyên chịu áp lực, căng thẳng, lo lắng, buồn bã khiến tinh thần trở nên quá tải áp lực chịu đựng, hình thành cảm giác mỏi mệt, dẫn đến ăn uống không ngon.

Tình trạng mệt mỏi chán ăn này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh không thể tập trung, tâm lý không ổn định, có thể làm thay đổi cả tính cách.

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng kéo dài dai dẳng, những rối loạn này có thể dẫn đến cảm giác chán nản, chán ăn, ăn không ngon, mất ngủ và nhiều hệ lụy khác. 

Nếu thuộc nhóm nguyên nhân này, trước tiên bạn có thể tự cân bằng cuộc sống bằng thư giãn, thiền, hoặc các biện pháp tâm lý trị liệu nếu tình trạng không cải thiện thì bạn nên tới gặp bác sĩ tâm thần tâm lý để được điều trị toàn diện. 

Mệt mỏi chán ăn do bệnh lý cơ thể

Nếu bạn đang mắc các bệnh về máu như thiếu máu, bệnh về rối loạn chuyển hóa như suy giáp, cường giáp, suy tuyến thượng thận, tiểu đường hoặc các bệnh lý tiêu hóa như dạ dày, gan-mật-tụy làm rối loạn ăn uống, giảm cảm giác thèm ăn.

Nếu mệt mỏi chán ăn là do nguyên nhân bệnh lý thì tình trạng này sẽ kéo dài và kèm theo một số dấu hiệu đặc trưng theo từng bệnh cụ thể, lúc này bạn nên đi khám tổng quát để phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời.

Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc không được kê đơn của bác sĩ, các thuốc truyền miệng,… nhằm tránh tình trạng bệnh kéo dài và nặng thêm dẫn đến khó điều trị.

Mệt mỏi, chán ăn là tình trạng thường xuyên mắc phải trong cuộc sống của người trưởng thành ngày nay. Điều này có thể xuất hiện tạm thời và biến mất ngay sau khi bạn có thói quen nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng và thường xuyên, ăn đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên đi khám ngay để được tư vấn và hỗ trợ. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết