Mỡ trong máu: Các xét nghiệm cần thiết và cách chung sống hiệu quả tại nhà cho phụ nữ tuổi 40

Tác giả: - Xuất bản: 04/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
mỡ trong máu
Mỡ trong máu: Các xét nghiệm cần thiết và cách chung sống cho phụ nữ tuổi 40
Mỡ trong máu là tình trạng có thể gặp ở nhiều độ tuổi, trong đó phụ nữ tuổi 40 là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải. Cùng tìm hiểu về mỡ trong máu, các xét nghiệm cần thiết và cách chung sống hiệu quả tại nhà cho phụ nữ tuổi 40.

Phụ nữ tuổi trung niên thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về  sức khỏe tiềm ẩn trong đó bao gồm mỡ trong máu ( Hay còn gọi là mỡ máu cao, máu nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu). Nếu tình trạng mỡ trong máu không được kiểm soát, theo dõi đúng đắn thì có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ não, bệnh mạch vành mạn tính, nhồi máu cơ tim,...

Dưới đây sẽ là thông tin về bệnh mỡ trong máu cùng những thông tin, chia sẻ hữu ích cho phụ nữ tuổi 40, mời bạn đọc theo dõi cùng BookingCare.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi ThS.BS Tim mạch Nguyễn Thị Xuân Yến.

Nguyên nhân gây mỡ trong máu

Mỡ trong máu hay mỡ máu cao hay máu nhiễm mỡ là tên gọi chung cho tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu dẫn tới tăng cao nồng độ các Cholesterol xấu, giảm thấp nồng độ Cholesterol tốt gây ra nhiều bệnh lý đặc biệt là bệnh lý về tim mạch. 

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), máu nhiễm mỡ xuất hiện khi 1 trong 4 thông số lipid bị rối loạn bào gồm Cholesterol toàn phần, LDL- Cholesterol, HDL- Cholesterol và Triglycerid. Nguyên nhân là do người bệnh có chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa hợp lý như ăn nhiều đường, mỡ động vật, gan, trứng, bơ, sữa và các thực phẩm chế biến sẵn; uống rượu, bia; hút nhiều thuốc lá; ít vận động thể lực.

Bên cạnh đó, nguyên nhân mắc bệnh còn do rối loạn về gene, có tính chất gia đình và rối loạn thứ phát do một số bệnh lý mạn tính khác như đái tháo đường, suy giáp, hội chứng thận hư, xơ gan. Điều này lý giải tại sao không chỉ những người béo mà ngay cả những người gầy cũng bị rối loạn lipid máu.

Phụ nữ tuổi 40 có dễ bị mỡ trong máu không?

Mỡ trong máu là căn bệnh khá phổ biến và đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, khoảng 26% người Việt Nam lứa tuổi 25-74 bị máu nhiễm mỡ. 

Phụ nữ từ tuổi 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc mỡ máu cao so với nhóm tuổi trẻ. Điều này liên quan đến sự thay đổi tự nhiên trong cơ thể phụ nữ khi tiến vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Cụ thể, có một số yếu tố gây tác động đến mỡ máu cao ở phụ nữ trên 40 tuổi:

  • Giảm hormone nữ: Khi phụ nữ tiến vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, sản xuất hormone nữ estrogen giảm dần. Hormone này có vai trò giúp duy trì mức HDL- Cholesterol (tốt) và giảm mức  LDL- Cholesterol (xấu). Khi estrogen giảm, có thể làm tăng thành phần Cholesterol xấu trong máu.
  • Thay đổi lối sống: Khi tuổi tác tăng, nhiều phụ nữ có thể có thay đổi lối sống, dẫn đến việc ăn uống không cân đối hơn, ít vận động thể lực và cân nặng tăng lên. Điều này có thể góp phần làm rối loạn chuyển hóa lipid trong cơ thể dẫn đến tình trạng mỡ máu cao.
  • Yếu tố di truyền: Những yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu. Nếu gia đình có tiền sử về mỡ máu cao hoặc các vấn đề tim mạch, bạn có nguy cơ cao hơn.

Xét nghiệm chẩn đoán mỡ trong máu

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh mỡ máu, bạn đọc cần đi xét nghiệm các thành phần lipid để chẩn đoán xác định. 4 chỉ số trong xét nghiệm mỡ máu bao gồm:

  • Định lượng cholesterol toàn phần
  • Định lượng triglyceride
  • HDL-cholesterol
  • LDL-cholesterol

Xét nghiệm mỡ máu định kỳ không những có giá trị trong tiên lượng, chẩn đoán và theo dõi điều trị mỡ trong máu mà còn có giá trị trong phòng bệnh tim mạch.

Xét nghiệm mỡ máu là phương pháp xác định tình trạng mỡ trong máu đang như thế nào
Xét nghiệm mỡ máu là phương pháp xác định tình trạng mỡ trong máu đang như thế nào - Ảnh: slma.cc

Ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm mỡ trong máu

Thông số xét nghiệm 

Giá trị bình thường

Tăng

Giảm

Cholesterol toàn phần

3,9 – 5,2 mmol/L

Rối loạn chuyển hóa mỡ, béo phì, xơ vữa động mạch, thận hư, suy giáp, đái tháo đường…

Suy kiệt, hội chứng kém hấp thu, ung thư…

Triglycerid

0,46 – 1,88 mmol/L

Rối loạn chuyển hóa mỡ, béo phì, tăng Triglycerid máu gia đình, thận hư, suy giáp, đái tháo đường, dùng thuốc chẹn beta giao cảm kéo dài

Suy kiệt, hội chứng kém hấp thu, biếng ăn…

HDL-cholesterol

 

≥  0,9 mmol/L

HDL- Cholesterol tăng giúp giảm sự hình thành, phát triển và mất ổn định của mảng xơ vữa trong lòng mạch máu

Béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng triglycerid máu,..

LDL-cholesterol

≤ 3,4 mmol/L

Béo phì, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, hút thuốc lá, lạm dụng rượu…

LDL Cholesterol là tác nhân gây tăng sự hình thành và phát triển của mảng xơ vữa, trong điều trị rối loạn lipid máu cần giảm mức LDL-C về mức thấp nhất có thể

Những người cần xét nghiệm mỡ máu định kì: Thừa cân béo phì ; Có tiền sử gia đình mỡ máu cao; Hút thuốc lá, ít vận động (3 tháng/lần); Xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, đang điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ (1- 3 tháng/lần).

Lưu ý khi xét nghiệm mỡ máu

Người bệnh cần nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm (Lấy máu tại thời điểm cách bữa ăn gần nhất từ 9 - 12 tiếng) để đảm bảo kết quả được chính xác nhất. Tuy nhiên theo khuyến cáo mới nhất của hội tim mạch và xơ vữa có thể lấy máu xét nghiệm mỡ máu sau ăn ít nhất 2-3 tiếng, cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ khi bạn đã ăn trước thời gian lấy máu xét nghiệm.

Phân tích kết quả: Phải do bác sĩ thực hiện và đưa ra lời khuyên cụ thể dựa trên việc tổng hợp các thông tin như khai thác tiền sử gia đình, bệnh sử, các yếu tố nguy cơ và các xét nghiệm khác. Nếu cần bác sĩ có thể xem xét để kiểm tra thêm các xét nghiệm thăm dò khác như: điện tâm đồ, siêu âm Doppler tim, mạch máu, khảo sát hệ thống động mạch vành…

Thời gian trả kết quả: Bạn có thể nhận kết quả xét nghiệm mỡ máu trong vòng 1 – 2 giờ sau khi lấy máu xét nghiệm.

Chi phí xét nghiệm mỡ máu: Tùy từng nơi mà chi phí sẽ khác nhau, tuy nhiên nhìn chung chi phí xét nghiệm mỡ máu sẽ dao động từ 120.000đ - 300.000đ.

Chung sống với mỡ trong máu hiệu quả tại nhà cho phụ nữ tuổi 40

Dù có nguy cơ cao hơn, việc quản lý và kiểm soát mỡ trong máu ở phụ nữ tuổi 40 tuổi vẫn hoàn toàn khả thi. Để giảm nguy cơ mỡ máu cao và các vấn đề tim mạch, chị em hãy duy trì một lối sống lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và chế độ ăn uống cân đối, thường xuyên kiểm tra sức khỏe để theo dõi mức cholesterol. 

  • Chị em nên tìm hiểu các loại thực phẩm tốt cho tim mạch, có chứa hàm lượng cholesterol thấp như: rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn, các loại thịt trắng như thịt gà, cá… đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh và hoa quả có chứa nhiều vitamin và chất xơ, giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.
Top thực phẩm tốt cho tình trạng mỡ trong máu
Top thực phẩm tốt cho tình trạng mỡ trong máu - Ảnh: gethealthyu.com
  • Không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hóa và sẽ làm lượng cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch.
  • Nên ăn nhạt vừa phải sẽ có lợi cho sức khỏe và giúp kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.
  • Kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao, nên ăn những thức ăn ít chất béo như: cá, đậu phụ, đỗ tương.
  • Nên ăn thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu như: gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà, dầu ngô.
  • Hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật, thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật.
  • Tăng cường vận động, chị em có thể tìm các bộ môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức với độ tuổi của mình như tập aerobic, tập yoga, đi bộ,... để góp phần kiểm soát cân nặng và chu vi vòng bụng, tăng chuyển hóa trao đổi chất từ đó đẩy lùi tình trạng mỡ trong máu.
  • Theo dõi và xét nghiệm mỡ máu định kỳ để biết tình trạng mỡ máu trong cơ thể. Trong trường hợp không kiểm soát được mỡ máu bằng chế độ ăn và sinh hoạt, bạn cần sử dụng phối hợp thêm thuốc hạ mỡ máu.

Như vậy trên đây là những thông tin cần biết về mỡ trong máu dành cho phụ nữ tuổi 40. Các chị em có thể tham khảo, ứng dụng để xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, đẩy lùi tình trạng mỡ trong máu.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết