Mục tiêu HbA1c trong điều trị ở người bệnh đái tháo đường
Mục tiêu HbA1c trong điều trị ở người bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm chỉ số HbA1C
Mục tiêu HbA1c trong điều trị ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh: levelshealth.com

Mục tiêu HbA1c trong điều trị ở người bệnh đái tháo đường

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Mục tiêu HbA1c cụ thể của mỗi người bệnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác và tình trạng sức khỏe,... Bác sĩ thăm khám sẽ đặt mục tiêu HbA1C cá nhân hóa mỗi người bệnh. 

Chỉ số HbA1c hiện nay được xem là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết của người bệnh. Vậy mục tiêu HbA1c trong điều trị ở người bệnh đái tháo đường là bao nhiêu?

Khi đường đi vào máu, nó sẽ gắn với huyết sắc tố, một loại protein trong các tế bào hồng cầu. Khi lượng glucose trong máu cao, glucose sẽ đi vào hồng cầu nhiều hơn, tạo ra nhiều hemoglobin glycate hóa hơn và làm chỉ số HbA1c tăng lên. Xét nghiệm HbA1C cho biết tình trạng glucose trong máu kết hợp với hemoglobin nhiều hay ít

Tại sao phải quan tâm đến chỉ số HbA1c mục tiêu?

Một trong các mục tiêu điều trị đái tháo đường là dự phòng các biến chứng mạch máu lớn, biến chứng mạch máu nhỏ, cải thiện sức khỏe toàn diện và điều trị các biến chứng.

Mục tiêu này được cụ thể hóa bằng các chỉ số: kiểm soát đường huyết, kiểm soát các yếu tố bệnh đồng mắc (tăng huyết áp, rối loạn lipid máu,...) và điều chỉnh cân nặng cơ thể.

Trong đó, xét nghiệm đường huyết chỉ phản ánh nồng độ glucose trong máu ở thời điểm làm xét nghiệm, vì thế, nó có thể bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống, tập luyện trước đó. Trong khi, HbA1c lại có khả năng phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết trong một khoảng thời gian dài, 2 - 3 tháng. 

Vậy nên để kiểm soát đường huyết, cần quan tâm đến chỉ số HbA1c. Từ đó, người bệnh và bác sĩ điều trị có cơ sở đánh giá được việc kiểm soát đường huyết, từ đó đưa ra điều chỉnh phù hợp nhằm đạt hiệu quả điều trị.

HbA1C giảm 1% (ví dụ từ 8% xuống 7%) sẽ làm giảm được 35% nguy cơ mắc biến chứng mạch máu nhỏ như bệnh thận, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh do đái tháo đường.

Mục tiêu HbA1c trong điều trị ở người bệnh đái tháo đường

Theo hướng dẫn của các Hiệp Hội Đái tháo đường lớn hiện nay, khuyến cáo mục tiêu HbA1c ở đa số bệnh nhân người lớn là < 7% và thậm chí < 6.5% nếu như có thể đạt được một cách an toàn trên nhóm đối tượng bệnh nhân chọn lọc.

Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể của mỗi người bệnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Bác sĩ thăm khám sẽ đặt mục tiêu HbA1C cá nhân hóa cho mỗi người bệnh. 

Bạn đọc có thể tham khảo thêm mục tiêu chỉ số HbA1c do Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo:

  • Mục tiêu HbA1c ≤ 6,5% dành cho những người mới bị chẩn đoán bệnh đái tháo đường, bệnh nhân không gặp nhiều cơn hạ đường huyết.
  • Mục tiêu HbA1c là 7% dành cho bệnh nhân cao tuổi.
  • Mục tiêu HbA1c là 7,5% dành cho trẻ em bị bệnh đái tháo đường (0 đến 18 tuổi), trẻ em dưới 6 tuổi có thể không nhận ra triệu chứng hạ đường huyết.
  • Mục tiêu HbA1c 8% dành cho những người đã từng hạ đường huyết trầm trọng.

Tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Ngoài ra, người bệnh cần thăm khám định kỳ với bác sĩ để đánh giá đáp ứng điều trị, theo dõi mức mục tiêu HbA1c phù hợp, tầm soát sớm và điều trị biến chứng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết