Nấm bẹn có nguy hiểm không? Nguyên nhân, cách chữa và phòng bệnh

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 22/10/2020 - Cập nhật lần cuối: 14/07/2022

Nấm bẹn tuy không phải bệnh lý quá nguy hiểm nếu được điều trị sớm. Tuy nhiên, bệnh nhân thường có tâm lý lo ngại, chưa muốn đi khám vì bệnh xuất hiện ở vùng kín. Bệnh nấm bẹn lâu ngày không điều trị có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân.

Bệnh nấm bẹt
Bệnh nấm bẹn khiến bệnh nhân cảm thấy ngượng ngùng - Ảnh: vinmec.com

Nấm bẹn (hắc lào) là một trong những bệnh nấm da thường gặp, có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới. Khi thấy có dấu hiệu mẩn đỏ, rát da vùng bẹn, bệnh nhân nên sớm thăm khám với bác sĩ Da liễu để có phương pháp điều trị phù hợp.

Nấm bẹn là gì?

Nấm bẹn là bệnh ngoài da do vi nấm cạn gây nên. Tác nhân gây bệnh thuộc nhóm Dermatophytes và thường gặp nhất là 2 loại: Trychophyton và Epidermophyton.

Bệnh nấm bẹn hay còn gọi là hắc lào có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên và trung niên, đặc biệt là ở nam giới và những người làm việc trong môi trường ẩm ướt, ra mồ hôi nhiều, bơi lội hay vệ sinh kém.

Đối với nhiều người, nấm bẹn là căn bệnh khó nói, khó chia sẻ vì bệnh xuất hiện ở vùng kín. Với tâm lý e ngại, lo lắng, ngại ngùng, bệnh nhân không đi khám ngay khiến bệnh nghiêm trọng và khó điều trị hơn.

Dấu hiệu nấm bẹn

Bệnh nhân nên lưu ý khi có những triệu chứng như sau:

  • Tổn thương da có dạng tròn, hoặc bầu dục, có ranh giới rõ ràng.
  • Ngứa ngáy vùng kín, vùng háng kèm theo hiện tượng ẩm ướt và mảng da nổi mẩn đỏ ở háng.
  • Vùng da bị nấm có màu hồng, sau đó chuyển thành đỏ sẫm và có viền rõ rệt, đóng vảy và có các mụn nhỏ mọc lấm tấm xung quanh.
  • Vùng da bị nấm thường là từ vùng bẹn lên đùi, có thể lan sang các vùng da khác xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục.
  • Có thể xuất hiện mụn mủ vàng, mụn nước phồng rộp nếu bệnh nhân cào, gãi, gây xước khiến vi khuẩn xâm nhập.

Nguyên nhân nấm bẹn

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên nấm bẹn, đặc biệt là nấm bẹn ở nam giới.

  • Nấm bẹn phát triển tốt trong môi trường nóng, ẩm ướt, đặc biệt phù hợp với khí hậu Việt Nam.
  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, vệ sinh sai cách, không vệ sinh thường xuyên khiến vùng bẹn trở thành môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.
  • Mặc quần áo ẩm ướt, lau người không khô ráo, mặc quần áo bó sát, không thấm hút mồ hôi cũng là một số lý do làm cho nấm bẹn phát triển.
  • Nguồn nước, không khí nhiễm bẩn hoặc chứa những vi nấm dẫn tới bệnh.
  • Lây nhiễm vi nấm từ động như chó mèo, trâu bò, gà sau khi tiếp xúc.
  • Bệnh lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp hay sử dụng chung các vật dụng với người bị bệnh.
Nguyên nhân nấm bẹn
Vệ sinh vùng kín không đúng cách có thể dẫn đến nấm bẹn - Ảnh: Pixabay

Nấm bẹn có nguy hiểm không?

Nấm bẹn là bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, càng để lâu thì việc điều trị sẽ càng khó khăn và tốn kém hơn, đồng thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.

  • Ngứa ngáy khiến bệnh nhân bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày cũng như tâm lý của bệnh nhân.
  • Da nổi ban đỏ, hình thành mụn, khô ráp, thay đổi sắc tố, sần sùi dẫn tới mất thẩm mỹ nghiêm trọng, khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, mất tự tin.
  • Người bệnh thường xuyên gãi vào vùng da tổn thương khiến vi khuẩn xâm nhập, gây viêm loét.
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục của vợ chồng do vùng kín khó chịu, đồng thời có nguy cơ lây lan bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp.
  • Nấm bẹn không điều trị có thể lan rộng sang bộ phận sinh dục, gây viêm nhiễm, lở loét thậm chí vô sinh.

Điều trị nấm bẹn

Bệnh nấm bẹn (hắc lào) nhìn chung khá lành tính, việc điều trị đơn giản và nhanh khỏi. Tuy nhiên dễ bị tái phát và lan rộng, do đó cần điều trị tích cực cho tới khi bệnh khỏi hẳn.

Thăm khám với bác sĩ Da liễu

Khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên, bệnh nhân nên thăm khám sớm với bác sĩ Da liễu để sớm điều trị bệnh nấm bẹn dứt điểm.

Với nấm bẹn tình trạng nhẹ, bệnh nhân có thể lựa chọn thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa qua video để thuận tiện thăm khám hơn, không mất nhiều thời gian di chuyển và thuận lợi sắp xếp lịch khám.

Nếu tình trạng bệnh đã lâu và lan rộng, bệnh nhân nên đến trực tiếp bệnh viện, phòng khám Da liễu để các bác sĩ kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm nếu cần.

Xem thêm bài viết:

Điều trị bằng thuốc

Điều trị tại chỗ

Sử dụng dạng thuốc bôi tại vùng da bị hắc lào như: ketoconazol, miconazol, clotrimazol,… Ưu điểm của những thuốc này là không có màu, mùi thơm, không gây lột da, không gây sưng đau nhưng cũng có thể gây ra những dị ứng nhẹ, các dị ứng này sẽ hết sau khi ngừng thuốc.

Các loại thuốc cổ điển như: ASA, BSI, mỡ Benzosali,… cũng có tác dụng tốt nhưng làm lột da nhiều, đau rát, có thể làm sạm da nên hiện nay ít dùng. Bệnh nhân nên lưu ý thoa kem rộng ra ngoài vùng da bình thường khoảng 4-6 cm ngoài vết ban.

Khi bị nấm bẹn, bệnh nhân nên sử dụng thuốc bôi đều đặn theo chỉ định của bác sĩ để giảm triệu chứng ngứa và lan rộng, tuyệt đối không gãi, gây trầy xước gây bội nhiễm vi khuẩn.

Điều trị toàn thân

Hầu hết các trường hợp nấm da chỉ cần dùng thuốc bôi hoặc bột trị nấm để điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Để tránh bệnh tái phát, nên sử dụng thuốc bôi trên vùng da nhiễm nấm kéo dài 7 ngày sau khi khỏi bệnh.

Trong trường hợp tổn thương lan rộng, kéo dài, điều trị bằng thuốc tại chỗ không mang lại hiệu quả rõ rệt, bệnh nhân cần dùng kết hợp thuốc điều trị tại chỗ với thuốc uống để chữa nấm bẹn như itraconazole, fluconazole, griseofulvin.

Đối với nấm da bị viêm, và bị chàm hóa, bác sĩ có thể kê đơn bao gồm kem chống nấm kết hợp với kem chứa steroid nhẹ, thường được sử dụng không quá bảy ngày. Steroid có tác dụng giảm ngứa, giảm viêm nhưng không giết chết nấm.

Thuốc uống trị nấm sẽ được chỉ định cho các trường hợp nhiễm nấm nghiêm trọng kéo dài. Thuốc được dùng trong khoảng 1 tuần đến 4 tuần, tùy theo mức độ và tình trạng bệnh.

Lưu ý khi điều trị nấm bẹn

Tuân thủ đúng thời gian sử dụng thuốc để điều trị bệnh nhân, tránh tái phát.

  • Không dùng chung quần áo, vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt là người bệnh vì gây lây nhiễm bệnh.
  • Không tự ý mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc uống trị nấm bẹn khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu như có bệnh về gan, bạn nên báo trước với bác sĩ khi sử dụng các thuốc uống trị bệnh.
  • Thăm khám, điều trị nấm bẹn ngay hoặc tái khám nếu tình trạng bệnh nặng hơn, xuất hiện mụn mủ, gây viêm đau.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm gội mỗi ngày, đặc biệt là vùng da bị bệnh cần được giữ sạch sẽ và khô ráo.
  • Mặc quần áo cotton hoặc chất liệu giúp thấm hút mồ hôi nhanh. Mặc đồ vừa vặn, tránh bó hoặc cọ sát vào khu vực tổn thương gây ngứa ngáy, khó chịu và lan rộng hơn.
Nấm bẹn ở nam giới
Nấm bẹn ở nam giới gây ngứa ngáy, khó chịu, mất tự tin - Ảnh: Pixabay

Phòng bệnh nấm bẹn

Bệnh nấm bẹn, đặc biệt là nấm bẹn ở nam giới khiến nhiều người lo ngại. Để tránh nấm bẹn, bệnh nhân nên lưu ý:

  • Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vùng bẹn, vùng háng sạch sẽ.
  • Lau khô, sấy khô cơ thể trước khi mặc quần áo.
  • Mặc đồ khô ráo, không ẩm ướt vì dễ tạo ra môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.
  • Thay đồ lót hàng ngày. Nấm có thể nhân lên thành trong đồ lót chưa được giặt.
  • Kiểm tra kẽ chân (nấm da chân) và điều trị nếu bạn nhiễm nấm vì nấm da chân có thể lan đến háng. Các loại kem tương tự được sử dụng để điều trị nấm kẽ chân và nấm bẹn.
  • Không dùng chung đồ đạc với người khác để hạn chế lây nhiễm nấm bẹn. Nên giặt khăn tắm thường xuyên.
  • Luộc đồ trong nước sôi trong vòng 15 phút để diệt nấm ở những đồ dùng cá nhân như quần áo, màn, gối...
  • Nên cở mở, thẳng thắn chia sẻ với bác sĩ Da liễu khi có dấu hiệu nấm bẹn để xử lý sớm nhất có thể.

Trong trường hợp bệnh nhân còn ngượng ngùng, chưa muốn đến khám trực tiếp với bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám thì có thể lựa chọn thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa.

Bệnh nhân có thể gửi hình ảnh cho bác sĩ xem trước khi thăm khám để bác sĩ nắm được tình hình bệnh, sau đó bác sĩ gọi điện tư vấn cho bệnh nhân thông qua cuộc gọi video.

BookingCare hiện đang hỗ trợ bệnh nhân kết nối với bác sĩ Da liễu từ xa thông qua phần mềm (app) BookingCare để bệnh nhân thuận tiện hơn nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị bệnh nấm bẹn.

 
 
Tài liệu tham khảo
1. https://medlatec.vn/tin-tuc/benh-hac-lao-nguyen-nhan-phuong-phap-dieu-tri-va-phong-ngua-benh-s107-n17985
2. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nam-ben-lam-sao-de-tri-tan-goc-tranh-tai-phat/
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/