Nang bao hoạt dịch cổ tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nang bao hoạt dịch cổ tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nang bao hoạt dịch cổ tay
Nguyên nhân, triệu chứng thường gặp của nang bao hoạt dịch cổ tay - Ảnh: BookingCare

Nang bao hoạt dịch cổ tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 18/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 19/04/2024
Nang bao hoạt dịch cổ tay hoặc thoát vị bao hoạt dịch cổ tay là một tổn thương lành tính do sự giãn to của các bao hoạt dịch của khớp cổ tay.

Nang bao hoạt dịch cổ tay là bệnh lý lành tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi 20 - 40.

Bệnh hầu như không có triệu chứng gì và phần lớn không ảnh hưởng đến hoạt động của khớp cổ tay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có kích thước nang quá to hoặc kèm theo chấn thương hoặc thoái hóa khớp cổ tay có thể có tình trang đau nhức, hạn chế vận động. Trong trường hợp này, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vậy nang bao hoạt dịch cổ tay là bệnh lý như thế nào? Phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là gì? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Nang bao hoạt dịch cổ tay là gì?

Nang bao hoạt dịch cổ tay là một tổn thương lành tính, không viêm. Cơ chế bệnh là do áp lực của dịch khớp cổ tay tăng cao trong khi bao hoạt dịch của khớp hoặc  các gân cơ bị yếu đi (do thoái hóa, do chấn thương,…) tạo ra các túi dịch nổi gồ lên mặt da.

Nang thường thấy ở mặt lưng cổ tay - là vị trí yếu nhất và hay gặp chấn thương của bao khớp cổ tay. Ở giai đoạn đầu, kích thước nang bao hoạt dịch thường nhỏ, khó phát hiện. Khối thường có xu hướng tăng kích thước khi vận động mạnh cổ tay hoặc theo thời gian.

Dấu hiệu nhận biết sớm nang bao hoạt dịch cổ tay

Nang bao hoạt dịch cổ tay có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi 20 - 40. Các dấu hiệu bệnh thường dễ phát hiện nếu nang bao hoạt dịch ở mặt mu cổ tay, tuy nhiên khó chẩn đoán hoặc dễ bị nhầm với các bệnh lý khác của khớp cổ tay khi xuất hiện ở các vị trí hiếm gặp. 

Dưới đây là những dấu hiệu sớm giúp bạn phát hiện bệnh nang bao hoạt dịch ở cổ tay:

  • Khối u mềm xuất hiện ở vùng khớp cổ tay: Giai đoạn đầu khối u thường tăng kích thước khi vận động mạnh và nhỏ lại khi nghỉ ngơi. Có thể xuất hiện một vài ngày rồi không nhìn thấy trên da và sau đó xuất hiện lại. Nang bao hoạt dịch có xu hướng to dần theo thời gian.
  • Ấn mềm, không đau: Thông thương nang bao hoạt dịch ấn mềm, không đau. Tuy nhiên khi nang xuất hiện ở mặt gan tay và tăng kích thước có thể  xuất hiện các triệu chứng chèn ép và viêm, gây đau nhức vùng cổ tay.
  • Một số triệu chứng hiếm gặp khi nang bao hoạt dịch xuất hiện ở các vị trí nằm trên đường đi của thần kinh, mạch máu và các gân như: cảm giác tê tay, đặc biệt là khi vận động mạnh vùng khớp cổ tay, bàn tay tím hoặc lạnh, khi đến muộn có thể gặp teo cơ bàn tay.
Khối mềm, ranh giới rõ, ấn không đau là triệu chứng thường gặp của nang bao hoạt dịch cổ tay - Ảnh Freepik 

Nguyên nhân gây nang bao hoạt dịch cổ tay

Nang bao hoạt dịch cổ tay thường được hình thành do một số nguyên nhân dưới đây:

  • Chấn thương: Các chấn thương nhẹ, trực tiếp hoặc lặp đi lặp lại tại khớp cổ tay có thể dẫn tới tăng tiết dịch và khiến bao khớp yếu đi, hình thành nang bao hoạt dịch. 
  • Những người tập yoga, chơi bóng bàn, tập thể thao,… thường xuyên vận động cổ tay thì nguy cơ bị nang bao hoạt dịch thường cao hơn.
  • Viêm khớp: Một số bệnh lý toàn thân hoặc tại khớp cổ tay gây tăng tiết dịch như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,… làm tăng nguy cơ hình thành nang bao hoạt dịch.
  • Viêm nhiễm: Vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào bao hoạt dịch gây viêm nhiễm dẫn tới sưng tây, tăng tiết dịch, lâu dần hình thành các nang bao hoạt dịch.
  • Một số các yếu tố tác động khác như mang vác vật nặng, tăng áp lực quá mức lên vùng khớp cổ tay, tuổi tác,... có thể làm tăng nguy cơ hình thành nang bao hoạt dịch.

Biến chứng của nang bao hoạt dịch

Nang bao hoạt dịch cổ tay là một tổn thương lành tính và ít ảnh hưởng tới chức năng cũng như không nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh lý này có thể có một vài biến chứng có thể ảnh hưởng tới khả năng vận động của cổ bàn tay và sức khỏe của người bệnh.

Dưới đây là một số biến chứng thường gặp của nang bao hoạt dịch cổ tay:

  • Hạn chế vận động khớp cổ tay: Đây là biến chứng thường gặp nhất của nang bao hoạt dịch cổ tay. Khối u to có thể cản trở vận động, ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc.
  • Chèn ép dây thần kinh: Nang bao hoạt dịch to có thể gây chèn ép các dây thần kinh ở vùng cổ tay, dẫn tới tê bị, yếu cơ bàn tay, ngón tay. Về lâu dài nếu không được điều trị có thể dẫn tới suy giảm chức năng vận động bàn tay, teo cơ, biến dạng bàn tay,…
  • Nhiễm trùng: Ít gặp, thường sau các thủ thuật y khoa mà không đảm bảo điều kiện vô khuẩn như chọc hút, tiêm khớp cổ tay,... Nhiễm trùng có thể tại chỗ (Viêm bao hoạt dịch) hoặc lan rộng ra các mô lân cận dẫn tới các biến chứng như nhiễm trùng huyết, hoại tử,…
  • Thẩm mỹ: Nang bao hoạt dịch cổ tay thường ở vị trí dễ nhìn và gây mất thẩm mỹ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, mất tự tin khi giao tiếp.

Điều trị nang bao hoạt dịch như thế nào?

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị nang bao hoạt dịch cổ tay. Dưới đây là các phương pháp thường được áp dụng:

Điều trị nội khoa

  • Ở giai đoạn đầu, nang kích thước nhỏ và không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh nên chủ yếu điều trị nội khoa.
  • Băng ép vùng cổ tay: Được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân trẻ và nang kích thước không quá to, việc băng ép khiến bao hoạt dịch được “gia cố” từ bên ngoài.
  • Thuốc giảm đau, chống viêm NASIA được chỉ định trong các trường hợp nang bao hoạt dịch cổ tay có dấu hiệu viêm nhiễm như sưng, đau, hạn chế vận động.
  • Đeo nẹp cổ định trong khoảng 6 - 8 tuần: Mục đích của việc đeo nẹp là để cổ tay ít vận động giúp hạn chế tiết dịch khớp và cơ thể hấp thu tự từ dịch dư thừa và khiến nang giảm dần kích thước.

Điều trị phẫu thuật

  • Điều trị nang bao hoạt dịch cổ tay chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ khối u và phục hồi cấu trúc bao hoạt dịch. Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp như đeo nẹp không đáp ứng, nang quá lớn,…
  • Chọc hút nang bao hoạt dịch là kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay. Bác sĩ sử dụng một kim nhỏ để chọc hút toàn bộ lượng dịch dư thừa trong bao hoạt dịch. Tuy nhiên phương pháp này là giải pháp tạm thời, không phải là biện pháp điều trị triệt để và thường áp dụng cho các trường hợp nang có kích thước vừa phải và không có tình trạng chèn ép thần kinh.
  • Đối với các trường hợp có biến chứng chèn ép, nang quá lớn hoặc nang có tình trạng tái phát nhiều lần sẽ có chỉ định phẫu thuật bóc nang và khâu lại cổ bao hoạt dịch bị thoát vị.

Phương pháp dự phòng nang bao hoạt dịch cổ tay

Để giảm nguy cơ mắc nang bao hoạt dịch cổ tay, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Hạn chế chấn thương vùng cổ tay bằng cách khởi động kỹ trước khi chơi, dùng băng chun hoặc bó cổ tay trong khi chơi thể thao
  • Tập các bài tập vận động cổ tay nhẹ nhàng, giúp tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của khớp.
  • Nghỉ ngơi khi cổ tay bị đau nhức, tránh vận động quá mức.
  • Giữ cổ tay ở vị trí trung hòa khi làm việc hoặc sử dụng các thiết bị điện tử.
  • Ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng và duy trì mức cân nặng ổn định.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý có thể dẫn đến nang bao hoạt dịch cổ tay như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị các bệnh lý nền.

Nang bao hoạt dịch cổ tay là một vấn đề thường gặp. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe một cách hiệu quả. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare