Việc phát triển các phương pháp điều trị ung thư dạ dày đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, tạo ra hy vọng và cơ hội mới cho người bệnh.
Điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào vị trí khối u, giai đoạn ung thư, và tình trạng người bệnh. Dưới đây là một số hướng khám chữa phổ biến đang được áp dụng để giảm thiểu tác động của căn bệnh này.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính đối với ung thư dạ dày. Có hai loại phẫu thuật là phẫu thuật triệt căn và phẫu thuật không triệt căn.
Điều trị phẫu thuật triệt căn là cắt phần dạ dày tổn thương và vét hạch khu vực tối đa trong điều kiện có thể được. Điều trị không triệt căn dành cho bệnh nhân không còn khả năng điều trị tận gốc, bao gồm: phẫu thuật giảm nhẹ và phẫu thuật giảm thiểu tế bào.
Phẫu thuật triệt căn thường được áp dụng cho những trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, phương pháp phẫu thuật cũng được chỉ định nhằm thiết lập lưu thông của đường tiêu hóa, kéo dài cuộc sống cho người bệnh.
Nguyên tắc trong phẫu thuật dạ dày bao gồm: phẫu thuật cắt rộng tổn thương u, vét hạch khu vực và lập lại lưu thông tiêu hoá.
Tùy từng trường hợp ung thư dạ dày sẽ có những chỉ định phẫu thuật khác nhau:
Mức độ nạo hạch: có 4 mức độ nạo hạch trong ung thư dạ dày là D0, D1, D1+ và D2. Định nghĩa mức độ nạo hạch có khác nhau tùy theo loại phẫu thuật cắt bỏ.
Tái lập lưu thông sau cắt dạ dày:
Có hai phương pháp được sử dụng: cắt niêm mạc qua nội soi (EMR) và phẫu tích cắt dưới niêm mạc qua nội soi (ESD)
Chỉ định của các phương pháp cắt niêm mạc hay dưới niêm mạc cho ung thư biểu mô tuyến dạ dày loại biệt hóa, không có dấu hiệu loét, giai đoạn cT1a (xâm lấn lớp đệm hay lớp cơ niêm) và kích thước u dưới 2cm.
Chỉ định cắt dưới niêm mạc cho ung thư biểu mô tuyến dạ dày loại biệt hóa, không dấu hiệu loét, giai đoạn cT1a, kích thước trên 2cm; hoặc ung thư biểu mô tuyến dạ dày có dấu hiệu loét, giai đoạn cT1a và kích thước u nhỏ hơn 3cm. Ngoài ra chỉ định có thể mở rộng hơn tùy vào đánh giá của bác sĩ điều trị.
Hoá chất đóng vai trò điều trị bổ trợ bệnh ung thư dạ dày giai đoạn xâm lấn và điều trị triệu chứng giai đoạn muộn. Ngoài ra, hóa trị còn có vai trò bổ trợ trước phẫu thuật. Hoá trị bổ trợ trước phẫu thuật (tân bổ trợ): được coi là biện pháp điều trị bổ sung trước mổ với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển tại chỗ.
Phương pháp này có tác dụng giảm kích thước khối u để giúp phẫu thuật triệt căn, hoặc đã cắt u dạ dày mà khó đạt tiêu chuẩn diện cắt không phát hiện tế bào ung thư (R0). Phác đồ phổ biến là Epirubicin – Cisplatin – Fluoropyrimidine (ECF), gần đây nhất là Fluorouracil – Oxaliplatin – Docataxel.
Hoá trị bổ trợ: chỉ định cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn II - III đã được phẫu thuật triệt căn nạo hạch D2, theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y Tế Việt Nam năm 2020. Phác đồ tùy mức độ tổn thương nguyên phát và di căn hạch, mà có thể là ECF hoặc các biến thể, hay kết hợp oxaliplatin với capecitabine và/hoặc TS-one..
Hoá trị triệu chứng: được áp dụng cho ung thư dạ dày tiến triển (xâm lấn rộng, di căn xa nhiều tạng) không có khả năng phẫu thuật triệt căn, các bệnh nhân ung thư dạ dày đã phẫu thuật mà vẫn còn u trên đại thể (R2), hoặc các bệnh nhân ung thư dạ dày tái phát, di căn xa với mục đích giảm nhẹ triệu chứng ung thư dạ dày và cải thiện thời gian sống.
Xạ trị
Vai trò của xạ trị trong điều trị ung thư dạ dày còn nhiều hạn chế. Xạ trị được chỉ định để tiêu diệt nốt tế bào ung thư còn sót lại hoặc không thể lấy hết bằng phẫu thuật.
Xạ trị có thể áp dụng để điều trị triệu chứng như giảm đau, giảm chảy máu hoặc hẹp môn vị…. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ định xạ trị ung thư dạ dày ít được áp dụng do những tác động không mong muốn của xạ trị còn nhiều.
Điều trị đích là liệu pháp nhắm mục tiêu sử dụng các loại thuốc tấn công các bất thường cụ thể trong các tế bào ung thư hoặc điều khiển hệ thống miễn dịch nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư (liệu pháp miễn dịch). Thuốc nhắm mục tiêu được sử dụng để điều trị ung thư dạ dày bao gồm:
Điều trị dinh dưỡng – chăm sóc giảm nhẹ
Dinh dưỡng là một vấn đề rất quan trọng trong điều trị ung thư dạ dày. Bệnh nhân cần tăng cường chế độ ăn giàu năng lượng, bổ sung vi chất qua đường tiêu hóa và đường tĩnh mạch.
Sau phẫu thuật cắt dạ dày, bệnh nhân cần ăn nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ, kéo dài thời gian ăn. Thời gian đầu nên ăn thức ăn lỏng sau đó đặc dần theo mức độ dung nạp thức ăn. Bữa ăn nên đầy đủ các nhóm chất đường, đạm và chất béo đúng theo thể trạng, bổ sung thêm 200ml nước quả chín (xay, bỏ chất xơ) và 2 cốc sữa mỗi ngày. Tránh các thức ăn có quá nhiều chất xơ, rượu bia, thuốc lá và cà phê.
Khi bệnh nhân đang phải chịu đau đớn do bệnh đã di căn xa, chăm sóc giảm nhẹ được chỉ định để gia tăng chất lượng cuộc sống. Các điều trị bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống hủy xương cho bệnh nhân có di căn xương, chọc hút dịch ổ bụng, chọc hút dịch màng phổi…
Điều trị khác
Các nghiên cứu mới gần đây cho thấy với bệnh nhân đã được điều trị can thiệp cắt niêm mạc, cắt dưới niêm mạc qua nội soi trong ung thư dạ dày sớm, hoặc cắt bán phần với ung thư dạ dày giai đoạn trễ hơn, mà xét nghiệm có vi khuẩn Helicobacter pylori (H.p), khuyến cáo nên kiểm soát tích cực việc nhiễm vi khuẩn H.p, để tránh ngăn ngừa được những ung thư mới. Tuy nhiên, các nghiên cứu này vẫn đang cần bàn luận thêm.
Các phương pháp chữa ung thư dạ dày có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau. Tùy từng trường hợp bệnh nhân, nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị cụ thể.