Những dấu hiệu áp xe cần lưu ý ngay
Những dấu hiệu áp xe cần lưu ý ngay
Những dấu hiệu áp xe cần lưu ý ngay - Ảnh: BookingCare

Những dấu hiệu áp xe cần lưu ý ngay

Tác giả: - Xuất bản: 08/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 08/04/2024
Áp xe điều trị sớm sẽ tránh được những biến chứng không đáng có. Cùng tìm hiểu ngay những dấu hiệu áp xe trong bài viết dưới đây để phát hiện và thăm khám kịp thời bạn nhé!

Các triệu chứng của áp xe phụ thuộc vào vị trí hình thành áp xe trong cơ thể bạn. Các loại áp xe da rất dễ nhận thấy do chúng ta có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường.

Tuy nhiên với những ổ áp xe ở sâu bên trong cơ thể, các dấu hiệu thường không rõ ràng mà cần phải làm các xét nghiệm hình ảnh mới có thể chẩn đoán chính xác để điều trị phù hợp.

Dấu hiệu của áp xe

Dấu hiệu áp xe da

Khi bị áp xe da, chúng ta có thể nhận thấy ngay các dấu hiệu trên vùng da bị áp xe bao gồm:

  • Sưng, tấy
  • Đau hoặc nhức
  • Sờ vào thấy mềm, nóng
  • Đỏ
  • Có mủ trắng hoặc vàng tích tụ dưới da

Ngoài ra, người bị áp xe da và dưới da cũng có thể có những biểu hiện nhiễm trùng như sốt hay cảm thấy ớn lạnh,...

Dấu hiệu áp xe trong miệng

Các ổ áp xe trong miệng cũng có thể quan sát được và có biểu hiện tương tự như áp xe da (sưng đỏ, có mủ trắng hoặc vàng, sờ vào thấy mềm, nóng). Ngoài ra áp xe trong miệng còn có thể gây ra một số triệu chứng khác bao gồm:

  • Răng nhạy cảm (dễ bị đau buốt)
  • Sưng hàm, sưng má
  • Sốt
  • Khó nuốt
  • Khó mở miệng

Dấu hiệu áp xe bên trong cơ thể

Ổ áp xe phát triển ở một cơ quan nội tạng của cơ thể hoặc trong khoang ổ bụng sẽ khó xác định hơn áp xe dưới da.

Tùy vào vị trí chính xác của ổ áp xe mà các triệu chứng cũng có thể khác nhau. Ví dụ như áp xe gan có thể gây vàng da, trong khi áp xe phổi có thể gây ho hoặc khó thở.

Các triệu chứng chung của áp xe bên trong cơ thể có thể bao gồm:

  • Cảm giác đau nhức, khó chịu ở vùng bị áp xe
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Đau hoặc sưng ở bụng
  • Chán ăn và sụt cân
  • Mệt mỏi
  • Tiêu chảy
  • Táo bón

Áp xe nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp áp xe nặng, kéo dài lâu có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Vì vậy, nếu nhận thấy bản thân có bất cứ dấu hiệu nào được nhắc đến trên đây, bạn đừng chủ quan mà hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Mong rằng bài viết trên đã đem lại những thông tin hữu ích cho độc giả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết