Những điều cần biết về chảy mủ tai

Tác giả: - Xuất bản: 19/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
Chảy mủ tai nguyên nhân có thể từ nhiễm khuẩn tai
Chảy mủ tai nguyên nhân có thể từ nhiễm khuẩn tai - Ảnh: BookingCare
Đừng bỏ qua nếu một ngày phát hiện dịch mủ chảy ra từ tai. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của một nhiễm trùng trong tai. Chảy mủ tai có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, cùng tìm hiểu những điều cần biết về chảy mủ tai để phòng tránh tình trạng này cho gia đình và người thân.

Tai là một giác quan phát hiện âm thanh và điều chỉnh thăng bằng quan trọng của mỗi người. Bình thường ống tai sạch và không có bất kỳ dịch gì ngoại trừ ráy tai. Khi có dịch mủ chảy ra từ tai, đó là dấu hiệu bất thường. Nhiều người lo lắng khi gặp phải vấn đề này, vậy đâu là nguyên nhân gây chảy mủ tai, chảy mủ tai có nguy hiểm không, cần làm gì khi bị chảy mủ tai, BookingCare sẽ bật mí ngay trong bài viết dưới đây.

Chảy mủ tai là gì?

Chảy mủ tai là tình trạng trạng dịch chảy ra từ trong tai, màu đục hoặc vàng đục, dịch có thể từ loãng, đến hơi keo và đặc, đôi khi lẫn máu, nước và thường kèm mùi khó chịu.

Dịch mủ tai có thể xuất phát từ ống tai ngoài hoặc do tai giữa và tai trong khi có tình trạng thủng màng nhĩ kèm theo.

Nguyên nhân gây chảy mủ tai

Chảy mủ tai có thể xảy ra do chấn thương hoặc nhiễm trùng tai, đôi khi chảy mủ tai cho thấy tình trạng nghiêm trọng hơn. Một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng chảy mủ tai:

  • Viêm tai giữa: đây là nguyên nhân hay gặp trong nhóm nhiễm khuẩn gây chảy mủ tai, đặc biệt gặp nhiều ở trẻ nhỏ. Nhiễm trùng tai giữa có thể làm tích tụ mủ phía sau màng nhĩ. Nếu mủ tích tụ nhiều đến mức tạo áp lực đẩy màng nhĩ ra ngoài có thể dẫn đến màng nhĩ bị thủng và chảy dịch mủ ra ống tai ngoài. 
  • Viêm tai giữa mạn tính: là tình trạng viêm tai giữa lâu năm, tạo lỗ thủng màng nhĩ rộng, tai thường xuyên chảy dịch, mỗi đợt viêm có thể thấy có chảy mủ tai.
  • Viêm tai ngoài: viêm tai ngoài là tình trạng viêm của phần niêm mạc ống tai, thường do vi khuẩn, nấm tấn công gây bệnh. Viêm tạo dịch mủ và có thể chảy ra bên ngoài cửa tai. Trường hợp nhọt ống tai, khi nhọt vỡ mủ thường chảy ra từ tai.
  • Chấn thương: Trường hợp chấn thương vùng tai hoặc vùng đầu mặt cổ, kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn cũng có thể gây tình trạng chảy dịch mủ rai.
  • Sau thủ thuật đặt ống thông khí: khi đặt ống thông khí, có nghĩa có đường dẫn lưu thông từ tai giữa ra ống tai, nếu tai giữa ứ dịch, dịch sẽ chảy ra ngoài theo ống thông khí.
  • Các nguyên nhân ít gặp khác bao gồm: 
    • Dị vật tai gây viêm chảy dịch mủ và thường kèm theo đau.
    • Ung thư ống tai: dịch chảy ra thường xuyên, có thể lẫn mủ và máu.
    • Viêm xương chũm: đây thường là biến chứng của viêm tai giữa.
Hình ảnh nội soi viêm tai giữa ứ mủ - Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chảy mủ tai. Hầu hết chúng ta không thể biết đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng chảy mủ tai của mình. Vì thế ngay khi thấy có dịch mủ bất thường chảy ra từ tai, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt nếu thấy chảy dịch mủ tai kèm theo các triệu chứng: đau nhức tai, ù tai, sưng đỏ vùng sau tai, sốt cao, trẻ bỏ ăn, bỏ bú quấy khóc cần nhanh chóng đến cơ sở y tế ngay.

Cách xử trí khi bị chảy dịch mủ tai

Ngay khi phát hiện tình trạng chảy dịch từ tai, chúng ta cần xác định đó có phải dịch mủ không. Nếu đúng, cần tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để được thăm khám và xác định nguyên nhân chảy mủ tai, từ đó đưa ra phương pháp điều trị. Trong thời gian chờ tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không nên cố gắng nhét vật gì đó vào trong tai, hay cố gắng dùng bông để lấy dịch mủ.

Điều trị tình trạng chảy dịch mủ tai phụ thuộc vào từng nguyên nhân. Sau khi đã chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ giúp tìm hướng điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp không nhất thiết phải điều trị. Nhiều trường hợp chấn thương tai cũng tự lành mà không cần can thiệp y khoa. Còn trường hợp nghiêm trọng mà dị vật vẫn mắc kẹt trong tai, có thể phải phẫu thuật để lấy dị vật ra. 

Nếu chảy mủ tai gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng như viêm tai giữa, điều trị bao gồm sử dụng kháng sinh toàn thân. Trường hợp thủng màng nhĩ có thể được chỉ định phẫu thuật vá màng nhĩ để ngăn tình trạng chảy mủ tai tái diễn.

Biện pháp phòng ngừa chảy mủ tai

Chảy mủ tai có thể xuất phát từ tình trạng nhiễm trùng tai hoặc từ các vấn đề trầm trọng hơn. Chủ động chăm sóc sức khoẻ và có các biện pháp phòng ngừa chảy mủ tai. Một số chia sẻ dưới đây có thể hữu ích trong việc phòng ngừa chảy dịch mủ tai:

  • Tránh để nước vào tai, lau khô tai sau khi tắm hoặc bơi lội.
  • Không đưa bất kỳ vật gì vào tai để tránh làm tổn thương tai.
  • Khi có các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm mũi xoang, viêm họng, cần điều trị dứt điểm ngay, tránh gây bệnh cho tai.
  • Khi có các biểu hiện chảy dịch tai ngay cả khi chưa phải dịch mủ cũng nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ.

Chảy dịch mủ tai là dấu hiệu cho thấy tai của bạn đã bị thương hoặc bị nhiễm trùng và cần được chăm sóc y tế. Ngay khi có dịch mủ chảy ra từ tai hãy liên hệ đến cơ sở ý tế để được tư vấn thăm khám và điều trị của các bác sĩ chuyên khoa.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết