- Xuất bản: 31/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Tiểu rắt không phải là một bệnh lý nhưng cảnh báo nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm khác - ảnh: BookingCare
Tiểu rắt là vấn đề sức khỏe có thể gặp ở rất nhiều đối tượng. Nếu không được theo dõi, kiểm soát và điều trị cụ thể có thể dẫn tới một số biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Tiểu rắt là tình trạng người bệnh khi tiểu tiện bị gián đoạn hoặc không thể tiểu tiện hoàn toàn, cảm giác không thể loại bỏ hết nước tiểu từ bàng quang thông qua niệu quản ra ngoài. Tiểu rắt có thể phát triển ở thời điểm bất kỳ với những lý do khác nhau. Đọc thêm trong bài viết.
Dấu hiệu của tiểu rắt
Dấu hiệu tiểu rắt ở nam hoặc nữ nhìn chung thường có các triệu chứng như sau:
Cảm giác cần đi tiểu đột ngột và khẩn cấp.
Cảm giác muốn tiểu nhưng không tiểu được.
Gia tăng tần suất đi tiểu.
Lượng nước tiểu mỗi lần đi rất ít.
Có thể rò rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi.
Cảm thấy buốt hoặc khó chịu khi đi tiểu.
Nước tiểu có màu hoặc mùi nặng bất thường.
Nguyên nhân gây tiểu rắt
Tiểu rắt có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, trong đó những lý do chủ yếu có thể bắt nguồn từ:
Thói quen nhịn tiểu làm suy giảm chức năng thận.
Các vấn đề liên quan đến đường tiết niệu hoặc vùng quanh xương chậu.
Bệnh tiểu đường, hẹp niệu đạo.
Các tình trạng ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh.
Sử dụng thuốc chứa thành phần lợi tiểu.
Xạ trị niệu đạo.
Mang thai.
Sử dụng rượu bia quá nhiều.
Các biến chứng tiểu rắt
Tiểu rắt kéo dài có thể dẫn đến một số tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
Mất cân bằng điện giải khiến cơ thể mệt mỏi, khó tập trung.
Gây ra tình trạng căng thẳng, thiếu tự tin làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận: rối loạn chức năng thận, suy thận, sỏi thận…
Viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt.
Viêm niệu đạo hoặc các bệnh lý liên quan đến cổ tử cung, các khối u trong niệu đạo.
Chẩn đoán tiểu rắt
Để xác định cụ thể nguyên nhân gây ra tiểu rắt, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán như sau:
Kiểm tra lâm sàng: tìm hiểu và xác định tình trạng thông qua các câu hỏi liên quan đến triệu chứng, thời gian, tần suất đi tiểu và một số yếu tố tiền sử bệnh lý khác.
Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu: đánh giá mức đường huyết, chức năng thận và các chỉ số điện giải của cơ thể.
Xét nghiệm đường niệu đạo: đánh giá hoạt động của hệ thống niệu đạo để tìm kiếm các vấn đề có thể gây tiểu rắt.
Các xét nghiệm khác như: xét nghiệm hormon, siêu âm bàng quang, xét nghiệm mô bàng quang nhằm xác định nguyên nhân gây ra tiểu rắt có liên quan đến chức năng bàng quang hay không.
Điều trị tiểu rắt
Sau khi xác định được nguyên nhân chính gây ra tiểu rắt kết hợp với mức độ biểu hiện của triệu chứng, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các phương pháp điều trị như sau:
Điều trị bằng các bài tập cơ bụng như bài tập Kegel hoặc các bài tập nhẹ nhằm cải thiện và phục hồi chức năng bàng quan, giúp kiểm soát tình trạng tiểu són, tiểu rắt.
Sử dụng thuốc: một số loại thuốc kháng sinh có thể được chỉ định cho các trường hợp tiểu rắt do nhiễm trùng,vi khuẩn hoặc viêm nhiễm khác.
Các loại thuốc kiểm soát chức năng hệ tiết niệu, các cơ bàng quang nhằm hạn chế rủi ro tiểu rắt hoặc tiểu tiện không kiểm soát.
Cần làm gì khi bị tiểu rắt?
Tiểu rắt có thể xuất hiện đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng liên quan đến tiểu rắt, người bệnh cần:
Tránh uống nước hoặc các chất lỏng khoảng hai giờ đồng hồ trước khi đi ngủ.
Hạn chế lượng rượu, bia, cà phê nước ngọt, trà… nạp vào cơ thể làm tăng tần suất đi tiểu.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh.
Để chăm sóc và phòng ngừa nguy cơ tiểu rắt tại nhà, bạn đọc nên lưu ý một số điều sau:
Thực hiện và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và ít muối.
Uống đủ nước mỗi ngày và hạn chế tối đa việc giữ nước trong cơ thể. Kiểm soát lượng đồ uống khác như: rượu bia, trà, nước ngọt,...đưa vào cơ thể, tránh nạp quá nhiều gây áp lực lên quá trình lọc và đào thải chất lỏng ở thận.
Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh, thay đồ lót hàng ngày để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
Thăm khám định kỳ để kiểm soát mức đường huyết và tham khảo ý kiến bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng hoặc có biểu hiện bệnh nghiêm trọng hơn.
Kiểm soát tình trạng bệnh lý với các bệnh nhân mắc bệnh tuyến tiền liệt, viêm bàng quang hoặc viêm niệu đạo…
Tiểu rắt không phải là một bệnh lý, tuy nhiên tình trạng này nếu kéo dài có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm khác. Bạn đọc cần đến gặp bác sĩ khi gặp các triệu chứng tiểu rắt để được chẩn đoán và điều trị cụ thể để cải thiện chất lượng cuộc sống.