- Xuất bản: 08/01/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/10/2024
Theo thống kê có khoảng 50% sỏi tái phát sau điều trị - Ảnh: BookingCare
Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến của đường tiết niệu, có thể gây đau đớn và khó chịu. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sỏi thận.
Sỏi thận là tình trạng sỏi hình thành trong thận hoặc đường tiết niệu, là một bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe con người có thể gây ra những biến chứng như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, viêm hẹp cổ đài thận, viêm thận kẽ, suy thận,...
Thư viện Y học quốc gia Mỹ thống kê khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu cao nhất thế giới, với tỷ lệ từ 5 - 19%. Riêng nước ta ghi nhận có khoảng 2 - 12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%.
Dấu hiệu bệnh sỏi thận
Sỏi thận là một tình trạng phổ biến, xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản... thành những tinh thể rắn.
Sỏi thận thường thường diễn biến âm thầm không gây ra triệu chứng gì, đôi khi phát hiện tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe, siêu âm bụng hay chụp X-quang bụng. Đối với trường hợp sỏi to gây đau quặn thành cơn và làm tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc đôi khi đi tiểu ra sỏi mới nhận biết được mắc sỏi thận.
Đau quặn thận: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của sỏi thận. Một số người bệnh mắc sỏi gây đau đớn dữ dội, bắt đầu từ vùng của thận, lan ra sau lưng xuống phía dưới hoặc phía dưới xương sườn. Cơn đau có khuynh hướng di chuyển cùng với sỏi.
Đau khi đi tiểu
Tiểu ra máu, nước tiểu có màu đục hoặc mùi
Buồn nôn và nôn: Sỏi thận có thể gây buồn nôn và nôn.
Khó tiểu do tắc nghẽn đường tiết niệu
Sốt hoặc ớn lạnh
Nguyên nhân bệnh sỏi thận
Bệnh có nhiều nguyên nhân thường là do lắng cặn muối và khoáng chất bên trong thận, và sẽ gây ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của đường tiết niệu, từ thận tới bàng quang.
Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến sỏi thận bao gồm:
Uống không đủ nước dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu.
Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu hoặc ứ đọng nước tiểu không thể thoát ra bị tích trữ lại lâu dần tạo thành sỏi.
Người bệnh bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị ứ đọng gây nên sỏi.
Nằm một chỗ trong thời gian dài.
Nhiễm trùng vùng sinh dục không được điều trị dứt điểm.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học, sử dụng nhiều oxalat, canxi, dùng lâu dài một số loại thuốc như acetazolamid, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoids, theophylin, vitamin D, vitamin C… cũng có thể gây sỏi thận.
Chẩn đoán bệnh sỏi thận
Để chẩn đoán sỏi thận, bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng thì người bệnh sẽ được thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng sau để xác định sỏi:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể giúp xác định nồng độ canxi và axit uric trong máu.
Xét nghiệm máu cũng có thể giúp đánh giá chức năng thận. Nếu chức năng thận suy giảm, có thể là dấu hiệu của sỏi thận đã có biến chứng gây tổn thương thận.
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phân tích xem trong nước tiểu của bệnh nhân có lẫn máu và các khoáng chất hình thành sỏi thận hay không.
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh có thể giúp xác định vị trí kích thước và hình dạng viên sỏi. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán sỏi thận bao gồm:
Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể phát hiện phần lớn sỏi, trừ những viên sỏi quá nhỏ và cản quang.
Chụp CT: Chụp CT quan sát được tất cả các loại sỏi, kể cả những viên sỏi nhỏ.
Siêu âm: Siêu âm cũng là cách đơn giản để sàng lọc đánh giá vị trí sỏi.
Các phương pháp điều trị sỏi thận
Tùy thuộc vào loại, kích thước sỏi và các biến chứng do sỏi gây ra, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị nội khoa: Đây là phương pháp đầu tiên được lựa chọn cho các trường hợp sỏi nhỏ, ít triệu chứng. Phương pháp này bao gồm:
Điều chỉnh chế độ ăn, uống đủ nước
Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn cơ thuốc chống viêm không steroid,...
Điều trị ngoại khoa: Được chỉ định cho các trường hợp sỏi lớn, sỏi gây đau hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Các phương pháp điều trị ngoại khoa bao gồm:
Tán sỏi ngoài cơ thể: Đây là phương pháp sử dụng máy tán sỏi để loại bỏ sỏi ra ngoài cơ thể. Những tia sóng xung kích có tác dụng tạo ra năng lượng làm cho sỏi vỡ vụn trôi theo nước tiểu ra ngoài. Cách điều trị này thường áp dụng cho bệnh nhân sỏi ở bể thận có kích thước < 2cm.
Tán sỏi qua nội soi niệu quản ngược dòng: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa ống soi mềm thông qua đường tiểu lên niệu quản vào các đài thận và tiến hành tán vụn sỏi.
Tán sỏi thận qua da: Phương pháp nội soi để lấy sỏi thận khi không tán sỏi được. Đây là một kỹ thuật ít xâm lấn ứng dụng kỹ thuật cao hiện đại trong niệu khoa, có thể chữa sỏi thận mà có thể bảo tồn chức năng thận hiệu quả.
Mổ mở: Mổ mở là phương pháp cuối cùng được lựa chọn cho các trường hợp sỏi lớn, sỏi phức tạp, không thể tán vỡ bằng các phương pháp khác.
Sống chung với bệnh sỏi thận
Theo thống kê có khoảng 50% sỏi tái phát sau điều trị. Tùy vào nguyên nhân gây sỏi tiết niệu, tần suất tái phát sẽ khác nhau. Do đó sau khi điều trị hết sỏi người bệnh vẫn phải giữ chế độ ăn uống sinh hoạt để tránh sỏi tái phát.
Uống đủ nước: Nước giúp hòa tan các chất khoáng trong nước tiểu, ngăn ngừa sỏi hình thành. Người bệnh nên uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày, chia đều uống trong ngày.
Ăn nhiều rau, hoa quả: Rau, hoa quả là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp tăng cường đào thải các chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể. Người bị sỏi thận nên ăn nhiều rau, hoa quả tươi, đặc biệt là các loại rau xanh đậm, trái cây họ cam quýt, bưởi,...
Hạn chế đồ ăn nhiều muối, đường, dầu mỡ, đồ ăn nhiều đạm, nội tạng động vật và đồ uống chứa caffeine.
Không bổ sung quá nhiều canxi không quá 1-1.2g/ngày.
Chế độ vận động phù hợp: Vận động giúp tăng cường đào thải các chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể. Người bệnh nên duy trì chế độ vận động nhẹ nhàng, đều đặn mỗi ngày.
Người bệnh lưu ý không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm nghiệm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, thậm chí gây suy gan, suy thận.
Trên đây là những thông tin cơ bản về sỏi thận, từ dấu hiệu và nguyên nhân đến các phương pháp chẩn đoán và điều trị. Việc hiểu rõ về sỏi thận không chỉ giúp chúng ta nhận biết và phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả, mà còn đảm bảo sự chăm sóc và điều trị đúng đắn khi không may mắc phải căn bệnh này.