Sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu, bệnh lý này gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuổi mắc bệnh thường là từ 30 – 55 tuổi, với nhiều dấu hiệu sỏi thận như: đau quặn thận, đau khi đi tiểu, tiểu ra máu,...
Cùng tìm hiểu về những phương pháp điều trị sỏi thận được áp dụng phổ biến hiện nay thông qua bài viết dưới đây
Những phương pháp trị sỏi thận phổ biến hiện nay
Việc điều trị sỏi thận đòi hỏi kiến thức chuyên môn và phương pháp phù hợp để loại bỏ sỏi mà không gây tổn thương đến thận.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa thường áp dụng với những bệnh nhân có sỏi nhỏ < 6mm, hình dạng trơn, láng, dễ di chuyển và có thể đào thải qua đường tự nhiên.
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa (uống thuốc) kết hợp với điều chỉnh chế độ sinh hoạt: uống nhiều nước, tăng cường tập thể dục,... để kích thích bài tiết.
Điều trị ban đầu nhằm giảm đau có thể bao gồm dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ví dụ: Ibuprofen) và/hoặc thuốc giảm đau opioid (mạnh hơn).
Nếu cơn đau và các triệu chứng khác nghiêm trọng, có thể cần phải nhập viện để truyền thuốc giảm đau và truyền dịch qua đường tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch). Nếu nghi ngờ hoặc có biểu hiện nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định cho dùng thuốc kháng sinh.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp sỏi thận quá lớn không thể đào thải ra ngoài, đau quá mức hoặc có dấu hiệu tổn thương thận hoặc nhiễm trùng, có thể cần phải điều trị thêm để loại bỏ sỏi.
Tán sỏi
Tán sỏi thận qua da:
- Đây là phương pháp can thiệp dùng máy tán nội soi và lấy sỏi thận qua đường hầm được tạo qua da chỉ định điều trị sỏi đài bể thận kích thước trên 2cm.
- Hiện nay, tán sỏi thận qua da là phương pháp điều trị sỏi thận tối ưu, triệt để đã thay thế cho phần lớn chỉ định mổ mở lấy sỏi.
- Phương pháp này có thể tán được những sỏi lớn và rắn.
- Tán sỏi qua da trực tiếp có thể rửa sạch lấy hết cặn sỏi và dẫn lưu bể thận qua da cho phép giải quyết phần lớn sỏi thận thường gặp.
Tán sỏi thận nội soi ngược dòng bằng ống soi mềm:
- Đây là phương pháp sử dụng ống soi mềm nội soi ngược dòng qua đường tự nhiên, niệu đạo, niệu quản lên đài bể thận để tán sỏi trong thận bằng năng lượng Laser.
- Sỏi tán vỡ được lấy bằng bơm rửa hoặc gắp ra ngoài.
- Đây là phương pháp điều trị sỏi trong thận hiệu quả và an toàn chỉ định cho sỏi thận kích thước dưới 2,5cm kể cả sỏi niệu quản đoạn ⅓ trên.
Tán sỏi ngoài cơ thể:
- Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng xung kích hội tụ, sóng xung kích xuyên qua da vào vị trí có sỏi và phá vỡ viên sỏi.
- Phương pháp này không xâm lấn, bệnh nhân không phải chịu bất kỳ một tác động nào từ dao kéo. Sau khi được tán sỏi, trong thời gian từ một đến hai tuần, các mảnh sỏi bị vỡ vụn sẽ thoát ra theo đường tiểu tự nhiên của cơ thể ra bên ngoài.
- Tán sỏi ngoài cơ thể được chỉ định điều trị các sỏi đài bể thận nhỏ đường kính dưới 20mm không bị nhiễm khuẩn, chức năng hình thái thận tốt không có tắc nghẽn đường ra của đường tiết niệu.
Phẫu thuật mổ mở sỏi thận
Hiện nay phương pháp này chỉ định rất hạn chế vì mức độ xâm lấn nhiều. Chỉ chỉ định can thiệp phẫu thuật mở trong những trường hợp không thể can thiệp bằng các phương pháp ít xâm lấn như dị tật đường tiết niệu... Các trường hợp sau khi tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da thất bại cũng áp dụng phương pháp này.
Phẫu thuật mổ mở sỏi thận là phương pháp điều trị cuối cùng được áp dụng trong trường hợp các phương pháp khác không hiệu quả. Phương pháp này có hiệu quả cao, nhưng cũng có thể gây ra một số biến chứng. Người bệnh cần được tư vấn kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện phương pháp này.
Các phương pháp điều trị sỏi thận trên đây đều có ưu và nhược điểm riêng, và phụ thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp sẽ được bác sĩ đưa ra sau khi tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán và đánh giá tình trạng sỏi thận của bệnh nhân như vị trí, kích thước, số lượng và mức độ cản quang của sỏi.