Tán sỏi qua da: Quy trình? Lưu ý gì sau khi thực hiện
tán sỏi qua da
Tán sỏi qua da là một phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Tán sỏi qua da: Quy trình? Lưu ý gì sau khi thực hiện

Tác giả: - Xuất bản: 08/01/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Ưu điểm của lấy sỏi qua da so với mổ mở là người bệnh được điều trị ít xâm hại, bảo tồn chức năng thận, phục hồi nhanh sau mổ và thời gian nằm viện ngắn.

Với sỏi thận có kích thước nhỏ, người bệnh có thể được điều trị nội khoa bằng cách cho uống nước nhiều và dùng thuốc tan sỏi hoặc tống xuất sỏi. Đối với sỏi thận có kích thước lớn, khi điều trị nội khoa không có hiệu quả thì có thể áp dụng các phương pháp: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi hay mổ mở được lựa chọn.

Tìm hiểu cụ thể về phương pháp tán sỏi qua da trong bài viết dưới đây:

Tán sỏi qua da là gì?

Tán sỏi qua da là một phương pháp nội soi được sử dụng để điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản hiệu quả cao. Bản chất của phương pháp này là dùng laser năng lượng cao phá vỡ sỏi. Sau đó lấy sỏi ra ngoài cơ thể thông qua một đường hầm nhỏ kích thước khoảng 5mm từ vùng thắt lưng hông đến vị trí có sỏi.

Có thể thực hiện tán sỏi qua da đối với các trường hợp

  • Sỏi thận, sỏi niệu quản 1/3 trên có kích thước lớn hơn 2 cm, kể cả sỏi thận san hô phức tạp

  • Sỏi thận tái phát trên những bệnh nhân đã phẫu thuật nhiều lần

  • Sỏi thận ở những bệnh nhân tán sỏi ngoài cơ thể thất bại

Các trường hợp không áp dụng được phương pháp tán sỏi qua da, bao gồm:

  • Người bệnh có rối loạn đông máu, bệnh mạch vành, suy tim nặng hay chức năng phổi không tốt; người bị tiểu đường hoặc huyết áp cao.
  • Người chống chỉ định với gây mê nội khí quản.
  • Người bệnh có bất thường về mạch máu trong thận.
  • Người bệnh có nguy cơ chảy máu nặng.
  • Người bệnh đang sử dụng thuốc Aspirin hoặc thuốc chống đông đường uống.
  • Người bệnh bị suy thận hoặc có khối u ở thận.
  • Người đang bị nhiễm khuẩn tại chỗ thành bùng hoặc viêm đường tiết niệu chưa được điều trị dứt điểm.
  • Phụ nữ có thai.

Ưu điểm của tán sỏi qua da

Phương pháp tán sỏi qua da đang được áp dụng rộng khắp tại nhiều nơi trên thế giới và được thực hiện tại các bệnh viện chuyên điều trị sỏi thận tại nước ta.

  • Ít gây đau: So với phương pháp mổ thông thường qua đường rạch dài ở bụng, kỹ thuật tán sỏi qua da chỉ cần vết rạch nhỏ khoảng 5 mm ở lưng nên sẽ ít gây đau đớn cho bệnh nhân hơn.
  • Hiệu quả cao: Có thể tán sạch sỏi ngay 1 lần can thiệp, hiệu quả có thể lên đến 100%
  • Ít gây tổn hại đến thận: Phương pháp tán sỏi qua da gây ảnh hưởng rất ít đến các chức năng của thận với mức chỉ khoảng 1%
  • Áp dụng được đối với các trường hợp sỏi thận tái phát. Nếu mổ mở, sau phẫu thuật, vùng quanh thận đã bị xâm lấn sẽ hình thành mô xơ dính. Do đó, nếu người bệnh có sỏi tái phát thì việc tiếp cận trong những lần sau khó khăn, tăng nguy cơ tổn thương như chảy máu, nhiễm trùng, phạm vào ruột, thoát vị vết mổ…
  • Hạn chế được tối đa các biến chức trong và sau khi mổ
  • Giảm thời gian nằm viện.

Tuy nhiên, tán sỏi qua da sẽ yêu cầu mức chi phí khá cao và trình độ, kinh nghiệm của phẫu thuật viên, vậy nên bạn đọc cần tìm hiểu bệnh viện uy tín trước khi thực hiện.

Quy trình thực hiện tán sỏi qua da

Thông thường, một quy trình tán sỏi nội soi qua da diễn ra theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Dựa trên triệu chứng sỏi thận của bệnh nhân và chẩn đoán cận lâm sàng để xác định tình trạng bệnh cũng như vị trí và kích thước của sỏi tiết niệu.

Bước 2: Nếu lựa chọn điều trị bằng phương pháp tán sỏi qua da sẽ được hẹn lịch thực hiện

Bước 3: Trước khi tán sỏi, người bệnh được gây mê toàn thân nội khí quản. Sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng một kim đưa qua da từ vùng lưng vào vị trí có sỏi.

Bước 4: Đường hầm của kim chọc dò sẽ được nong rộng bằng dụng cụ nong chuyên biệt để đạt được kích thước như mong muốn để đưa máy nội soi vào tán sỏi.

Bước 5: Sỏi được tán thành những mảnh vụn và đồng thời được hút ra ngoài qua đường hầm nhỏ. Sau đó cũng qua đường hầm này, bác sĩ tiến hành đặt ống dẫn lưu thận để giúp việc kiểm tra sau mổ. Ống dẫn lưu này sẽ được rút ra sau 24-48 giờ.

Bước 6: Nghỉ ngơi thời gian từ 3-5 ngày tại bệnh viện. Trước khi xuất viện sẽ được hưởng dẫn chi tiết về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và hẹn lịch tái khám.

Bác sĩ Bệnh viện 108 thực hiện tán sỏi qua da
Bác sĩ Bệnh viện 108 thực hiện tán sỏi qua da - Ảnh: benhvien108.vn

Lưu ý khi thực hiện tán sỏi qua da

Trước khi thực hiện tán sỏi qua da, bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng sử dụng một số loại thuốc hoặc thực phẩm ví dụ như thuốc kháng viêm hoặc các chất kích thích,... Bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ thực hiện.

  • Bệnh nhân và người nhà sau phẫu thuật cần theo dõi màu sắc và lượng nước tiểu. Nếu nhận thấy màu sắc bất thường, lượng nước tiểu ít, ra nhiều màu và có mùi hôi khó chịu thì cần báo lại cho bác sĩ.
  • Sau khi tán sỏi, bệnh nhân có thể gặp tình trạng nước tiểu lẫn ít máu kéo dài từ 1 - 2 tuần. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên uống nhiều nước: 2 - 3 lít/ ngày.
  • Bệnh nhân có thể cảm thấy đau tại khu vực tán sỏi. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau để cải thiện tình trạng này.
  • Khi mới tán sỏi xong thì ưu tiên những loại thức ăn dễ tiêu hoá, tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau củ và thực phẩm giàu chất xơ.
  • Tránh vận động mạnh hay nâng kéo vật nặng trong vòng 4 tuần.

Sỏi thận là mặt bệnh phổ biến với người Việt Nam, nếu không điều trị kịp thời, sỏi thận có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như suy giảm chức năng thận, nhiễm khuẩn ở thận, thậm chí đe dọa tính mạng.

Tán sỏi qua da là một phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả mà bạn đọc có thể tham khảo. Tuy nhiên việc điều trị bằng phương pháp nào cần có sự tư vấn, chỉ định rõ ràng, chi tiết từ bác sĩ có chuyên môn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết