Những điều cha mẹ cần biết về tình trạng chậm nói ở trẻ

Tác giả: - Xuất bản: 05/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Dạy trẻ chậm nói
Những điều cha mẹ cần biết về tình trạng chậm nói ở trẻ - Ảnh: BookingCare
Trẻ chậm nói nguyên nhân do đâu, thăm khám và điều trị như thế nào? Khi nào cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám và can thiệp?

Trẻ chậm nói là chủ đề được nhiều phụ huynh quan tâm, đặc biệt khi số lượng trẻ có xu hướng chậm nói ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Tình trạng chậm nói ở trẻ cần được phát hiện và can thiệp sớm bởi trẻ chậm nói sẽ dẫn tới các kĩ năng khác cũng bị hạn chế theo, trẻ có thể trở nên nhút nhát, rụt rè, không tự tin,...

Khi nào nên đưa trẻ thăm khám chậm nói?

Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình cảnh báo trẻ chậm nói mà cha mẹ cần theo dõi để đưa trẻ thăm khám: 

  • 12 tháng tuổi: trẻ chưa bập bẹ, không thực hiện được hành động đơn giản như chỉ tay hoặc vẫy tay tạm biệt
  • 18 tháng:
    • Thích sử dụng cử chỉ hơn là phát âm để giao tiếp
    • Không nói được các từ đơn
    • Khó khăn khi bắt chước âm thanh
  • 2 tuổi:
    • Chỉ có thể bắt chước lời nói hoặc hành động và không thể sử dụng từ ghép (2 từ) một cách tự nhiên
    • Nói lặp đi lặp lại một số từ và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp nhiều hơn 
    • Gọng nói bất thường (chẳng hạn như giọng khàn hoặc giọng mũi)

Cha mẹ nếu quan sát thấy con đang có biểu hiện chậm nói hoặc có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, nên đưa trẻ khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để can thiệp kịp thời. Phương pháp điều trị chậm nói tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm nói

Trẻ nên được thăm khám sức khỏe định kỳ, đánh giá sự phát triển toàn diện ở các mốc 9, 18 và 30 tháng tuổi. Do vậy, cha mẹ nên cho trẻ thăm khám tổng quát tương ứng với các độ tuổi này theo các mốc này để bác sĩ Nhi khoa nhận định sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. 

Nguyên nhân trẻ chậm nói

Việc trẻ chậm nói có thể là do các nguyên nhân sau đây:

  • Các vấn đề về lưỡi hoặc vòm miệng, dính thắng lưỡi có thể hạn chế chuyển động của lưỡi khiến trẻ nói ngọng, chậm nói. 
  • Trẻ gặp các bệnh lý về thần kinh. Điều này xảy ra khi có bất thường ở vùng não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ diễn đạt, ảnh hưởng đến cử động phối hợp môi, lưỡi và hàm để phát ra âm thanh. 
  • Vấn đề về thính giác (nghe kém, điếc,...) cũng có thể ảnh hưởng đến chậm nói bởi trẻ gặp khó khăn về thính lực có thể gặp khó khăn khi nói, hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
  • Thiếu sự tương tác trực tiếp: Đối với trẻ chậm nói đơn thuần, nguyên nhân chậm nói do thiếu sự tương tác, cha mẹ do bận rộn nên ít tương tác, giao tiếp với trẻ đồng thời để trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử.

Khám chậm nói như thế nào?

Để đánh giá tình trạng chậm nói của trẻ, bác sĩ sẽ hỏi phụ huynh các câu hỏi về khả năng nói và diễn đạt của trẻ cũng như các mốc phát triển về hành vi khác. 

Bên cạnh thăm khám tổng quát, bác sĩ sẽ kiểm tra cấu trúc giải phẫu khoang miệng cũng như thính lực của trẻ. Khi cần đánh giá chuyên sâu, bác sĩ cũng có thể chỉ định thăm khám thêm với bác sĩ Tai mũi họng, bác sĩ Thần kinh,...

Để cải thiện khả năng nói của trẻ, điều quan trọng là cha mẹ phải dành thêm nhiều thời gian vui chơi, trò chuyện với con cũng như khuyến khích trẻ nói chuyện khi trẻ cần giao tiếp.

Cha mẹ có thể dành thời gian chơi với trẻ bằng các trò chơi tương tác như trốn tìm, đá bóng,… sẽ khiến trẻ thích thú và có thể phát ra ngôn từ.

Nếu cha mẹ khó chịu, phản ứng tiêu cực khi trẻ càu nhàu hoặc chỉ vào đồ vật, bạn đang vô tình cho phép trẻ trì hoãn việc sử dụng từ ngữ. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn và yêu cầu trẻ tìm từ thích hợp. 

Về chế độ dinh dưỡng, nên lưu ý bổ sung cho trẻ đầy đủ 4 nhóm thành phần thực phẩm cơ bản như: nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin khoáng chất… để phát triển trí não. Bởi ngôn ngữ được kích hoạt từ chuỗi dẫn truyền thần kinh thông qua cơ quan nghe nhìn truyền tải thông tin đến não bộ để ghi nhận và bắt chước, từ đó ra tín hiệu đưa đến cơ quan phát âm để bật ra tiếng nói. 

Nhận biết và điều trị sớm tình trạng chậm nói là cách tốt nhất giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp và phát triển trí tuệ. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm nếu nhận thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ về khả năng nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết