Ung thư da là loại ung thư phổ biến và thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là người lao động ngoài trời, vận động viên, người tắm nắng người da trắng. Các bệnh ung thư da cũng có thể phát triển trong nhiều năm sau khi tiếp xúc với chất gây ung thư (ví dụ như tiếp xúc lâu dài với nguồn phóng xạ, tia X…).
Phân loại ung thư da
Da là tuyến phòng thủ đầu tiên, giúp chống lại môi trường bên ngoài bao gồm: tác động cơ học, bức xạ, nhiễm trùng... Da gồm 3 lớp: thượng bì (biểu bì) là lớp trên cùng, bên dưới là trung bì và nằm sâu nhất là hạ bì. Lớp biểu bì bao gồm 3 loại tế bào chính: tế bào vảy, tế bào đáy và tế bào hắc tố. Ngoài ra da còn các tuyến phụ: tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi và tuyến mùi.
Ung thư da bao gồm ung thư xuất phát từ biểu mô da che phủ mặt ngoài cơ thể và từ các tuyến phụ của da.
- Ung thư da tế bào đáy xuất phát từ lớp tế bào đáy, nằm ngay trên màng đáy của da. Ung thư này hay gặp ở người già, vị trí phổ biến ở vùng mặt, chiếm 65% tổng số các trường hợp ung thư da. Đặc điểm ung thư da tế bào đáy là phát triển chậm, hầu như không di căn hạch, không di căn xa, có tiên lượng tốt.
- Ung thư da tế bào vảy xuất phát từ lớp tế bào vảy, lớp này gồm nhiều hàng tế bào đa diện. Ung thư thường xuất hiện trên nền sẹo cũ, sẹo bỏng vôi, sẹo bỏng do cháy xăng dầu. Vị trí hay gặp ở tứ chi, chiếm 25% trong tổng số các trường hợp ung thư da. Đặc điểm ung thư da tế bào vảy là phát triển nhanh, có di căn hạch, di căn xa, tiên lượng xấu hơn ung thư da tế bào đáy.
- Ung thư hắc tố: thường khởi đầu từ một nốt ruồi lành, tàn nhang hoặc một đám sắc tố bẩm sinh (bớt). Từ một nốt ruồi bình thường đột nhiên thay đổi về hình dạng, kích thước, hay chảy máu, lớn nhanh, ngứa ngáy. Nốt ruồi biến màu sẫm dần và đặc biệt nếu có dấu hiệu loét, sùi hoặc đang từ màu nâu đồng nhất trở nên đa sắc. U hắc tố chiếm < 5% tổng số ung thư da được chẩn đoán ở Mỹ nhưng gây ra hầu hết các ca tử vong do ung thư da.
- Ung thư tuyến phụ thuộc da xuất phát từ các tế bào của tuyến mồ hôi hoặc tuyến bã. Vị trí hay gặp ở vùng da đầu, nách, mông. Đặc điểm ung thư tuyến phụ thuộc da là phát triển nhanh, hay di căn hạch, di căn xa, tiên lượng xấu.
Các nguyên nhân gây ung thư da thường gặp
Vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ cao bị ung thư da. Ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia UVA và UVB, chúng là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da. Các nghiên cứu cho thấy, phơi nắng tích lũy là nguyên nhân gây ung thư tế bào vảy. Ngược lại, phơi nắng gián đoạn dữ dội (ví dụ như cháy nắng, phơi nhiễm ở trẻ em) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ung thư biểu mô tế bào đáy.
Ngoài ra, còn có một số tác nhân khác gây khởi phát bệnh ung thư da như:
- Bức xạ ion hóa: tia gamma, phơi nhiễm phóng xạ… từ các đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể nhằm mục đích điều trị bệnh.
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch: ung thư da có thể xuất hiện thứ phát sau khi bệnh nhân được ghép tạng, suy giảm miễn dịch, HIV, hoặc dùng corticoid kéo dài.
- Người bị các bệnh viêm da mãn tĩnh: các bệnh như viêm mạn tính do sẹo, bỏng, loét mãn tính, viêm da… có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư da.
- Phơi nhiễm asen (Thạch tín).
- Yếu tố gia đình: nghiên cứu cho thấy những đối tượng có anh, chị, em bị ung thư da thì tỷ lệ mắc cao gấp 2- 3 lần người bình thường.
- Hút thuốc: những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn 20% so với những người không hút thuốc.
- Bệnh bạch tạng: người bị bạch tạng (cơ thể không tổng hợp được sắc tố melanin) có nguy cơ mắc ung thư da rất cao do không có khả năng chống nắng.
- Nhiễm trùng HPV: người nhiễm virus HPV có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn người bình thường.
Xét nghiệm chẩn đoán ung thư da
Bên cạnh việc thăm khám các dấu hiệu bất thường về da, bác sĩ còn chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết để sàng lọc và phát hiện bệnh ung thư da:
- Sinh thiết tổn thương chẩn đoán mô bệnh học: đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các bệnh ung thư.
- Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (tumor marker).
- Chụp X Quang, chụp cộng hưởng từ để đánh giá xâm lấn xương (đối với ung thư tuyến phụ thuộc da).
- Chụp X Quang để phát hiện di căn phổi, xương, chụp cộng hưởng từ phát hiện di căn não. Siêu âm để tìm di căn gan.
- Xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-MDP để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn.
- Chụp PET/CT toàn thân với 18F-FDG trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh; chụp sau điều trị để theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn; mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.
Phân biệt ung thư da với các bệnh về da khác
Triệu chứng của bệnh ung thư da dễ nhầm lẫn với một số tổn thương trên da như:
- Ung thư da tế bào đáy cần được chẩn đoán phân biệt với: u nhú, mụn cơm, viêm nốt ruồi, u máu nhiễm trùng, loét mạn tính.
- Ung thư da tế bào vảy chẩn đoán phân biệt với loét mạn tính cẳng bàn chân, u nhú nhiễm trùng, ung thư khác di căn hạch cổ, nách, bẹn.
- Ung thư tuyến phụ thuộc da cần được chẩn đoán phân biệt với ung thư phần mềm, hạch viêm, ung thư vú, u lympho ác tính, u Malherbe. Chẩn đoán bằng sinh thiết mở, sinh thiết cắt toàn bộ u, sinh thiết kim lớn khi u nằm sâu.
Điều trị ung thư da
Điều trị ung thư da dựa vào loại mô bệnh học, vị trí u, mức độ lan rộng, giai đoạn bệnh của ung thư. Riêng ung thư da tế bào vảy còn dựa vào xếp độ ác tính mô học. Bệnh ung thư da có thể áp dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị sau:
- Phẫu thuật: Ung thư da thường được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ ung thư rộng rãi , đối với một số thể ung thư , ngoài việc cắt bỏ tổn thương sẽ cần kết hợp với việc lấy bỏ hạch vùng lân cận nhằm ngăn chặn sự di căn.
- Xạ trị: Dùng phóng xạ tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hoá trị: Dùng hoá chất gây độc tế bào điều trị ung thư da trong các trường hợp khối u lan rộng, di căn xa.
Cách chăm sóc da hiệu quả cho người bệnh ung thư da
Ung thư hắc tố da là loại ung thư ác tính, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, việc theo dõi và chăm sóc da đúng cách là bước quan trọng bệnh tránh trở nặng và tái phát:
- Thoa kem chống nắng thường xuyên, bảo vệ làn da ngay cả khi đi xe ô tô hay ngay cả trong bóng râm.
- Đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài khi đi ra nắng, tránh để vùng da hở tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Dùng kem dưỡng ẩm để tránh cho làn da bị khô và ngứa.
- Theo dõi vết sẹo trên da để sớm phát hiện bất kỳ thay đổi nào về màu sắc hoặc hình dạng của sẹo vì ung thư da có thể tái phát.
- Khám da định kỳ. Tái khám ngay nếu có triệu chứng đau hoặc ngứa ở vết sẹo, để kịp thời xử lý. Ngoài ra, bạn cũng nên thoa kem chống nắng lên vết sẹo và che kín khi ra ngoài nắng, vì nó thường nhạy cảm hơn làn da bình thường
Bệnh ung thư da có tiên lượng khá tốt, khả năng điều trị bệnh thành công cao. Tuy nhiên, ung thư da có thể tái phát, đặc biệt là tế bào hắc tố da thường có nguy cơ tái phát cùng một chỗ sau điều trị. Do đó, người bệnh cần theo dõi thường xuyên vết sẹo trên da để sớm phát hiện bất kỳ thay đổi nào về màu sắc hoặc hình dạng của sẹo.