- Xuất bản: 11/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 01/04/2024
Nổi gây xanh ở chân có thể là dấu hiệu bệnh lý - Ảnh: BookingCare
Các đường gân xanh ngay dưới da của chúng ta là các tĩnh mạch có nhiệm vụ quan trọng trong quá trình vận chuyển lưu thông máu. Ở một số người những đường gân này nổi rõ hơn so với người khác. Các đường gân này có thể ở bất kỳ vùng nào của cơ thể. Tuy nhiên nổi gân xanh ở chân là vấn đề phổ biến được tìm kiếm hơn cả. Đọc ngay nổi gân xanh và những điều cần biết để hiểu thêm về dấu hiệu này.
Khi bạn nhìn vào chân mình, có thể bạn đã từng thắc mắc về những gân mạch máu màu xanh lạ mắt là gì và tại sao chúng lại nổi lên như vậy. Đây không chỉ là một vấn đề thẩm mỹ, mà còn là một dấu hiệu về sức khỏe và lối sống. Những gân xanh này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây nổi gân xanh ở chân, điều trị và cách phòng tránh an toàn trong bài viết dưới đây.
Nổi gân xanh ở chân là gì?
Gân xanh ở chân là các tĩnh mạch của hệ mạch máu, nằm ngay dưới da, giúp đưa máu nghèo oxy trở lại tim để trao đổi oxy với phổi. Chúng khác với các động mạch mang máu giàu oxy từ tim đi nuôi cơ thể.
Nếu có tông màu da sáng hơn, hoặc da mỏng hơn, việc có một số tĩnh mạch có thể nhìn thấy được là điều bình thường. Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe có thể làm cho tĩnh mạch của bạn trông rõ ràng hơn về màu sắc và kích thước.
Nguyên nhân gây nổi gân xanh ở chân
Hầu hết các nguyên nhân gây ra nổi gân xanh ở chân có thể nhìn thấy đều là tạm thời và lành tính. Một số nguyên nhân gây nổi gân xanh ở chân tự nhiên và không đáng lo ngại có thể kể đến như:
Do làn da: nếu có nước da trắng, màu sắc của tĩnh mạch có thể lộ rõ hơn. Bên cạnh đó, da dày hay mỏng cũng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Nổi gân xanh ở chân do quá gầy: ở những người có thể trạng gầy, các gân ở chân thường nổi rõ hơn so với người khác. Lý do là bởi vì lớp mỡ dưới da quá mỏng nên gân nổi rõ.
Vận động làm nổi gân: trong khi tập thể dục hoặc vận động mạnh, nhịp tim, áp lực tăng lên. Điều này có thể mở rộng tĩnh mạch, làm cho chúng trông rõ ràng hơn. Ngoài ra, khi cơ co lại trong khi tập thể dục, chúng sẽ gây áp lực lên các tĩnh mạch xung quanh.
Ngồi hoặc đứng lâu: khi bạn ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, trọng lực sẽ khiến máu dồn lại ở chân. Kết quả là, huyết áp tăng lên trong các tĩnh mạch ở chân và làm nổi gân xanh ở chân.
Quần áo chật: quần áo chật có thể hạn chế lưu lượng máu. Đổi lại, áp lực trong tĩnh mạch tăng lên, khiến chúng lộ rõ hơn. Điều này thường xảy ra ở chân, đùi và vùng eo.
Thời tiết: thời tiết nóng cũng làm tăng lưu lượng máu trong tĩnh mạch. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể phá vỡ collagen bên dưới da, khiến tĩnh mạch nổi rõ hơn.
Di truyền học: đôi khi, các tĩnh mạch nổi rõ gặp trong gia đình. Nếu trong gia đình có tiền sử các tĩnh mạch nổi rõ hoặc các tình trạng ảnh hưởng đến thành tĩnh mạch, có nhiều khả năng bạn cũng gặp tình trạng này.
Thay đổi nội tiết tố: sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể làm thay đổi diện mạo của tĩnh mạch. Điều này bao gồm: đang trong chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, phụ nữ mãn kinh. Khi mang thai, thai nhi sẽ gây áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng xương chậu. Điều này có thể làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở đùi, mông và chân.
Tuổi tác: các tế bào và quá trình lão hoá diễn ra song song với sự già đi. Khi tuổi càng cao, khiến cho làn da tạo ra ít collagen hơn, dẫn đến da mỏng và lớp mỡ dưới da cũng giảm khiến cho gân xanh dễ dàng nhìn rõ hơn.
Rượu bia và thuốc lá: Uống rượu và hút thuốc khiến tăng nhịp tim, tổn thương thành mạch.
Hình ảnh bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới gây nổi gân xanh ở chân - Ảnh: Bệnh viện 108
Nổi gân xanh ở chân có thể là bệnh gì?
Nổi gân xanh ở chân có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khoẻ bệnh lý. Một số bệnh lý gây nổi gân xanh ở chân:
Gân xanh ở đầu gối gợi ý sưng khớp gối.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới: là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra. Thường nổi gân xanh ở vùng bắp chân, kèm đau và mỏi.
Tắc mạch chi dưới: đây là hệ quả của xơ vữa và huyết khối. Gây tắc tại tĩnh mạch, cản trở lưu thông, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như hoại tử chi.
Trong hầu hết các trường hợp, tĩnh mạch có thể nhìn thấy không phải là nguyên nhân gây lo ngại. Tuy nhiên, nếu hiện tượng đó đi kèm với một số dấu hiệu khác như cảm giác đau nhức, chuột rút và nóng ấm ở chân, vùng chân sưng vù, các tĩnh mạch nổi lên có dạng xoắn ngoằn ngoèo, người bệnh nên đi khám để chẩn đoán bởi bác sĩ.
Điều trị nổi gân xanh ở chân
Phần lớn tình trạng nổi gân xanh ở chân không cần điều trị nếu gây ra bởi các nguyên nhân không đáng lo ngai.
Đối với những trường hợp nổi gân xanh do tình trạng bệnh lý, tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên triệu chứng nổi gân xanh ở chân mà có biện pháp điều trị khác nhau. Một vài phương pháp có thể sẽ được các bác sĩ sử dụng trong phác đồ điều trị bao gồm:
Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, điều quan trọng là tìm nguyên nhân gây ra nổi gân xanh. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Phòng tránh nổi gân xanh ở chân
Trong trường hợp nổi gân xanh ở chân do cơ địa như da mỏng, da sáng màu… thì không có cách nào làm dừng lại tình trạng nổi gân. Một vài chia sẻ dưới đây giúp hạn chế tình trạng nổi gân xanh ở chân rõ hơn, như là:
Tránh đứng lâu: để khuyến khích lưu thông máu, hãy thường xuyên nghỉ ngơi để giãn cơ và đi lại, đặc biệt nếu có công việc đòi hỏi bạn phải đứng trên đôi chân của mình.
Nâng cao chân: nâng cao chân lên trên mức của tim (khi nằm) giúp máu lưu thông đến tim.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh: loại bỏ số cân dư thừa sẽ làm giảm áp lực bên trong mạch máu của bạn.
Bỏ thuốc lá: hút thuốc làm tổn thương mạch máu, giảm lưu lượng máu và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Duy trì hoạt động: để cải thiện tuần hoàn, hãy di chuyển thường xuyên và tránh ngồi yên hoặc đứng yên trong thời gian dài.
Dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Tránh mặc quần quá chật.
Nổi gân xanh ở chân là triệu chứng phổ biến, gặp ở bất kỳ ai. Gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân là tình trạng bệnh lý cần được điều trị bởi các bác sĩ.