Ốm nghén nên ăn gì, kiêng gì để tốt cho thai nhi?
Ốm nghén nên ăn gì, kiêng gì để tốt cho thai nhi?
Ốm nghén nên ăn gì, kiêng gì để tốt cho thai nhi? - Ảnh: BookingCare

Ốm nghén nên ăn gì, kiêng gì để tốt cho thai nhi?

Tác giả: - Xuất bản: 31/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
Ốm nghén nên ăn gì để tốt cho thai nhi? Đây là băn khoăn của nhiều mẹ bầu. Bởi nếu mẹ không ăn uống đầy đủ dưỡng chất thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc sinh ra thiếu cân và cũng là tiền đề dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng khi lớn lên.

Vấn đề mà các mẹ bầu bị ốm nghén, nhất ốm nghén nặng thường phải đối mặt là sự thiếu hụt dinh dưỡng thai kỳ trong khi đây lại là giai đoạn thai phụ cần nạp nhiều dưỡng chất để nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh. Chế độ ăn uống vừa giúp giảm cơn nghén hiệu quả, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng là điều mẹ bầu cần lưu tâm.

Ốm nghén nên ăn gì để thai nhi phát triển khỏe mạnh?

Theo khuyến nghị, trong khẩu phần ăn hàng ngày của mẹ bầu không nên thiếu các dưỡng chất sau:

1. Protein (chất đạm): là dưỡng chất quan trọng mẹ bầu nên bổ sung trong thực đơn hàng ngày. Để thai nhi phát triển toàn diện, “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ’’ ( The Dietary Guidelines for Americans) khuyến nghị mục tiêu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai tối thiểu đạt 71 g/ngày (hay 1,1 g/kg/ngày), tăng hơn so với 46g/ngày ( hay 0,8 g/kg/ngày) ở phụ nữ không mang thai bao gồm cả đạm động vật và đạm thực vật.Một số thực phẩm chứa nguồn protein tốt là trứng, thịt nạc, sữa, các loại đậu, măng tây, cải bó xôi, súp lơ xanh…

2. Carbohydrate (carb - chất bột đường): Các loại hạt, các loại đậu, gạo lứt, yến mạch, chuối, sữa tươi ít béo... là những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ và vitamin, giúp ngăn ngừa táo bón khi mang thai và giữ lượng máu luôn ổn định. Nhu cầu tăng lên 175 g/ngày khi mang thai, so với 130 g/ngày khi không mang thai.

3. Lipid (chất béo): Nhiều mẹ bầu, nhất là những thai phụ nghén nặng thường được khuyên không nên ăn chất béo trong thai kỳ, đặc biệt các thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ vì có thể khiến tình trạng nghén nặng hơn.

Mẹ bầu cần chọn nguồn chất béo tốt có trong các loại cá có dầu như cá hồi, cá thu, cá ngừ, dầu ô liu, dầu đậu nành... và tránh xa chất béo xấu có trong mỡ hoặc dầu động vật. Chất béo nên duy trì ngang mức phụ nữ không mang thai, chiếm khoảng 20-35% lượng calo mỗi ngày

4. Vitamin và khoáng chất: Trong thai kỳ, nếu mẹ không bổ sung đầy đủ các vi chất như sắt, kẽm, vitamin D... trẻ sinh ra có thể đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lý như thiếu vitamin D gây còi xương, thiếu sắt gây thiếu máu....

5. Axit folic: có trong cải bó xôi, củ cải trắng, súp lơ xanh…Hàm lượng Folate nên bổ sung trung bình 0,6 mg/ngày trong một tháng trước mang thai và hai đến ba tháng đầu sau khi thụ thai thai kỳ để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh, cũng như đáp ứng sự phát triển của thai nhi và bánh nhau

Sắt có trong thịt bò nạc, lòng đỏ trứng gà, ngũ cốc, các loại rau có màu xanh đậm..., kẽm có trong, trứng, ngũ cốc, súp lơ xanh...; vitamin C có trong trái cây họ cam quýt, các loại rau xanh đậm...; canxi có trong sữa chua, phô mai, sữa tươi không đường, đậu hũ...; vitamin D có trong trứng, đậu, sữa, cá hồi... là những vi chất quan trọng mẹ bầu được khuyến cáo phải nạp đủ trong thai kỳ.

Thực phẩm mẹ bầu nên tránh để tốt cho thai nhi

Những loại thực phẩm sau mẹ bầu cần tránh hoặc hạn chế ăn trong quá trình mang thai tránh những biến chứng cho thai nhi và hỗ trợ giảm ốm nghén khi mang thai.

  • Các loại cá biển như cá mập, cá cờ, cá thu vua, cá cờ, cá nhám cam,..… là những thực phẩm chứa hàm lượng thủy ngân cao. 

  • Các loại thịt và cá sống hoặc tái như Sushi, bò bít tết, thịt cá còn sống đều có chứa vi khuẩn như salmonella, coliform, toxoplasmosis,... gây ngộ độc. Bà bầu không nên ăn các loại thịt cá đang còn sống hoặc tái chín.

  • Thức ăn nướng hay xông khói: Thịt nướng, thịt xông khói,… thường thu hút nhiều người bởi hương vị thơm ngon. Than nướng sẽ tạo ra một loại chất độc nhiễm vào thức ăn, có khả năng gây ung thư. 

  • Các loại thịt chế biến sẵn như: thịt nguội, xúc xích, giăm bông,… đều có nguy cơ chứa vi khuẩn Listeria. Loại vi khuẩn này không gây hại đối với người bình thường nhưng lại rất nguy hiểm với các bà bầu. 

  • Gan động vật là thực phẩm rất giàu sắt và vitamin A. Trong quá trình mang thai, nếu bà bầu ăn quá nhiều gan động vật (nơi thải độc của cơ thể), lượng vitamin A đưa vào cơ thể quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi, thậm chí gây quái thai.

  • Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa không tiệt trùng. Một số sản phẩm chế biến từ sữa chưa tiệt trùng như pho mát đều có chứa vi khuẩn Listeria gây sẩy thai. 

  • Khoai tây mọc mầm có chứa solanin, đây là chất độc gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nếu người mẹ bị ngộ độc solanin sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa và hệ thần kinh.

  • Rau sống là nơi chứa nhiều vi khuẩn Salmonella, E.coli,… có nguy cơ gây ngộ độc. 

  • Hạn chế ăn một số loại thực phẩm dưới đây để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi: khổ qua, rau ngót, măng, đu đủ xanh, dứa (thơm), nhãn, mực...Các loại thực phẩm này có chứa các thành phần gây kích thích làm tăng co bóp tử cung. Vì vậy, mặc dù chưa có nghiên cứu đủ lớn nào chỉ ra việc ăn các thực phẩm trên là an toàn hay không và ăn với hàm lượng bao nhiêu là an toàn, thì việc sử dụng vẫn nên cân nhắc.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, điều này không đồng nghĩa với việc nếu bạn vô tình ăn phải các thực phẩm trên thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến thai kỳ, cần tránh những tình trạng stress do vấn đề này gây ra.

Nếu bạn đang mang thai 3 tháng đầu, hãy chăm sóc bản thân thật tốt, ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước và nghỉ ngơi nhiều hơn.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết