- Xuất bản: 25/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ bằng phương pháp đông y cho kết quả khả quan - Ảnh: BookingCare
Đông y điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể dùng thuốc hoặc các phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt) giúp làm giảm triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe doạ tính mạng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Đông y điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ cho kết quả khả quan khi kết hợp cùng lối sống lành mạnh và dinh dưỡng cân bằng. Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị đông y qua bài viết dưới đây.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ theo đông y
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là các tổn thương cơ tim do giảm cung cấp máu từ động mạch vành, tình trạng teo hẹp động mạch vành đáng kể, đồng thời với những rối loạn cơ chế điều hòa co thắt và giãn nở mạch vành là những yếu tố hình thành nhiều triệu chứng rất phong phú của bệnh.
Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như xơ vữa động mạch (là nguyên nhân chính trong 90% các trường hợp), tổn thương thực thể ở động mạch vành, viêm động mạch vành, tắc mạch vành,…
Bệnh tim thiếu máu cục bộ làm giảm lượng máu, giảm cung cấp oxy cho cơ tim, có thể gây tổn thương cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu, gây rối loạn nhịp tim. Bên cạnh đó, nếu bất ngờ tắc nghẽn động mạch vành nặng có thể dẫn tới cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).
Theo y học cổ truyền, bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể xuất hiện với bệnh cảnh đau ngực (với rất nhiều mức độ khác nhau) hoặc không có biểu hiện lâm sàng (bệnh tình cờ được phát hiện trong khi khám, điều trị một bệnh lý khác). Đau ngực còn gọi là tâm thống, tâm quý; nếu có kèm theo khó thở thì được gọi là tâm tý, tâm trướng, hung hiếp thống.
Nguyên nhân gây bệnh thường do:
Rối loạn tình chí: tức giận, lo sợ gây tổn thương tạng can và thận âm.
Bệnh lâu ngày, thể chất suy yếu, âm và dương đều suy, hư hoả bốc lên, nung nấu dịch thành đàm, đàm hoả gộp lại gây bệnh.
Do đàm thấp ủng trệ lại gây tắc trở kinh mạch. Đàm thấp có thể do ăn uống không đúng cách, gây tổn hại Tỳ vị.
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, biểu hiện lâm sàng mà y học cổ truyền chia bệnh tim thiếu máu cục bộ thành các thể bệnh khác nhau. Tùy theo từng thể lâm sàng mà điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc khác nhau.
Đông y điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ
Xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh tim thiếu máu cục bộ
Cơn đau thắt ngực xuất hiện do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim. Cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, mọi nơi. Xoa bóp bấm huyệt có thể phòng và làm giảm các cơn đau thắt ngực.
Cách thức thực hiện:
Người bệnh nằm ngửa.
Thầy thuốc thực hiện thao tác miết từ giữa ngực ra hai bên những ngón tay để ở kẽ các liên sườn 1, 2, 3 và miết theo kẽ sườn ra hai bên 3 - 4 lần.
Day, ấn, bấm các huyệt: Trung phủ, Chương môn, Đản trung, Kỳ môn, Thiếu xung, Nội quan, Tâm du, Quyết âm du, Túc tam lý, Giản sử, Cự khuyết,...
Ngoài ra, người bệnh có thể tự xoa, day, bấm các huyệt trên cơ thể mình hàng ngày. Thực hiện mỗi ngày từ 15 – 20 phút.
Vị trí các huyệt:
Huyệt Trung phủ: Dưới cuối ngoài xương đòn. Tác dụng thanh nhiệt thượng tiêu, sơ điều phế khí, trị ho, hen suyễn, ngực đau, vai, lưng đau, viêm khí quản, lao phổi.
Huyệt Chương môn: Tại tuyến giữa nách, mút cuối xương sườn nổi số 1, khi co khuỷu tay khép vào nách, nó nằm ngang với điểm cuối cùng của khuỷu tay. Vị trí đầu nhọn của mỏm khủy tay cũng là vị trí của xương sườn số 11 và cũng là huyệt đạo Chương môn.
Huyệt Kỳ môn: Từ phần đầu của núm vú, di chuyển xuống dưới 2 xương sườn và ở mé ngoài của huyệt Bất Dung khoảng 1.5 tấc. Tại đây, huyệt Kỳ Môn chính là điểm giao nhau của đường ngang huyệt đạo Cự Khuyết và đường thẳng qua đầu núm vú của cơ thể (nằm ở bờ trên sườn thứ 7).
Huyệt Đản trung: giữa ngực, là giao điểm của đường giữa xương ức với đường nối hai núm vú (nam giới). Còn ở nữ giới, vị trí của huyệt chính là đường ngang qua bờ trên hai khớp xương ức thứ 5 của cơ thể.
Huyệt Thiếu xung: nằm ở đầu ngón tay út, cách gốc móng ngón tay về phía trong khoảng 2mm. Đây là huyệt có tác dụng chữa co thắt động mạch vành, giảm đau thắt ngực.
Huyệt Nội quan: Từ chính giữa lằn chỉ cổ tay đo lên trên 2 thốn (tương đương khoảng cách 3 ngón tay khép, hoặc đo 1 thốn bằng 1/75 chiều cao cơ thể).
Huyệt Cự khuyết: Trên rốn trên đường trắng giữa. Lấy ở điểm nối 6/8 dưới với 2/8 trên của đoạn rốn - điểm gặp nhau của 2 bờ sườn.
Huyệt Giản sử: Từ chính giữa lằn chỉ cổ tay đo lên trên 3 thốn.
Huyệt Túc tam lý: Thẳng dưới hõm ngoài xương bánh chè 3 thốn, cách lồi củ trước xương chày 1 khoát ngón tay.
Huyệt Quyết âm du: Từ giữa đốt sống lưng D4 - D5 đo ngang ra 1,5 thốn.
Huyệt Tâm du: Từ giữa đốt sống lưng D5 - D6 đo ngang ra 1,5 thốn.
Châm cứu điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ
Châm cứu điều hòa hệ thống tim mạch, đưa các hoạt động về trạng thái sinh lý bình thường có lợi cho cơ thể. Châm cứu giúp làm giảm tiêu thụ oxy ở các cơ tim bị thiếu máu, tăng lực co bóp của cơ tim, giảm mức hoại tử, rút ngắn thời gian dẫn truyền nhĩ - thất và giảm nhịp tim.
Trên mạch máu, châm cứu làm giảm sự co thắt động mạch, cải thiện sự cung cấp máu cơ tim, điều hòa tính thấm thành mạch, phục hồi tế bào bị tổn thương.
Thầy thuốc có thể tiến hành châm cứu các huyệt tương tự như xoa bóp bấm huyệt: Trung phủ, Chương môn, Đản trung, Kỳ môn, Thiếu xung, Nội quan, Tâm du, Quyết âm du, Túc tam lý, Giản sử, Cự khuyết,...
Tùy theo tình trạng người bệnh mà có thể chọn châm thêm các huyệt cho phù hợp. Liệu trình châm cứu 20 – 30 phút, ngày 1 lần, từ 7 – 10 ngày một liệu trình. Có thể châm cứu thành nhiều liệu trình.
Ngoài ra, có thể kết hợp châm cứu với các phương pháp điều trị khác như điện châm, laser châm, thuỷ châm, cấy chỉ,…
Bài thuốc điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ
Dưới đây là một số bài thuốc điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mà bạn có thể tham khảo:
Bài thuốc Lục quân tử thang gia giảm (dùng trong thể đàm thấp). Thành phần: Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, chích Cam thảo 4g, Trần bì 8g, Bá hạ 8g.
Bài thuốc Quy tỳ thang gia giảm (dùng trong thể tâm tỳ hư). Thành phần: Đảng sâm 12g, Táo nhân 12g, Hoàng kỳ (chích) 12g, Mộc hương 6g, Bạch truật 12g, Nhãn nhục 12g, Sinh khương 4g, Cam thảo (chích) 4g, Đại táo 12g, Viễn chí 6g.
Bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang gia giảm (dùng trong thể khí huyết ứ trệ). Thành phần: Xuyên khung 12g, Xích thược 12g, Đương quy 12g, Đào nhân 8g, Sinh địa 16g, Hồng hoa 8g, Sài hồ 8g, Ngưu tất 12g, Chỉ xác 8g, Cam thảo (chích) 4g, Cát cánh 8g.
Bài thuốc Lục vị địa hoàng thang gia giảm (dùng trong thể can thận âm hư). Thành phần: Thục địa 20g, Bạch linh 12g, Hoài sơn 15g, Trạch tả 8g, Sơn thù 15g, Đương quy 12g, Đơn bì 12g, Bạch thược 8g.
Bài thuốc Sinh mạch tán gia giảm (dùng trong thể thận dương hư). Thành phần: Đảng sâm 16g, Hoàng kỳ 12g (chích), Mạch môn 12g, Ngũ vị tử 4g, Cam thảo (chích) 4g.
Phòng bệnh thiếu máu cơ tim
Thay đổi lối sống và cân bằng chế độ dinh dưỡng là một trong những việc quan trọng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Để có trái tim khỏe mạnh, bạn cần:
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng. Cần hạn chế chất béo bão hòa, ưu tiên các loại thức ăn thực vật.
Tập thể dục đều đặn.
Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc lá. Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích,…
Quản lý cân nặng ở mức hợp lý, tránh dư cân, béo phì.
Kiểm soát tốt các bệnh khác như tiểu đường, cholesterol cao hoặc bệnh huyết áp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tim hoặc những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Trên đây là một số phương pháp đông y điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ. Áp dụng các phương pháp đông y điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, người bệnh cần thăm khám kỹ lưỡng tại các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn trước khi áp dụng điều trị.