Quy trình khám vô sinh ở nữ diễn ra như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 03/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/12/2023
Quy trình khám vô sinh ở nữ diễn ra như thế nào?
Quy trình khám vô sinh ở nữ diễn ra như thế nào? - Ảnh: BookingCare
Quy trình khám vô sinh ở nữ giới thực hiện qua các bước hỏi bệnh, khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng trước khi chẩn đoán xác định. Cùng BookingCare tìm hiểu về quy trình khám vô sinh nữ qua bài viết dưới đây. 

Tỷ lệ vô sinh hay hiếm muộn của các cặp vợ chồng ở Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa và tăng cao ở mức báo động. Đồng thời sự thiếu hiểu biết về quy trình khám vô sinh cũng như các phương pháp hỗ trợ sinh sản khiến nhiều cặp vợ chồng mất đi quyền làm bố mẹ. Vậy quy trình khám vô sinh ở nữ giới như thế nào? Tất cả sẽ được BookingCare giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây. 

Nguyên tắc khám vô sinh ở nữ giới

Khám vô sinh ở nữ giới như thế nào là chủ đề được nhiều chị em quan tâm. Việc tiếp cận sớm các bước khám và thăm dò chẩn đoán giúp tăng cơ hội điều trị thành công và giảm chi phí điều trị. Dù khám vô sinh ở nam hay nữ giới đều cần phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản sau:

  • Vô sinh chỉ được chẩn đoán khi thăm khám cả hai vợ chồng.
  • Trong quá trình khám cần đảm bảo quyền riêng tư cá nhân và kín đáo.
  • Để chẩn đoán vô sinh cũng như căn nguyên gây bệnh, bác sĩ cần hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng và chỉ định xét nghiệm phù hợp.
  • Nữ giới nên đi thăm khám khi sạch chu kỳ kinh khoảng 1 – 2 ngày và không nên quan hệ tình dục từ đầu chu kỳ kinh đó.

Quy trình khám vô sinh ở nữ giới

Khám vô sinh được thực hiện theo trình tự chuẩn y khoa để đảm bảo kết quả chính xác nhất. Bởi việc chẩn đoán xác định vô sinh có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý cũng như chất lượng sống của các cặp vợ chồng.

Bước 1: Hỏi bệnh

Hỏi bệnh sử là bước cơ bản đầu tiên nhằm khai thác thông tin về các cặp vợ chồng. Điều này giúp bác sĩ đánh giá các yếu tố nguy cơ cũng như định hướng nguyên nhân gây bệnh và đưa ra chỉ định xét nghiệm phù hợp.

Những câu hỏi thường gặp khi thăm khám vô sinh như:

  • Tuổi, nghề nghiệp và địa chỉ. Theo các nghiên cứu y khoa, khả năng sinh sản đạt đỉnh cao ở khoảng từ 20 – 25 tuổi và giảm dần sau 30 tuổi ở phụ nữ.
  • Thời gian mong muốn có con cũng như quá trình điều trị trước đây.
  • Khai thác tiền sử sản khoa của người phụ nữ như số lần mang thai, số lần thai lưu? Đã từng nạo phá thai chưa? Các bệnh lý phụ khoa đã nhiễm? Đã từng phẫu thuật vùng tiểu khung chưa?...
  • Tần suất quan hệ của vợ chồng và những khó khăn khi quan hệ? Đây là vấn đề tế nhị nên nhiều chị em cảm thấy khó chịu khi bị hỏi. Tuy nhiên điều này cực kỳ quan trọng, nó quyết định phần lớn khả năng có thai tự nhiên hay không.
  • Một số dấu hiệu vô sinh nữ liên quan đến tuổi bắt đầu hành kinh, tính chất kinh nghiệm, thời gian của mỗi chu kỳ kinh, lượng kinh và các triệu chứng khi hành kinh.
Hỏi bệnh và khai thác tiền sử giúp bác sĩ định hướng các vấn đề bạn gặp phải - Ảnh: Pixabay
Hỏi bệnh và khai thác tiền sử giúp bác sĩ định hướng các vấn đề bạn gặp phải - Ảnh: Pixabay

Bước 2: Khám lâm sàng

Sau khai thác tiền sử, bệnh sử, bác sĩ sẽ định hướng cơ bản chẩn đoán bệnh và tiến hành thăm khám lâm sàng để đánh giá thêm. Đối với người vợ, quá trình khám gồm:

  • Đánh giá toàn thân: Tầm vóc, tính chất sinh dục như lông, tóc, lông mu, lông nách, sự phát triển của vú, âm đạo, môi lớn, môi bé. Bởi nếu phụ nữ có chiều cao 1m45 tỷ lệ sinh khó cao hơn hay những người có lông, tóc thừa thì hàm lượng hormone sinh dục thấp,… Đây đều là những yếu tố nguy cơ gây khó thụ thai.
  • Khám phụ khoa: gồm quan sát qua mỏ vịt, thăm âm đạo và khám bụng. Bước này giúp bác sĩ đánh giá sơ bộ cấu trúc đường sinh dục và tình trạng viêm nhiễm, các khối u bất thường. Vùng kín người phụ nữ được đánh giá chủ yếu dựa vào tình trạng chế tiết cổ tử cung, độ sạch, sự phát triển của niêm mạc âm đạo, mùi,… 

Quá trình thăm khám này có thể phát hiện được một số bệnh lý gây vô sinh thường gặp ở nữ như cổ tử cung ngắn, tử cung gập về một phía hay viêm âm đạo,…

Bước 3: Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm cận lâm sàng có giá trị hỗ trợ xác định chẩn đoán vô sinh và nguyên nhân gây vô sinh nữ. Ở những phụ nữ nghi ngờ vô sinh cần làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu như:

Xét nghiệm máu gồm: 

  • Tổng phân tích tế bào máu
  • Xét nghiệm các chỉ số hormone sinh dục (Estrogen, progesterone), hormone AMH, nội tiết thai nghén (Beta hCG), nội tiết tố hướng sinh dục (LH, FSH),…
  • Dựa vào cơ chế feedback ngược của hormone sinh dục, các thử nghiệm nội tiết được tiến hành đánh giá chức năng của vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng khi có nghi ngờ bất thường.
Bác sĩ chỉ định một số cận lâm sàng khi khám vô sinh nữ - Ảnh: Pixabay
Bác sĩ chỉ định một số cận lâm sàng khi khám vô sinh nữ - Ảnh: Pixabay

Chẩn đoán hình ảnh: 

  • Siêu âm ổ bụng
  • Siêu âm tử cung buồng trứng qua ngã âm đạo
  • Chụp phim tử cung vòi trứng
  • Chụp cộng hưởng từ
  • Chụp cắt lớp vi tính,… 

Các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung như xét nghiệm Pap cổ điển, xét nghiệm sàng lọc HPV. 

Đây là những xét nghiệm cơ bản có thể cung cấp các thông tin tương đối đầy đủ để đánh giá khả năng sinh sản của nữ giới. Tuy nhiên có một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ có chỉ định hẹn tái khám để theo dõi, đánh giá thêm. Ví dụ bất thường niêm mạc tử cung, nghi ngờ quá sản niêm mạc tử cung sẽ được hẹn tái khám vào ngày 21 chu kỳ kinh để theo dõi và làm thêm xét nghiệm nếu cần.  

Trên đây là những thông tin hữu ích về quy trình khám vô sinh ở nữ giới mà BookingCare muốn chia sẻ tới bạn đọc.  Hãy thường xuyên thăm khám để được kiểm tra, tư vấn và điều trị tốt nhất các vấn đề liên quan đến sinh sản nữ giới.