Răng khôn mọc lệch: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Răng khôn mọc lệch: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Dấu hiệu răng khôn mọc lệch
Răng khôn mọc lệch có thể thấy một hoặc hai núm răng lộ ra khỏi lợi, bờ lợi có thể sưng kèm đỏ - Ảnh BookingCare

Răng khôn mọc lệch: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 04/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 20/04/2024
Răng khôn mọc lệch là tình trạng mọc bất thường về trục, hướng và vị trí của răng khôn, làm cho răng không có chức năng ăn nhai và có thể gây biến chứng. Khi đó cần phải nhổ bỏ răng khôn càng sớm càng tốt để dự phòng biến chứng nguy hiểm. 

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến bất thường về trục, hướng và vị trí của răng khôn là thiếu khoảng trên xương hàm do sự bất tương xứng về kích thước giữa răng và xương hàm, hoặc có yếu tố cản trở răng mọc ở vị trí đúng: lợi xơ, u xương hàm,….

Triệu chứng nhận biết răng khôn mọc lệch

Tùy trường hợp răng mọc bất thường về trục, hướng, vị trí mà có thể có các dấu hiệu dưới đây:

  • Răng lệch trục
    • Răng khôn hàm dưới thường có trục lệch gần hoặc lệch về phía má ở các mức độ khác nhau.
    • Răng khôn hàm trên thường lệch phía ngoài.

Răng mọc lệch phía ngoài cung hàm rất khó vệ sinh, do đó dễ bị sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu. 

  • Răng có thể bị kẹt bởi cổ răng hàm lớn thứ hai, mặt nhai răng khôn có thể không chạm mặt phẳng cắn. Trong trường hợp này có thể gây  đọng thức ăn ở vùng răng khôn và nếu không vệ sinh kỹ có thể làm người bệnh cảm thấy khó chịu, hôi miệng và viêm nhiễm xung quanh răng khôn. 
  • Các dấu hiệu tổn thương răng kế cận: thường có tổn thương sâu mặt xa răng hàm lớn thứ hai. Nếu tình trạng sâu răng ở mặt xa không được phát hiện sớm và điều trị sẽ có nguy cơ gây viêm tủy với triệu chứng đau nhức răng dữ dội, đau nhiều về đêm gây mất ngủ. 
  • Khi có biến chứng viêm quanh thân răng hoặc các viêm nhiễm khác thì có các biểu hiện:
    • Đau tự nhiên, khá dữ dội vùng góc hàm.
    • Có thể có sốt.
    • Bệnh nhân khó há miệng nhẹ, ăn nhai đau….
    • Vùng sau răng 7 lợi nề đỏ có thể lan ra trụ trước amidan và ngách tiền đình, có thể có viêm loét ở niêm mạc vùng lân cận.
    • Lợi ấn đau, chảy mủ.
    • Có thể thấy một hoặc hai núm răng lộ ra khỏi lợi, bờ lợi có thể loét nhẹ.
    • Có hạch dưới hàm.

Phương pháp chẩn đoán răng khôn mọc lệch 

Rất nhiều người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi thường đến khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt vì tình trạng đau nhức ở vùng răng phía sau cùng.

Nếu nghi ngờ răng khôn đang mọc hoặc mọc ngầm, mọc lệch bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và chỉ định chụp phim Xquang để đánh giá tình trạng răng khôn.

Một số phim chụp có thể đánh giá được tình trạng của răng khôn là phim Panorama, phim hàm dưới chếch, Conebeam CT. Phim tia X giúp khảo sát: 

  • Có hình ảnh răng mọc lệch trục, hướng và vị trí.
  • Có thể có hình ảnh tổn thương mất mô cứng mặt xa răng hàm lớn thứ hai.

Phương pháp điều trị răng khôn mọc lệch

Răng khôn có thể mang lại phiền toái và đau đớn cho rất nhiều người nếu như chúng mọc bất thường. Hầu hết răng khôn đều phải nhổ, dù sớm hay muộn.

Theo kết quả điều tra của Tổ chức Chăm sóc răng miệng Hoa Kỳ, ước tính tới nay có khoảng 85% răng khôn phải nhổ bỏ thay vì tồn tại đến hết quãng đời.

Nguyên tắc điều trị 

  • Khi đã xác định được răng khôn hàm dưới mọc lệch thì nên nhổ bỏ càng sớm càng tốt để không làm mất xương phía xa răng hàm lớn thứ hai.
  • Lấy răng khôn ra khỏi huyệt ổ răng mà không làm tổn thương răng kế cận. Trường hợp cần thiết, phải cắt thân răng hoặc phối hợp với chia tách chân răng.
  • Trong một số trường hợp phải tạo vạt niêm mạc và mở xương để lấy răng.

Điều trị cụ thể

  • Đối với răng khôn mọc lệch không có biến chứng: Răng khôn mọc lệch không có chức năng ăn nhai nhưng có khả năng gây nhồi nhét thức ăn khó chịu nên cần phải nhổ càng sớm càng tốt, nhổ sớm giúp bảo vệ răng hàm lớn thứ hai tránh khỏi mất xương ở phía xa chân răng, sâu cổ răng,... 
  • Đối với răng khôn lệch đã có biến chứng: Cần điều trị biến chứng viêm quanh thân răng cấp hoặc nhiễm trùng khác với kháng sinh toàn thân kết hợp bơm rửa túi quanh răng. Sau khi hết giai đoạn nhiễm trùng cấp tính thì điều trị nhổ răng khôn lệch. 

Một số phương pháp nhổ răng khôn hiện nay

Nhổ răng khôn là nỗi sợ của rất nhiều người vì sau nhổ có thể sưng đau kéo dài khoảng một tuần làm ảnh hưởng không ít đến học tập và công việc.

Mức độ sưng đau sau nhổ răng khôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là: mức độ mở xương hàm để giải phóng răng mọc lệch, thời gian nhổ răng khôn, trình độ phẫu thuật của bác sĩ,... 

So với phương pháp nhổ răng truyền thống là dùng mũi khoan để mở xương và tạo điểm bẩy để nhổ răng khôn thì phương pháp áp dụng công nghệ hiện đại để nhổ răng khôn đem lại hiệu quả cao và giảm tình trạng sưng đau sau điều trị. Đó là công nghệ nhổ răng không đau bằng máy nhổ răng không sang chấn Piezotome.

Máy sử dụng các đầu mũi siêu âm chuyên dụng, tác động lực rung liên tục với các biên độ khác nhau di chuyển quanh chân răng làm đứt dây chằng nha chu và giúp lấy răng ra một cách nhẹ nhàng.

Tóm lại, răng khôn mọc lệch không những gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng như: viêm quanh thân răng cấp, gây tổn thương răng hàm lớn thứ hai, áp xe vùng má, vùng cơ cắn, vùng dưới hàm, viêm tấy tỏa lan vùng hàm mặt và nặng nhất là nhiễm trùng huyết. Do đó, khi nhận biết hoặc nghi ngờ bản thân có  răng khôn mọc lệch thì cần phải khám, tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết