Rối loạn kinh nguyệt điều trị bằng Y học cổ truyền như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 29/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/12/2024
Điều trị rối loạn kinh nguyệt
Điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng Y học cổ truyền - Ảnh: BookingCare
Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, gây ra nhiều phiền toái cho chị em phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày. Điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng Y học cổ truyền là phương pháp đem lại hiệu quả và được nhiều chị em tin tưởng lựa chọn.

Rối loạn kinh nguyệt tuy không phải là bệnh lý cấp tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm, lâu ngày sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Hãy cùng tham khảo  Y học cổ truyền điều trị rối loạn kinh nguyệt như thế nào? Có hiệu quả không? Cần lưu ý gì khi điều trị qua bài viết dưới đây.

Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt là sự biến đổi về cấu trúc, chức năng của niêm mạc tử cung dẫn tới sự chảy máu có chu kỳ ở niêm mạc tử cung dưới tác dụng của các hormon tuyến yên và buồng trứng.

Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt được tính bằng khoảng thời gian giữa hai ngày chảy máu đầu tiên của hai chu kỳ kế tiếp nhau. Ở phụ nữ Việt Nam, độ dài chu kỳ kinh nguyệt là 28 -  30  ngày, chu kỳ bình thường khoảng 24 - 38 ngày. Lượng máu mất trung bình là 40 - 100 ml. Thời gian chảy máu trung bình mỗi chu kỳ là 3 - 8 ngày. 

Bất kỳ nguyên nhân nào làm thay đổi các chỉ số của một chu kỳ hành kinh bình thường sẽ gây nên rối loạn kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chức năng sinh sản của phụ nữ mà còn gây ảnh hưởng đến tinh thần, sinh hoạt hằng ngày của phụ nữ. 

Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt như thế nào?

Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm bất thường về thời gian, lượng máu, tính chất máu kinh nguyệt và có thể có một số triệu chứng đi kèm khác. Những rối loạn này có thể xảy ra do bệnh lý hoặc do thay đổi điều kiện môi trường sống.

Một số rối loạn thường gặp cụ thể như:

  • Thay đổi về chu kỳ hành kinh
    • Kinh nguyệt trước kỳ: có kinh sớm hơn 7 ngày
    • Kinh nguyệt sau kỳ: có kinh muộn hơn 7 ngày, có thể kéo dài cả tháng.
    • Kinh nguyệt không đều: khoảng thời gian giữa 2 chu kỳ kéo dài hoặc chỉ vài ngày
  • Thay đổi về số ngày có kinh và lượng máu
    • Rong kinh: số ngày có kinh hơn 7 ngày
    • Thiểu kinh: số ngày có kinh < 2 ngày và lượng máu < 40ml 
    • Băng kinh (cường kinh): lượng máu > 120ml và kéo dài ngày.
  • Thay đổi về tính chất máu kinh: Bình thường máu kinh là máu không đông, màu đỏ thẫm. Khi có bất thường máu có thể có máu đỏ nâu, đen và lẫn máu đông.
  • Các triệu chứng đi kèm 
    • Đau bụng kinh (thống kinh): có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng bụng dưới, liên tục hoặc từng cơn trong những ngày hành kinh.
    • Đau mỏi thắt lưng
    • Mệt mỏi
    • Đầy bụng, khó tiêu, ăn không ngon.
    • Căng tức ngực, có thể chảy sữa non,...

Rối loạn kinh nguyệt trong Y học cổ truyền?

Bệnh danh 

Trong Y học cổ truyền, rối loạn kinh nguyệt thuộc phạm vi nhiều chứng bệnh như: Bế kinh (không có kinh nguyệt), Thống kinh (đau bụng kinh), Nguyệt thủy quá đa (Cường kinh), Băng trung lậu hạ (Rong kinh), Kinh trễ, Kinh loạn,... có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như huyết hư, huyết nhiệt, huyết ứ, khí hư, khí huyết lưỡng hư,... từ đó gây ra các triệu chứng khác nhau về số ngày, lượng máu, tính chất máu kinh.

Cơ chế bệnh sinh

Đối với người phụ nữ thì bào cung (tử cung) là cơ quan chủ việc kinh nguyệt, nơi bắt nguồn của hai mạch Xung, Nhâm và được điều hòa sơ tiết bởi Tạng Can. Mạch Xung là bể của huyết, mạch Nhâm chủ về bào thai. Khí huyết của hai mạch này có đầy đủ thì kinh nguyệt mới đều. 

Theo sách Nội kinh thường đời người con gái có 7 thiên quý, năm 14 tuổi là thời điểm thiên quý đến, mạch nhâm thông, mạch xung thịnh vì vậy thấy có kinh nguyệt và có khả năng sinh con đẻ cái. Đến năm 49 tuổi thiên quý cạn kiệt, mạch nhâm xung yếu, kinh nguyệt không còn.

Chu kỳ kinh nguyệt thường bị ảnh hưởng do:

    • Nội nhân: tâm lý, tình cảm bị kích thích quá mạnh
    • Ngoại nhân: tà khí từ bên ngoài xâm phạm vào cơ thể
    • Nội thương: tổn thương công năng của các tạng phủ trong cơ thể
    • Bất nội ngoại nhân: do ăn uống, chế độ lao động, sinh hoạt hằng ngày

Y học cổ truyền điều trị rối loạn kinh nguyệt như thế nào? 

Điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng Y học cổ truyền thường mang lại hiệu quả đối với rối loạn kinh nguyệt giai đoạn đầu và do nguyên nhân sinh lý gây ra. Cùng điểm qua một số phương pháp thường được sử dụng dưới đây.

Điều trị không dùng thuốc

  • Châm cứu: có thể sử dụng các huyệt toàn thân để bổ khí huyết (Huyết hải, Khí hải, Tam âm giao, Can du, Quan nguyên) hoặc sử dụng các huyệt điều trị theo từng triệu chứng.
  • Xoa bóp bấm huyệt: thường có hiệu quả đối với những trường hợp rối loạn kinh nguyệt nhẹ giúp lưu thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết  hoặc nhằm giảm bớt các triệu chứng đi kèm như đau bụng kinh, đau lưng,... Người bệnh có thể xoa nhẹ vùng bụng dưới hoặc có thể bấm các huyệt như Huyết hải, Tam âm giao, Thận du, Quan nguyên,...

Điều trị dùng thuốc

Dựa trên nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của từng thể bệnh trong Y học cổ truyền và tình trạng bệnh nhân mà có thể lựa chọn các bài thuốc khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc thường được sử dụng

  • Tứ vật thang: Hoạt huyết hành khí, bổ huyết, dưỡng can thận, điều hòa kinh nguyệt. Trị chứng huyết hư, huyết ứ gây đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều.
  • Tiểu sài hồ thang: Điều hòa tỳ vị, sơ can. Trị chứng rối loạn kinh nguyệt do căng thẳng, số ngày của chu kỳ kinh rối loạn.
  • Thanh hóa ẩm: Hoạt huyết, bổ huyết, dưỡng huyết. Trị chứng kinh đến sớm, lượng kinh nhiều, có mùi khó chịu.

Lưu ý khi điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng Y học cổ truyền

  • Nên đến các cơ sở y tế để thăm khám kỹ càng trước khi điều trị, để tránh bỏ sót các nguyên nhân do bệnh khác gây ra làm ảnh hưởng tới kinh nguyệt như u xơ tử cung, bệnh lý tuyến giáp, rối loạn đông máu,... tránh tự ý mua thuốc khi chưa được bác sĩ kê đơn.
  • Tuân thủ điều trị, sắc thuốc đúng cách và đúng liều lượng.
  • Thường các phương pháp sẽ không có hiệu quả tức thì nên cần kiên trì trong suốt quá trình điều trị.
  • Bên cạnh việc điều trị cần chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, luyện tập để đảm bảo sức khỏe, tránh căng thẳng, lo lắng làm nặng hơn tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Rối loạn kinh nguyệt là bệnh lý thường gặp của phụ khoa với nhiều biểu hiện khác nhau và với nhiều phương pháp điều trị. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho chị em những cách điều trị bằng Y học cổ truyền để nhanh chóng cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết