Thống kinh (đau bụng trong thời kỳ hành kinh) là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất ở phụ nữ, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hiện nay có nhiều phương pháp tây y điều trị thống kinh, bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, đặt vòng,... Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có thể không muốn sử dụng các phương pháp điều trị này do lo ngại về tác dụng phụ hoặc không thấy hiệu quả.
Y học cổ truyền đã được sử dụng để điều trị thống kinh trong nhiều thế kỷ. Các bài thuốc Đông y thường được sử dụng để điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, cải thiện các triệu chứng khác của thống kinh và tăng cường sức khỏe cho người bệnh.
Tìm hiểu bệnh thống kinh theo Đông y
Thống kinh là hiện tượng đau bụng khi hành kinh, có thể kèm theo các triệu chứng chuột rút, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, chóng mặt,...
Theo YHCT đau bụng kinh là sự ngăn trở vận hành khí và huyết. Vì kinh nguyệt là do huyết hóa ra mà huyết lại tùy vào khí để vận hành, do đó khi khí huyết thuận hòa, sung túc thì không gây đau bụng khi hành kinh, nhưng khi khí huyết suy kém hoặc ứ trệ sẽ làm kinh xuống không thông gây hiện tượng đau bụng kinh (thống tắc bất thông).
Các nguyên nhân gây thống kinh theo đông y rất đa dạng, có thể kể đến như:
- Khí trệ: Do căng thẳng, stress, lo âu, buồn phiền,... khiến khí huyết lưu thông không tốt, dẫn đến co thắt cơ trơn tử cung gây đau bụng.
- Huyết ứ: Do chức năng tỳ, can (gan) kém, ứ trệ huyết ở vùng bụng dưới, gây đau bụng khi hành kinh.
- Thận hư: Do thiếu hụt khí huyết, thận không đủ năng lượng để điều hòa kinh nguyệt, dẫn đến đau bụng, rong kinh,,...
- Can khí uất: Do tâm trạng buồn phiền, uất kết, ảnh hưởng đến khí huyết, gây đau bụng.
Có nên điều trị bệnh thống kinh theo Đông y
Ưu điểm:
- An toàn, ít tác dụng phụ.
- Hiệu quả cao trong điều trị các nguyên nhân gây thống kinh theo Đông y.
- Giúp điều hòa kinh nguyệt, cải thiện các triệu chứng rong kinh, rong kinh,...
- Tăng cường sức khỏe, bồi bổ khí huyết.
Nhược điểm:
- Hiệu quả điều trị có thể chậm hơn so với Tây y.
- Cần kiên trì sử dụng bài thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Cần lựa chọn bài thuốc phù hợp với nguyên nhân gây bệnh.
Y học cổ truyền điều trị thống kinh như thế nào?
Y học cổ truyền điều trị thống kinh bằng các bài thuốc
Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà đông y chia thống kinh thành các thể bệnh khác nhau, mỗi thể bệnh lại được điều trị bằng các bài thuốc riêng.
- Thể Phong hàn:
- Bệnh nhân khi hành kinh bụng dưới lạnh, đau nhiều, máu kinh có hòn cục màu đen. Đau bụng trong khi hành kinh kèm đau lưng, đau cứng cổ gáy, sợ lạnh. Gặp lạnh đau bụng tăng, giảm khi chường nóng.
- Thể này sử dụng bài thuốc “Ôn kinh thang” gồm các vị: Quế chi, Sinh khương, Đương quy, Xuyên khung, Thược dược, Ngưu tất, Đơn bì, Cam thảo.
- Thể can uất khí trệ, huyết ra không thông:
- Bệnh nhân trước khi đến kỳ kinh hoặc khi đang hành kinh bụng dưới nặng, đau, lượng kinh có thể nhiều hoặc ít, máu kinh tím tối, có hòn cục, hai mạng sườn đau, trước khi ra kinh thường có hiện tượng vú căng đau, đau đầu hoặc nửa bên đầu, mạch huyền.
- Bài thuốc thường dùng là “Tiêu thống phương”: sài hồ 6g, bạch thược 12g, khổ luyện tử 12g, huyền hồ sách 12g, hương phụ (chế) 12g, ngũ linh chi 12g, uất kim 8g, đương quy 12g, bồ hoàng 12g.
- Nếu kinh nguyệt đến trước kỳ, lượng kinh ra nhiều: màu đỏ gia đan bì 8g, hắc chi tử 8g, xuyến thảo 8g, hoàng cầm 6g. Nếu kinh ra có hòn cục, màu đỏ thẫm, gia đan sâm 12g, trạch lan (lá mần tưới) 12g.
- Nếu bụng trướng, lạnh và đau, gia ngô thù du 6g, quế chi 8g, sài hồ giảm xuống 3g, uất kim giảm xuống 6g.
- Nếu trước khi hành kinh hai bầu vú căng đau gia, thanh bì 6g, quất diệp 6g, quất hạch 4g.
- Thể bệnh do khí trệ huyết ứ lâu ngày sinh chứng thống kinh:
- Bệnh nhân khi hành kinh máu ra nhiều, có máu cục đen, bụng đau dữ dội.
- Bài thuốc hay dùng là “Hoạt huyết tán ứ thang”: quy vĩ 12g, lưu ký nô 12g, tô mộc 12g, đan bì 8g, xích thược 12g, huyền hồ sách 12g, ô dược 12g, xuyên khung 8g, sinh địa 8g, nhục quế 6g.
- Thể bệnh thống kinh có kiêm chứng âm hư huyết nhiệt:
- Bệnh nhân người nóng, lòng bàn chân bàn tay nóng, khô miệng, khát nước. Day ấn vào bụng dễ chịu. Tinh thần uể oải, đoản khí, tiếng nói yếu.
- Thể này dùng bài “Lý khí hóa ứ thang” để điều trị. Bài thuốc gồm phúc bồn tử, nữ trinh tử, hạn liên thảo đều 24g, thích tật lê 18g, đương quy, câu đằng, sinh bồ hoàng, huyền hồ sách, sinh địa, ngũ linh chi, giá trùng đều 10g, sinh bạch thược, giới bạch đều 12g, xuyên khung, thủy điệt, tân lang đều 6g.
- Thể bệnh do hàn ngưng tụ sinh chứng đau bụng kinh:
- Bệnh nhân khi hành kinh bụng dưới lạnh, đau nhiều, máu kinh có hòn cục màu đen.
- Thể này dùng bài “Điền thất thống kinh giao” điều trị. Bài thuốc gồm: tam thất bột 12g, xuyên khung 8g, ngũ linh chi (sao dấm) 12g, tiểu hồi hương 12g, huyền hồ sách 12g, bồ hoàng 12g, mộc hương 6g, đại mạch 12g.
- Thể bệnh do dương hư âm thịnh khí huyết ngưng tụ sinh chứng thống kinh:
- Bệnh nhân có kỳ kinh đến muộn, lượng kinh ít, bụng đau nhiều, chân tay lạnh, sắc mặt nhợt, có trường hợp buồn nôn, nôn, tự ra mồ hôi.
- Thể này dùng bài “Hàn ngưng thống kinh nghiệm phương” để điều trị. Nếu bệnh nhân không nôn, bụng dưới đau, chướng, bỏ ngô thù du, can khương, gia tiểu hồi hương 5g, tân lang 12g. Nếu bệnh nhân lạnh, đau lâu ngày không khỏi gia xuyên ô (chế) 5g.
- Thể bệnh do trung tiêu hư hàn, làm khí ngưng huyết trệ thống kinh:
- Bệnh nhân khi hành kinh bụng đau, chướng, mỏi lưng, ăn kém, nôn, lượng kinh ít.
- Thể này dùng bài “Ôn trung điều lý phương” để điều trị. Bài thuốc gồm Can khương 5g, nhũ hương 10g, một dược 10g, hồng hoa 15g, đào nhân 10g, huyền hồ sách 30g, hương phụ (chế) 12g, nhục quế 6g, hậu phác 10g, tam lăng 10g, nga truật 10g, mộc hương 9g, ô dược 10g, ích mẫu 30g, trầm hương 10g, chỉ thực 9g, xuyên khung 9g.
- Thể Can Thận âm hư:
- Đau bụng dưới sau hành kinh, đau lan vùng thắt lưng. Sắc kinh nhạt, lượng ít. Lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng
- Thể này dung bài “Điều Can thang” để điều trị. Bài thuốc bao gồm: Đương quy (12g), Hoài sơn (12g), Sơn thù (12g), A giao (06g), Bạch thược (10g), Cam thảo (06g).
Cách dùng các bài thuốc: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.
Ngoài ra có nghiên cứu Bài thuốc Ôn kinh thang, bài thuốc kinh điển trong điều trị thống kinh, đã được chứng minh cơ chế trên thực nghiệm làm giảm co thắt cơ tử cung, đối kháng PGF2α và acetylcholine.
Tổng hợp kết quả từ 18 thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên với 1736 bệnh nhân thống kinh nguyên phát, Ôn kinh thang làm cải thiện triệu chứng lâm sàng, giảm đau tốt hơn NSAIDs (thuốc giảm đau không steroid).
Hương liệu pháp cũng được áp dụng tại nhiều quốc gia trong điều trị thống kinh nguyên phát như Hàn Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập.
Các phương pháp không dùng thuốc
- Châm cứu: Kích thích các huyệt vị trên cơ thể giúp giảm đau, điều hòa khí huyết, cải thiện tình trạng thống kinh. Một số huyệt đặc hiệu như: Trung cực, Địa cơ và Thứ liêu. Mệnh môn, Thận du, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý. Tùy vào thể bệnh mà chọn các huyệt cho phù hợp.
- Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp vùng bụng dưới giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp, tăng cường lưu thông máu.
- Tập thể dục: Tập luyện các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ,... giúp tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, cải thiện tình trạng thống kinh.
Lưu ý khi chữa bệnh thống kinh theo đông y
- Cần kiên trì sử dụng bài thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc phối hợp các bài thuốc khác nhau.
- Cần kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
Phòng ngừa bệnh thống kinh
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây.
- Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá,...
Chữa thống kinh bằng Đông y là phương pháp an toàn, hiệu quả và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, cần lựa chọn bài thuốc phù hợp và sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất.