Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Có nguy hiểm không? - Ảnh: BookingCare

Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Có nguy hiểm không?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 29/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 29/11/2023
Biến chứng giảm tiểu cầu là một trong những vấn đề cần theo dõi và đáng lo ngại nhất khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Vì có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được can thiệp kịp thời

Theo WHO, giảm tiểu cầu là một tiêu chí để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sốt xuất huyết. Giảm tiểu cầu là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Khi bị giảm tiểu cầu, người bệnh sẽ có biểu hiện xuất huyết, khả năng đông máu và chống lại nhiễm trùng của cơ thể sẽ bị giảm đi.

Vậy sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Tình trạng này có nguy hiểm không và cần xử trí như thế nào khi bị giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra với những triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết dưới da,... Và một trong những biến chứng bệnh sốt xuất huyết gây ra phổ biến đó là tình trạng giảm tiểu cầu.

Tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy…

Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 – 20 G/L.

Thông thường, tình trạng giảm tiểu cầu khi bị sốt xuất huyết sẽ xảy ra vào giai đoạn nguy hiểm (ngày thứ 4 - 7 kể từ khi phát bệnh) và dần trở lại bình thường vào giai đoạn hồi phục (ngày thứ 8 - 9 kể từ khi phát bệnh).

Dấu hiệu của sốt xuất huyết giảm tiểu cầu

Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi.

Các biểu hiện của giảm tiểu cầu hết sức đa dạng từ nhẹ đến nặng:

  • Xuất huyết dưới da: các chấm xuất huyết rải rác hoặc ở cẳng tay cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng…
  • Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn.
  • Xuất huyết nặng:
    • Thoát huyết tương qua thành mạch, kéo theo mất nước
    • Chảy máu mũi nặng
    • Ra máu âm đạo nặng
    • Xuất huyết trong cơ và phần mềm
    • Xuất huyết nội tạng (dạ dày, gan, lách, phổi, thận…), xuất huyết não
    • Xuất huyết kèm tình trạng sốc, vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh, tiểu ít…
    • Suy hô hấp, suy tim, gan hoặc các cơ quan khác.

Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là tình trạng nguy hiểm cần phải được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách. Người bệnh cần nhập viện để được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.

Bình thường, người bị sốt xuất huyết có cơn sốt kéo dài đi kèm triệu chứng nhức mỏi toàn thân, đau đầu, nôn,... Nặng hơn, sốt xuất huyết giảm tiểu cầu sẽ gây thoát huyết tương, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể. Nghiêm trọng nhất là tiểu cầu giảm do sốt xuất huyết làm giảm huyết áp về mức cực nguy hiểm, người bệnh bị sốc và có thể tử vong.

Cần làm gì khi bị sốt xuất huyết giảm tiểu cầu?

Để biết được chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết có giảm tiểu cầu hay không thì cần làm xét nghiệm công thức máu.

Với bệnh nhân sốt xuất huyết, theo khuyến cáo tiểu cầu dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà thì nên vào viện ngay. Hoặc trường hợp bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan… cũng cần đi khám ngay.

Ngoài điều trị triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ theo dõi số lượng tiểu cầu thường xuyên và trong các trường hợp cần thiết cần tăng tiểu cầu sẽ chỉ định thuốc hoặc truyền tiểu cầu.

Khi gặp tình trạng sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh nhân không nên quá lo lắng mà hãy giữ vững tâm lý, điều trị theo chỉ định, phác đồ của bác sĩ. 

Trên đây là những thông tin về sốt xuất huyết giảm tiểu cầu. Hy vọng rằng các thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong việc hiểu rõ hơn về căn bệnh này, kịp thời thăm khám tránh những biến chứng không đáng có.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare