Xuất bản: 02/09/2020 | Cập nhật lần cuối: 14/07/2022
Cung cấp những thông tin về bệnh tăng huyết áp: triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị, biến chứng, khám với bác sĩ nào tốt...
BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là một bệnh rất thường gặp và là một vấn đề xã hội. Ở các nước phát triển, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn (> 18 tuổi) là khoảng gần 30% dân số và hơn một nửa dân số trên 50 tuổi có tăng huyết áp.
Năm 2000 thế giới có khảng 972 triệu người mắc tăng huyết áp, dự báo đến năm 2025 con số này tăng lên khoảng 1,56 tỷ người.
Theo các chuyên gia tim mạch, tăng huyết áp nguy hiểm bởi các biến chứng không chỉ gây chết người mà còn để lại những di chứng nặng nề (tai biến mạch máu não), ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Thế nào là tăng huyết áp (cao huyết áp)
Huyết áp của người lớn bình thường duy trì ở mức dưới 120/80 mmHg. Tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
(Bảng phân độ tăng huyết áp theo Hội Tim mạch Việt Nam năm 2007)
Phân loại
Huyết áp tâm thu (HATT/mmHg)
Huyết áp tâm trương (HATTr/mmHg)
Huyết áp tối ưu
<120
<80
Huyết áp bình thường
<130
<85
Huyết áp bình thường cao
130 - 139
85 - 89
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp độ 1 (nhẹ)
140 - 159
90 – 99
Tăng huyết áp độ 2 (trung bình)
160 - 179
100 – 109
Tăng huyết áp độ 3 (nặng)
≥ 180
≥ 110
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc
≥ 140
< 90
Triệu chứng của tăng huyết áp
Đa số bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện bệnh:
Đau đầu vùng chẩm là triệu chứng thường gặp.
Các triệu chứng khác có thể gặp là xoàng, hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt…
Một số triệu chứng khác của tăng huyết áp tùy vào nguyên nhân tăng huyết áp hoặc biến chứng tăng huyết áp.
Khi thấy những triệu chứng nói trên, người bệnh cần đo huyết áp ngay và đi khám với bác sĩ chuyên khoa.
Đo huyết áp là động tác quan trọng trong chẩn đoàn và điều trị bệnh tăng huyết áp. Phải đo huyết áp nhiều lần, trong 5 ngày liền. Đo huyết áp cả chi trên và chi dưới, cả tư thế nằm và đứng. Thông thường chọn huyết áp tay trái làm chuẩn.
Nguyên nhân và nguy cơ tăng huyết áp
Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát).
Nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát
Phát hiện tăng huyết áp ở tuổi trẻ < 30 hoặc già > 60 tuổi.
Tăng huyết áp rất khó khống chế bằng thuốc.
Tăng huyết áp tiến triển nhanh hoặc tăng huyếp áp ác tính.
Có biểu hiện bệnh lý ở các cơ quan khác gợi ý nguyên nhân tăng huyết áp.
Bệnh về thận (cấp tính hoặc mạn tính):
Viêm cầu thận cấp/mạn
Viêm thận kẽ
Xơ vữa động mạch thận gây hẹp động mạch thận
Loạn sản xơ cơ mạch thận
Suy thận mạn.
Bệnh về nội tiết:
U tủy thượng thận (Pheocromocytome).
Cường Aldosterone tiên phát (Hội chứng Conn).
Hội chứng Cushing’s.
Bệnh lý tuyến giáp/cận giáp, tuyến yên.
Bệnh về hệ tim mạch:
Hở van động mạch chủ
Hẹp eo động mạch chủ.
Bệnh Takayasu.
Hẹp, xơ vữa động mạch chủ bụng có thể ảnh hưởng đến động mạch thận.
Do thuốc:
Cam thảo
Nghiện rượu
Các thuốc kháng viêm non-steroid, thuốc tránh thai, corticoid, cam thảo, hoạt chất giống giao cảm trong thuốc cảm/thuốc nhỏ mũi…
Một số nguyên nhân khác:
Nhiễm độc thai nghén
Ngừng thở khi ngủ
Yếu tố tâm thần …
Căng thẳng tâm lý cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh cao huyết áp
Các yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp
Các yếu tố không thể thay đổi được:
Tuổi: nam giới ≥55 tuổi, nữ giới ≥ 65 tuổi.
Tiền sử gia đình có người cùng huyết thông bị tăng huyết áp.
(Bảng phân tầng nguy cơ để tiên lượng bệnh nhân Tăng huyết áp)
Huyết áp (mmHg)
Độ 1
Độ 2
Độ 3
Yếu tố nguy cơ khác và bệnh sử của bệnh
HATT 140 – 159 hoặc HATTr 90 – 99
HATT 160 – 179 hoặc HATTr 100 – 109
HATT ≥ 180 hoặc HATTr ≥ 110
Không yếu tố nguy cơ khác
Nguy cơ thấp
Nguy cơ trung bình
Nguy cơ cao
1 – 2 yếu tố nguy cơ
Nguy cơ trung bình
Nguy cơ trung bình
Nguy cơ rất cao
≥ 3 yếu tố nguy cơ hoặc tổn thương cơ quan đích hoặc đái tháo đường
Nguy cơ cao
Nguy cơ cao
Nguy cơ rất cao
Bệnh lý khác kèm theo
Nguy cơ rất cao
Nguy cơ rất cao
Nguy cơ rất cao
Nhóm nguy cơ thấp: Tỷ lệ biến cố trong 10 năm tới < 15%
Nhóm nguy trung bình: Tỷ lệ biến cố tim mạch trong 10 năm tới từ 15 - 20%
Nhóm nguy cơ cao: Tỷ lệ biến cố tim mạch trong 10 năm tới từ 20 - 30%
Nhóm nguy cơ rất cao: Tỷ lệ biến cố tim mạch trong 10 năm tới > 30%
Chẩn đoán tăng huyết áp
Tăng huyết áp cần được chẩn đoán sớm nhằm tránh gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chẩn đoán tăng huyết áp ngoài đo huyết áp theo quy định thì thực hiện các xét nghiệm để tìm tổn thương cơ quan đích, nguyên nhân gây tăng huyết áp và yếu tố nguy cơ tim mạch.
Xét nghiệm thường quy:
Sinh hóa máu
Huyết học
Phân tích nước tiểu (albumine niệu và soi vi thể).
Điện tâm đồ.
Xét nghiệm nên làm (nếu có điều kiện):
Siêu âm Doppler tim
Siêu âm Doppler mạch cảnh.
Định lượng protein niệu (nếu que thử protein dương tính).
Chỉ số huyết áp mắt cá chân/cánh tay (ABI: Ankle Brachial Index).
Soi đáy mắt.
Nghiệm pháp dung nạp glucose.
Theo dõi huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).
Đo vận tốc lan truyền sóng mạch…
Xét nghiệm khi đã có biến chứng hoặc để tìm nguyên nhân:
Định lượng renin, aldosterone, corticosteroids, catecholamines máu/niệu.
Chụp động mạch.
Siêu âm thận và thượng thận.
Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ…
Tiến triển và biến chứng
Tăng huyết áp không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tốn thương nặng đến các cơ quan đích và gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
Biến chứng về não: tai biến mạch não (bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não), bệnh não do tăng huyết áp...
Biến chứng về thận: đái ra protein, suy thận...
Biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người.
Điều trị tăng huyết áp
Mục đích và nguyên tắc điều trị
Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ hàng ngày, điều trị lâu dài.
Mục tiêu điều trị là đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”.
“Huyết áp mục tiêu” cần đạt là <140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Nếu nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì huyết áp mục tiêu cần đạt là <130/80mmHg. Khi điều trị đã đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời.
Điều trị cần hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích. Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích, trừ tình huống cấp cứu.
Điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc
Là phương pháp điều trị bắt buộc dù có kèm theo thuốc hay không.
Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no.
Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI: body mass index) từ 18,5 đến 22,9 kg/m2.
Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
Hạn chế uống rượu, bia: số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ). 1 cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh.
Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
Tránh bị lạnh đột ngột.
Chế độ ăn uống hợp lý, quản lý cân nặng giúp hỗ trợ điều trị bệnh tăng huyết áp
Điều trị tăng huyết áp dùng thuốc
Lợi ích của điều trị tăng huyết áp bằng thuốc hạ áp đã được chứng minh trong nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn trong hơn 40 năm qua.
Thời điểm dùng thuốc hạ áp còn tùy thuộc vào mức độ, tình trạng của người bệnh. Bệnh nhân tăng huyết áp được chia thành 3 nhóm:
Nhóm 1: Những bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ hoặc tăng huyết áp chưa có tổn thương cơ quan đích, không có nguy cơ bệnh mạch vành, không có biểu hiện bệnh tim mạch.
Nhóm 2: Là những bệnh nhân tăng huyết áp chưa có tổn thương cơ quan đích và không có bệnh tim mạch kèm theo, nhưng có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch mà không phải là đái tháo đường.
Nhóm 3: Là nhóm có bệnh tim mạnh kèm theo có tổn thương ở cơ quan đích hoặc đái tháo đường, có thể hoặc không kèm theo yếu tố nguy cơ tim mạch.
(Bảng điều trị bệnh nhân tăng huyết áp theo từng nhóm)
Giai đoạn tăng huyết áp
Nhóm nguy cơ 1
Nhóm nguy cơ 2
Nhóm nguy cơ 3
Bình thường cao
Điều chỉnh lối sống
Điều chỉnh lối sống
Dùng thuốc
Giai đoạn I
Điều chỉnh lối sống (tới 12 tháng)
Điều chỉnh lối sống (tới 6 tháng)
Dùng thuốc
Giai đoạn II và III
Dùng thuốc
Dùng thuốc
Dùng thuốc
Một số điểm lưu ý khi điều trị tăng huyết áp
Điều trị tăng huyết áp là sự phố hợp của nhiều phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Tôn trọng chế độ ăn uống, luyện tập khoa học.
Điều trị tăng huyết áp nhằm giảm các biến chứng của tăng huyết áp chứ không phải là là hạ huyết áp đơn thuần.
Tăng huyết áp thường không khỏi hoàn toàn, quá trình điều trị lâu dài có thể đến suốt đời. Vì thế, cần kiên trì tuân theo chế độ điều trị, không sử dụng những biện pháp chưa có cơ sở khoa học.
Việc dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Việc hạ huyết áp đến mức nào là do bác sĩ quyết định.
Tái khám bệnh theo đúng lịch hẹn của bác sĩ .
Dự phòng tăng huyết áp
Tăng huyết áp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được:
Đối với những người chưa bị tăng huyết áp cần lưu ý vấn đề sinh hoạt hàng ngày nhất là các thói quen có hại sức khỏe phải khám định kỳ để phát hiện tăng huyết áp hay các bệnh liên quan.
Đối với người đã tăng huyết áp, cần phải chặt chẽ hơn nữa trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi theo dõi huyết áp đều đặn và có kế hoạch điều trị ngoại trú để theo dõi tiến triển, tác dụng phụ của thuốc.
Cần chú ý yếu tố kinh tế trong điều trị vì đây là một liệu trình lâu dài, tốn kém.
Sơ cứu bệnh nhân tăng huyết áp
Khi thấy người thân tăng huyết áp đột ngột, trước hết bạn cần bình tĩnh và thực thiện theo các bước như sau để tránh những di chứng có thể ảnh hưởng tới người bệnh.
Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế nghỉ, không gian thoáng mát.
Đặt đầu bệnh nhân cao 30°, đầu nghiêng nhằm tránh gây ra hiện tượng trào ngược, nới lỏng quần áo.
Với bệnh nhân đột quỵ cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu bằng xe chuyên dụng.
Kiểm tra huyết áp bệnh nhân liên tục.
Trong khi thực hiện sơ cứu tại nhà, người thân cần liên hệ với xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất, việc để bệnh nhân càng lâu nguy cơ gây ra các biến chứng càng nặng.
Lưu ý: việc dùng dùng hạ huyết áp lúc này cho bệnh nhân cần được sự tư vấn, hướng dẫn của bác chuyên khoa, không nên tự ý dùng.