Tê bì tay chân: Đông y điều trị như thế nào?
điều trị tê bì tay chân bằng Đông y
Tê bì tay chân là triệu chứng xuất hiện trong nhiều bệnh lý - Ảnh: BookingCare

Tê bì tay chân: Đông y điều trị như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 12/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 16/03/2024
Tê bì tay chân là tình trạng xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác nhau, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu các phương pháp trong Đông y được vận dụng như thế nào khi điều trị bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

Tê bì tay chân là một triệu chứng xuất hiện trong nhiều bệnh lý. Người bệnh cần được thăm khám kịp thời để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng phương pháp. Điều trị bằng Đông y là phương pháp an toàn, mang lại hiệu quả và được nhiều người tin tưởng sử dụng.

Tê bì tay chân là gì?

Tê bì tay chân là là tình trạng da ở các đầu ngón tay, ngón chân xuất hiện tê, dị cảm kiểu kiến bò. Các triệu chứng có thể nặng dần lên nếu không được điều trị kịp thời. Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị rối loạn cảm giác và mất dần cảm giác, yếu hoặc liệt cơ.

Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, song cơ chế gây bệnh chính là do mạng lưới tuần hoàn mạch máu nuôi dưỡng thần kinh ngoại vi ở ngón tay, ngón chân thiếu thốn dẫn đến tê bì, co cứng, rối loạn cảm giác.

Ngoài ra tình trạng rối loạn điện giải như hạ canxi máu, hạ magie máu cũng có thể biểu hiện tình trạng tê tay chân.

Một số nguyên nhân điển hình dẫn đến tình trạng trên như:

  • Các mạch máu và thần kinh bị chèn ép
  • Phụ nữ có thai ở những tháng cuối thai kỳ
  • Bệnh lý: biến chứng thần kinh ngoại biên của Đái tháo đường, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm đa dây thần kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu não,  suy thận, suy tuyến cận giáp, thiếu vitamin D,...
  • Thay đổi thời tiết
  • Tư thế làm việc, sinh hoạt hằng ngày: Ngồi hoặc đứng làm việc quá lâu ở một tư thế, bê vác nặng, lười vận động, ngủ gối cao,...
  • Ngoài ra, người uống rượu bia nhiều, nghiện rượu làm khả năng hấp thụ vitamin kém có thể dẫn đến lượng vitamin thiết yếu trong cơ thể thấp, gây ra tình trạng tê tay chân.
  • Tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp ddocj hại như chì, thủy ngân. Một số loại thuốc hóa trị để điều trị ung thư.

Cơ chế bệnh sinh của tê bì tay chân trong Đông y là gì?

Theo Đông y, tê bì tay chân thuộc phạm vi chứng “ma mộc” để chỉ tứ chi khi bị rối loạn cảm giác kiểu dị cảm kiến bò.

  • Trong đó, ma được hiểu là da bị tê bì nhưng vẫn cảm nhận được và chưa ảnh hưởng đến sinh hoạt. 
  • Còn nặng hơn là mộc, giai đoạn mà tay chân dần mất hết cảm giác, lúc này người bệnh không cảm nhận được, dễ bị bỏng, vết thương ngoài da nặng hơn gây nhiễm trùng, viêm loét do không cảm nhận được cảm giác đau, nóng lạnh, đi lại dễ té ngã.

Các nguyên nhân gây ra tê bì tay chân thường là:

  • Khí huyết không đủ, lưu thông kém: huyết dịch không đủ để nuôi dưỡng các cơ quan tạng phủ, đặc biệt là cân cơ. 
  • Ngoại tà xâm phạm: Khi cơ thể sức đề kháng kém dễ bị ngoại tà bên ngoài xâm nhập vào kinh lạc, gây tắc trở kinh lạc, cản trở lưu thông huyết dịch.
  • Cơ thể suy nhược: Tuần hoàn kém, khi bị bệnh khả năng phục hồi kém, dễ sinh ra các biến chứng bệnh,
  • Khí huyết ứ trệ: khí huyết tắc trở, dinh âm không được nuôi dưỡng, vệ khí không được ôn ấm nên sinh ra chứng ma mộc.
  • Cảm xúc thái quá, mừng giận thất thường, Can dương động sinh phong nên gây ra chứng tê bì.

Các phương pháp điều trị tê bì trong Đông y

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, thể bệnh của từng bệnh nhân mà đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Điều trị tê bì tay chân chủ yếu sử dụng pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông kinh hoạt lạc, trừ thấp, nâng cao thể trạng. Có thể điều trị đơn độc hoặc phối hợp cùng lúc nhiều phương pháp sau.

Phương pháp không dùng thuốc

  • Châm cứu: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và các bệnh lý đi kèm của người bệnh mà lựa chọn công thức huyệt phù hợp.
    • Huyệt tại chỗ: Kiên tỉnh, Kiên ngung, Khúc trì, Phong thị, Dương lăng tuyền, Côn lôn, Bát tà, Dương khê, Ngư tế, Hành gian, GIải khê, Thái xung.
    • Huyệt toàn thân: Khí hải, Huyết hải, Can du, Tam âm giao, Túc tam lý, Phong long, Phong thị, Âm lăng tuyền.
  • Xoa bóp bấm huyệt: giúp giãn cơ, tăng tuần hoàn máu, thông kinh lạc nhằm giảm tê bì tay chân.

Phương pháp dùng thuốc

  • Một số vị thuốc có sẵn trong tự nhiên có tác dụng chữa tê bì tay chân hiệu quả như:  lá lốt, ngải cứu, gừng, thổ phục linh,... 
    • Đa số các vị có tính ấm, vị cay giúp trừ phong thấp, giảm đau, giãn mạch, lưu thông kinh lạc. 
    • Có thể sử dụng để nấu thành nước ngâm chân, tay hằng ngày.
  • Bài thuốc cổ phương
    • Bổ can thang: dưỡng huyết nhu can
    • Tứ vật thang: bổ huyết dưỡng huyết
    • Nhị trần thang: trừ thấp hóa đàm
    • Tứ quân tử thang: bổ khí huyết
    • Tiêu dao tán: thông can giải uất, thông lạc dưỡng cân

Lưu ý khi điều trị tê bì tay chân bằng Đông y

Mặc dù điều trị tê bì tay chân bằng Đông y mang lại hiệu quả, an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng nhưng cũng cần chú trọng đến các vấn đề sau: 

  • Người bệnh nên thăm khám đầy đủ bởi các bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị hợp lý, tránh trường hợp tự mua thuốc ở các cơ sở không uy tín và sử dụng.
  • Cần báo ngay cho bác sĩ nếu việc sử dụng thuốc gây nên các tác dụng không mong muốn như: dị ứng, tiêu chảy, nổi mề đay,...
  • Cần kết hợp chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh để hỗ trợ điều trị.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc cách Đông y điều trị tê bì tay chân như thế nào và cần lưu ý điều gì khi điều trị. Tuy nhiên  để đạt được hiệu quả cao nhất vẫn nên thăm khám toàn diện bởi các bác sĩ để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết