Thiếu vitamin K: nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
Thiếu vitamin K: nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
Thiếu vitamin K
Những ảnh hưởng của thiếu vitamin K - Ảnh: BookingCare

Thiếu vitamin K: nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 21/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 26/04/2024
Vitamin K là một loại vitamin tan trong dầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Khi cơ thể thiếu vitamin K sẽ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ từ đó gây nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Vitamin K giữ vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Khi cơ thể thiếu vitamin K gây nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến nhiều hệ cơ quan. Vậy hãy cùng BookingCare tìm hiểu những thông tin xoay quanh thiếu vitamin K.

Vitamin K là gì? 

Vitamin K có màu vàng, hoà tan trong dung dịch chất béo, bền vững với nhiệt và quá trình oxy hoá nhưng bị phá huỷ bởi ánh sáng, dung dịch chất kiềm và rượu.

Vitamin K có 3 dạng: vitamin K1 (phylloquinone) có trong thực phẩm, vitamin K2 (menaquinone) được sản xuất bởi các vi khuẩn ở ruột già và vitamin K3 (menadione) là một loại thuốc tổng hợp.

Vai trò của vitamin K

  • Vitamin K rất cần thiết trong quá trình tổng hợp phức hệ prothrombin cần thiết cho quá trình đông máu
  • Vitamin K hỗ trợ tăng cường các loại protein giúp duy trì sự ổn định của nồng độ canxi trong xương. Điều này giúp ngăn ngừa quá trình thoái hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh loãng xương.
  • Vitamin K2 được chứng minh tham gia vào quá trình hình thành protein MGP, giúp ngăn chặn quá trình canxi hóa thành mạch. Điều này giúp ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch ở người cao tuổi.

Những biểu hiện khi cơ thể thiếu vitamin K

Thiếu hụt vitamin K hiếm khi xảy ra ở người lớn do nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn chứa đủ lượng K1 và cơ thể tự sản xuất K2. Ngoài ra, cơ thể thường có khả năng tái chế nguồn cung cấp vitamin K một cách hiệu quả. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vitamin K phổ biến hơn nhiều ở trẻ sơ sinh.

Biểu hiện điển hình của thiếu vitamin K là chảy máu khó cầm không chỉ ở những vùng vết thương hở mà còn ở những vùng khác.

Biểu hiện thiếu vitamin K ở trẻ em

Thường được phát hiện qua thăm khám lâm sàng có những biểu hiện như:

  • Xuất huyết não đột ngột: da trẻ xanh tái, trẻ bỏ bú hoặc bú kém, nôn trớ, khóc thét co giật, hôn mê,…
  • Chảy máu ở đường tiêu hoá, da, mũi hay ở các vùng khác trên cơ thể
  • Chảy máu từ nơi cắt rốn

Biểu hiện thiếu vitamin K ở người trưởng thành

Mặc dù tỷ lệ mắc không quá nhiều, tuy nhiên khi mắc một số bệnh hay sử dụng những loại thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp vitamin K sẽ có những biểu hiện điển hình như:

  • Có những vết xuất huyết dưới da
  • Cơ thể dễ bầm tím, thường xuyên chảy máu mũi
  • Đi ngoài phân đen sẫm, có xuất hiện máu tươi
  • Đi tiểu tiện ra máu
  • Dưới móng tay hay xuất hiện những cục máu đông nhỏ

Nguyên nhân nào gây tình trạng thiếu vitamin K

Ở trẻ em

  • Trong giai đoạn sơ sinh xảy ra do thiếu các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K di truyền
  • Cơ thể trẻ chưa thể tự tổng hợp vitamin K trong những ngày đầu đời
  • Nguồn sữa mẹ không cung cấp đủ vitamin K
  • Chức năng gan chưa sử dụng vitamin K hiệu quả

Ở người trưởng thành

Tỷ lệ thiếu vitamin K ở người trưởng thành không nhiều như trẻ nhỏ tuy nhiên vẫn sẽ có nguy cơ mắc khi:

  • Mắc một số bệnh lý làm giảm sự hấp thu chất béo: bệnh celiac, bệnh xơ nang, rối loạn đường ruột hoặc đường mật (gan, túi mật và đường mật) hoặc một số trường hợp bệnh nhân phải cắt bỏ một phần ruột.
  • Sử dụng thuốc: thuốc chống đông máu (warfarin) hay dùng thuốc kháng sinh

Khi thiếu vitamin K sẽ gây ra những bệnh gì

  • Bệnh tim mạch: Vitamin K2 đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Khi thiếu vitamin này, có thể dẫn đến vôi hóa động mạch, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến tim mạch.
  • Các bệnh về máu: Sự thiếu hụt vitamin K có thể gây rối loạn hoạt động của các yếu tố đông máu. Điều này có thể làm trở ngại quá trình đông máu, làm cho việc cầm máu khi cơ thể bị thương trở nên khó khăn và dễ xuất huyết.
  • Các bệnh liên quan đến xương khớp: Thiếu hụt vitamin K ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi và tổng hợp osteocalcin trong cơ thể. Người thiếu vitamin K có thể dễ mắc bệnh loãng xương và gặp phải các vấn đề liên quan đến xương khớp.

Nhu cầu vitamin K

Nhu cầu vitamin K thay đổi vì được tổng hợp bởi các vi khuẩn ruột già. Nhu cầu khuyến nghị ở người trưởng thành là từ 60-75 mcg/ngày

Đối với trẻ sơ sinh có lượng vitamin K thấp trong khi hàm lượng trong sữa mẹ lại không cao, lượng vitamin K sản sinh trong ruột chưa đầy đủ nên cần sử dụng một liều tiêm vitamin K tổng hợp ngay sau sinh - tránh nguy cơ xuất huyết màng não

Khi bổ sung một lượng vitamin K phù hợp với nhu cầu khuyến nghị trong chế độ ăn cần bổ sung nhiều rau xanh đậm và có hệ tiêu hoá hoạt động bình thường

  • Lượng vitamin K cao nhất ở các thực phẩm rau lá đậm (120-750 mcg/100g)
  • Ngoài ra ở hoa quả, ngũ cốc, hạt, trứng, thịt cũng là một nguồn cung cấp dồi dào

Một số lưu ý khi sử dụng các thực phẩm giàu vitamin K

  • Cần cân đối các nhóm thực phẩm bên cạnh việc bổ sung thực phẩm giàu vitamin K
  • Ở những đối tượng mắc các bệnh về rối loạn đông máu hay đang sử dụng thuốc nên cân nhắc bổ sung vitamin K
  • Bên cạnh việc bổ sung qua đường ăn uống, lối sống kết hợp với vận động và luyện tập để duy trì lối sống lành mạnh vô cùng quan trọng

Vitamin K là một chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến nhiều quá trình chuyển hoá của cơ thể. Bài viết trên đã tóm tắt sơ lược về vitamin K và những điều cần lưu ý khi cơ thể thiếu vitamin K. Nếu cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường nên đến các cơ sở y tế nhằm thăm khám và được tư vấn về dinh dưỡng để có một chế độ ăn và lối sống phù hợp nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare