- Xuất bản: 20/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch đang có xu hướng tăng - Ảnh: BookingCare
Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch nói chung, do xơ vữa động mạch vành nói riêng có xu hướng ngày càng tăng. Vậy bệnh lý xơ vữa động mạch vành là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng bệnh như thế nào? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Xơ vữa động mạch là hiện tượng động mạch bị tích tụ các mảng vữa xơ dưới lớp nội mạc mạch máu dẫn đến lòng mạch trở nên thu hẹp, cản trở sự lưu thông của dòng máu.
Đặc biệt nguy hiểm hơn, khi các mảng vữa xơ này vỡ hoặc bong ra hình thành cục máu đông, cục máu đông theo dòng máu trôi tới đâu sẽ gây tắc mạch và là cơ chế gây bệnh thiếu máu cơ quan cấp tính ví như: tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp, tắc mạch não gây nhồi máu não cấp, tắc động mạch chi dưới gây thiếu máu chi dưới cấp hệ quả là hoại tử chi dưới,...
Vì vậy, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch vành
Hiện nay, nguyên nhân xơ vữa động mạnh vành vẫn chưa thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng sự tích tụ dần các mảng bám hoặc dày lên do hiện tượng viêm xảy ra ở các tế bào bên trong lòng động mạch.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch nói chung, xơ vữa mạch động mạch vành nói riêng, được biết đến như:
Yếu tố này được cho là nguy cơ hàng đầu gây xơ vữa động mạch vành. Trong cơ thể chúng ta có 4 chất béo chính gồm: Cholesterol, LDL-Cholesterol, Triglyceride, HDL-Cholesterol.
Trong đó, các LDL-Cholesterol và Cholesterol là các lipid có tỷ trọng thấp (hay còn gọi là Cholesterol xấu). Nếu chúng tích tụ quá nhiều trong máu có thể gây xơ vữa thành mạch, xơ vữa động mạch vành.
Bệnh tăng huyết áp: tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ rất cao gây xơ vữa động mạch vành. Khi huyết áp cao sẽ làm tăng sinh tế bào cơ trơn làm dày trung mạc động mạch và làm gia tăng chất elastin, chất keo và glycosaminoglycans. Huyết áp cao làm dễ vỡ mảng xơ vữa cũng như làm gia tăng tính thấm nội mạc đối với cholesterol.
Hút thuốc: Cũng là yếu tố nguy cơ chính, nguy cơ mạch vành tăng gấp đôi ở người hút thuốc, nhất là những người hút 40 điếu/ ngày.
Bệnh đái tháo đường: Là nguyên nhân gây rối loạn lipid, nên dễ gây xơ vữa động mạch.
Tình trạng béo phì, ít hoạt động: Ở những người thiếu vận động hoặc ít vận động như ngồi bàn giấy nhiều giờ, nhiều ngày, công việc lao động bắt buộc ngồi lâu như thợ may, người đánh máy,... lại ăn chế độ nhiều đạm, nhiều mỡ khiến cho năng lượng tích tụ lại thành mỡ, tăng lượng cholesterol xấu (LDL-C) và giảm lượng cholesterol tốt (HDL-C).
Ngoài ra, tình trạng stress, các thuốc ngừa thai,… cũng là yếu tố nguy cơ gây tình trạng xơ vữa động mạch.
Dấu hiệu xơ vữa động mạch vành
Xơ vữa động mạch vành thường không có bất kỳ dấu hiệu điển hình nào để người bệnh nhận biết cho đến khi các động mạch vành hẹp nặng hoặc bị tắc hoàn toàn. Do đó, người bệnh thường chỉ biết mình mắc xơ vữa động mạch vành khi bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,...
Một số dấu hiệu nhận biết sớm xơ vữa động mạch vành có thể kể đến như:
Đau thắt ngực, hay đau ngực và khó chịu: là triệu chứng phổ biến nhất của xơ vữa mạch vành. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức (như tập thể dục, làm việc nặng gắng sức,...). Cơn đau này thường kéo dài không quá 30 phút, chúng thường hết khi chúng ta nghỉ ngơi.
Khó thở
Mệt mỏi hơn bình thường
Khó chịu ở cổ hoặc hàm
Buồn nôn và nôn
Tim đập nhanh
Đổ mồ hôi lạnh
Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Xơ vữa động mạch vành là bệnh lý tim mạch phổ biến, bệnh có nhiều biến chứng có thể gây tử vong vì vậy khi nhận thấy cơ thể có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ xơ vữa động mạch vành, hoặc bạn có một trong số các yếu tố nguy cơ của bệnh, cần đến các cơ sở uy tín được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các phương pháp chẩn đoán xơ vữa động mạch vành
Hiện nay, y học đã có nhiều phương pháp để chẩn đoán hiệu quả các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch vành.
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán xơ vữa mạch vành dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, tiền sử bệnh lý tim mạch, các yếu tố nguy cơ và kết hợp các cận lâm sàng như:
Điện tâm đồ: ghi lại hoạt động của điện tim và nhịp tim.
Điện tâm đồ Holter: giúp ghi lại tất cả các hoạt động điện và nhịp tim trong suốt 24 – 48 giờ.
Siêu âm tim: sẽ cung cấp hình ảnh về các buồng tim, van tim và hoạt động co bóp, giúp bác sĩ theo dõi hoạt động bơm máu của tim.
Nghiệm pháp gắng sức tim: dùng đánh giá hoạt động của tim khi người bệnh vận động hay gắng sức.
Chụp động mạch vành: giúp xác định vị trí và mức độ tắc nghẽn động mạch vành.
Chụp CT: giúp phát hiện vị trí tắc hẹp và bất kỳ cấu trúc bất thường nào của tim.
Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được xét nghiệm máu tổng quát bao gồm: bộ mỡ máu (HDL-Cholesterol, LDL-Cholesterol, Cholesterol toàn phần, Triglycerid), đường huyết, chức năng gan - thận, các marker chỉ điểm bệnh tim (pro-BNP; BNP; Troponin I,T,...),... Từ đó các bác sĩ có thể đánh giá toàn diện và lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị xơ vữa động mạch vành
Với sự phát triển của y học hiện nay, điều trị xơ vữa động mạch vành đã có tiến bộ. Nhiều phương pháp hiện đại, ít xâm lấn được áp dụng làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do xơ vữa động mạch vành.
Điều trị xơ vữa động mạch nên là sự kết hợp đồng thời của nhiều phương pháp:
Điều trị xơ vữa động mạch vành không dùng thuốc như: bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống nhiều bia rượu, tập thể dục, ăn giàu chất xơ, khám sức khỏe định kỳ, tránh căng thẳng, stress...
Nhóm thuốc điều trị mỡ máu Statin (Rosuvastatin, Atorvastatin): được chứng minh làm ổn định mảng vữa xơ và phòng ngừa sự tiến triển của mảng vữa xơ có vai trò vô cùng quan trọng
Điều trị các yếu tố nguy cơ và các bệnh đồng mắc cũng đóng vai trò then chốt: Kiểm soát tốt huyết áp, đường máu
Xơ vữa động mạch vành nguy hiểm thế nào?
Xơ vữa mạch vành là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh như:
Nhồi máu cơ tim: Khi các mảng xơ vữa làm động mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn dẫn đến một phần cơ tim không nhận đủ oxy trong thời gian dài gây hoại tử, tình trạng này được gọi là nhồi máu cơ tim. Người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Rối loạn nhịp tim: Khi cơ tim bị tổn thương hoặc thiếu nguồn cung cấp máu sẽ đập loạn nhịp, dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất là rung nhĩ. Rối loạn nhịp dẫn đến máu bị ứ đọng trong các buồng tim làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu - thủ phạm gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…
Suy tim: Khi tim không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng hoặc bị tổn thương sau một cơn nhồi máu cơ tim sẽ suy giảm chức năng hay còn gọi là suy tim.
Phòng tránh xơ vữa động mạch vành
Hiện nay, chưa có phương pháp nào đặc hiệu để phòng tránh xơ vữa động mạch vành. Tuy nhiên, một số phương pháp dưới đây được các bác sĩ khuyến cáo áp dụng nhằm phòng tránh xơ vữa động mạch vành như:
Thực hiện chế độ ăn ngừa xơ vữa mạch vành: ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh trong khẩu phần ăn, uống đầy đủ nước, hạn chế ăn các thực phẩm giàu cholesterol có hại như: thực phẩm chiên đi chiên lại, đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn,...
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên:
Việc hoạt động thể chất đều đặn sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch.
Đầu tiên, chúng ta có thể làm quen với những bài tập luyện cường độ ngắn, nhẹ ( như những buổi đi bộ, chạy bộ ngắn,...) sau đó tăng cường độ lên 30 phút mỗi ngày và cố gắng duy trì các ngày trong tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Kiểm soát tốt sức khỏe bản thân như: duy trì cân nặng lý tưởng (BMI khoảng 18.5 - 24.9 kg/m2), kiểm soát tốt các bệnh nền (như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,...), không hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
Bên cạnh đó, kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ vẫn rất quan trọng. Bạn sẽ được thực hiện kiểm tra toàn diện và đánh giá cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe tim mạch của mỗi người.
Xơ vữa động mạch vành là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm và có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh thường không có nhiều dấu hiệu điển hình, người bệnh thường nhận biết khi đã mắc phải các biến chứng.
Mặc dù, xơ vữa động mạch vành nguy hiểm và khó nhận diện tuy nhiên người bệnh có thể chủ động phòng tránh và giảm tỷ lệ tử vong bằng các phương pháp như: tập luyện thể dục thể thao, xây dựng lối sống, chế độ ăn phù hợp, khám sức khỏe định kỳ,...