Bệnh cao huyết áp: nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị
Bệnh cao huyết áp: nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị
Huyết áp bình thường duy trì ở mức dưới 120/80 mmHg, chỉ số ở mức trên 140/90 mmHg là tăng huyết áp (Ảnh minh họa: pixabay.com)

Bệnh cao huyết áp: nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Huyết áp cao là bệnh có thể kiểm soát nhưng không chữa khỏi được, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ mới có thể giảm được các nguy cơ bị tai biến, suy tim hay bệnh thận…
BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.

Các chuyên gia tim mạch gọi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Bệnh tiến triển âm thầm nhưng gấy biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Định nghĩa về huyết áp, huyết áp cao 

Huyết áp là áp lực của dòng máu trong lòng động mạch. Huyết áp được tạo bởi sức co bóp của tim để đẩy máu vào hệ thống mạch máu và sự co giãn của thành mạch.

Khi tim co bóp, nó đẩy một lượng máu vào trong động mạch và tạo một áp lực lên thành động mạch. Áp suất này (gọi là huyết áp) làm cho máu chảy tới tất cả các bộ phận trong cơ thể.

Tăng huyết áp
Cao huyết áp - Ảnh: BookingCare

Huyết áp của người lớn bình thường duy trì ở mức dưới 120/80 mmHg, chỉ số ở mức trên 140/90 mmHg là tăng huyết áp. Người bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận chỉ số tốt nhất nên dưới 130/80mmHg.

Mức độ nguy hiểm của bệnh cao huyết áp

  • Các biến chứng tim mạch: nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành khác, suy tim…
  • Các biến chứng về não: tai biến mạch máu não, bệnh não do tăng huyết áp…
  • Các biến chứng về thận
  • Các biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, có thể dẫn đến mù lòa.
  • Các biến chứng về mạch máu ngoại vi. Tronng đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người.

Nguyên nhân gây bệnh  

Huyết áp tăng cao có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Một số nhóm nguyên nhân chính là:

Yếu tố bệnh lý

  • Các bệnh lý về thận như: viêm cầu thận, viêm cầu thận mạn tính, sỏi thận, niệu quản, hẹp động mạch thận,…
  • Các bệnh về nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến yên, bệnh của tuyến thượng thận như u tủy thượng thận, u vỏ thượng thận,…
  • Các bệnh lý mạch máu và tim: hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ…
  • Thừa cân, béo phì: người béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp hơn những người bình thường.
  • Tăng huyết áp do yếu tố tâm thần: stress tâm lý, lo lắng, sợ sệt quá mức,...

Yếu tố đặc điểm cá nhân

  • Chủng tộc: một số chủng tộc có nguy cơ tăng huyết áp hơn như người Mỹ gốc Phi
  • Di truyền: tăng huyết áp có xu hướng di truyền, nếu bố mẹ hoặc người thân trong nhà bị bệnh cao huyết áp, thì nguy cơ bị bệnh này ở con sẽ cao.
  • Tuổi: xu hướng chung là tuổi càng cao càng dễ bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp thường gặp ở người > 35 tuổi, phụ nữ thường bị tăng huyết áp sau mãn kinh.

Thói quen ăn uống, sinh hoạt cũng là một nguyên nhân

  • Ăn nhiều muối: thói quen ăn mặn được xem là yếu tố nguy cơ làm huyết áp tăng cao.
  • Hút thuốc lá: gây co mạch và tăng xơ vữa mạch.
  • Thiếu vận động: lười vận động dễ dẫn đến thừa cân, béo phì và làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp.

Do tác dụng của thuốc

  • Tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén.
  • Tăng huyết áp do dùng một số thuốc: thuốc chữa ngạt mũi, thuốc chữa hen, thuốc tránh thai, thuốc đông y như cam thảo…

Phương pháp điều trị cao huyết áp

Việc điều trị cao huyết áp là một quá trình lâu dài và tổng thể dựa trên sự kết hợp giữa nhiều chế độ: giảm cân, thói quen ăn uống, rèn luyện và sử dụng thuốc.

Kiểm soát cân nặng

Thực trạng cao huyết áp ở người thừa cân, béo phì rất phổ biến. Do đó hãy lập ra một kế hoạch để hạn chế cân nặng của mình, người bệnh có thể xin ý kiến tư vấn từ các bác sĩ. Thông thường, khi giảm cân huyết áp sẽ giảm xuống một cách đáng kể.

Không chỉ liên quan đến huyết áp; thừa cân còn dẫn tới nhiều bệnh lý khác như máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, tiểu đường và nguy hiểm hơn là bệnh tim mạch. Chính vì thế, hạn chế cân nặng ở mức độ phù hợp là phương pháp đơn giản nhất để người bệnh sống khỏe mạnh hơn.

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống khoa học, nhiều rau xanh, hoa quả và các loại ngũ cốc sẽ giúp ích nhiều trong việc giảm huyết áp và kiểm soát cân nặng.

Giảm lượng muối trong các món ăn, muối là một nhân tố đáng chú ý trong quá trình điều trị và kiểm soát tăng huyết áp. Tốt nhất người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi áp dụng một chế độ ăn uống mới cho mình.

Chế độ luyện tập

Luyện tập là một yếu tố không thể thiếu trong suốt thời gian điều trị, vận động nhẹ nhàng giúp giảm huyết áp, giảm cân nặng, lưu thông mạch máu. Các bác sĩ có thể gợi ý phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân, thông thường, 30 phút vận động nhẹ nhàng mỗi ngày là lựa chọn hợp lí.

Sử dụng thuốc

Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định liều lượng sử dụng thuốc: một số thuốc làm giảm dịch và muối, một số làm giãn mạch, số khác ngăn cản sự co mạch và làm hẹp lòng mạch, từ đó làm giảm huyết áp.

Với những bệnh nhân đang sử dụng thuốc cần phải lưu ý cẩn thận, cần khám thường xuyên cho đến khi huyết áp được điều khiển, khoảng 3 - 4 lần trong một năm.

Điều trị huyết áp cao có thể dễ dàng trong hầu hết các trường hợp nhưng vẫn có các trường hợp điều trị rất phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian, sự kiên nhẫn của cả bác sĩ và bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare