Thiếu vitamin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa
Thiếu vitamin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa
Tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa thiếu vitamin.
Thiếu vitamin phải làm sao? - Ảnh: BookingCare

Thiếu vitamin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 26/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 26/04/2024
Thiếu vitamin kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn chức năng trong cơ thể, chẳng hạn như mệt mỏi, suy nhược, da và tóc khô, dễ bầm tím chảy máu, vết thương mau lành,... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nên nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe hay thậm chí là tính mạng.

Vitamin là những hợp chất cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể, có khả năng bảo vệ các tế bào khỏi sự tấn công của các tác nhân gây hại nhờ đặc tính khử độc và chữa lành cấu trúc bị tổn thương. Thiếu vitamin là tình trạng phổ biến hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm chế độ ăn uống, yếu tố bệnh lý,...

Triệu chứng thiếu vitamin 

Dựa vào đặc tính, vitamin được phân thành 2 dạng chính gồm vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) và vitamin tan trong nước (vitamin C và vitamin nhóm B).

Về triệu chứng thiếu vitamin, với mỗi loại sẽ có biểu hiện điển hình như sau: 

Thiếu vitamin tan trong dầu 

Vitamin tan trong dầu là những loại vitamin được hấp thụ vào cơ thể thông qua các mô mỡ cùng chất béo. Vì vậy, nếu cơ thể không hấp thụ được chất béo, rất có thể đang thiếu những loại vitamin kể trên.

Về triệu chứng, cụ thể như sau: 

  • Thiếu vitamin A: Người thiếu vitamin A thường rất dễ bị nổi mụn trứng cá, tóc khô, mệt mỏi, mất ngủ, nhìn mờ vào ban đêm và giảm khả năng nhận biết mùi vị. Ngoài ra, ở một số trường hợp điển hình còn gặp tình trạng dễ viêm nhiễm.
  • Thiếu vitamin D:
    • Với các trường hợp thiếu vitamin D thường có những triệu chứng sau: nóng ở họng, miệng, ra mồ hôi nhiều, tiêu chảy, mất ngủ.
    • Ở trẻ em sẽ bị bệnh còi xương, xương sọ chậm khép kín, xương sống cong, răng mọc chậm, men răng dễ bị tổn thương.
    • Thiếu vitamin D cũng làm giảm hấp thu canxi và photpho ở ruột, từ đó làm cho xương và răng mềm và dễ bị gãy hơn. 
  • Thiếu vitamin E: Với vitamin E, triệu chứng thiếu vitamin được biểu hiện chủ yếu qua tính tình, bao gồm tính khí thất thường, giảm khả năng phản xạ, dáng đi bất thường (đi lảo đảo không vững), thiếu máu,...
  • Thiếu vitamin K: Biểu hiện thiếu vitamin K liên quan chủ yếu đến các yếu tố đông máu, bao gồm chảy máu mũi, lâu lành vết thương,...

Thiếu vitamin tan trong nước 

Vitamin tan trong nước là những loại vitamin dễ dàng hòa tan trong nước và không được được tích lũy trong cơ thể. Vì vậy, các biểu hiện thiếu vitamin thường dễ thấy hơn. 

  • Thiếu vitamin C: Biểu hiện thiếu vitamin C bao gồm: Nướu răng dễ bị chảy máu, mệt mỏi, trầm cảm và các khiếm khuyết mô liên kết (viêm lợi, phát ban, xuất huyết nội, chậm lành vết thương,....).
  • Thiếu vitamin B1: Người thiếu vitamin B1 có thể gặp những triệu chứng sau: Ăn không tiêu, tiêu chảy, tuần hoàn kém, lo lắng,...
  • Thiếu vitamin B2: Biểu hiện thiếu vitamin B2 bao gồm: Mệt mỏi, tóc khô, loét miệng, lở môi,...
  • Thiếu vitamin B6: Các triệu chứng thiếu vitamin B6 thường gặp: Rụng tóc, mụn trứng cá, mệt mỏi, chậm ngủ, chậm lành vết thương, mắt đỏ,...
  • Thiếu vitamin B12: Biểu hiện thiếu vitamin B12 bao gồm: Ăn không ngon, kém tập trung, táo bón, hơi thở ngắn,...

Nguyên nhân thiếu vitamin 

Nguyên nhân thiếu vitamin bao gồm: 

  • Chế độ ăn không khoa học, thiếu hụt các dưỡng chất dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn: bữa ăn đơn điệu, không đa dạng thực phẩm, không cân đối các chất dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin hiện nay. 
  • Do mắc các bệnh lý về ống tiêu hoá làm giảm hoặc không hấp thụ vitamin: mắc các bệnh lý về đường tiêu hoá như tiêu chảy mãn tính, hội chứng ruột kích thích,... sẽ làm giảm khả năng hấp thu vitamin. 
  • Sau sử dụng thuốc kháng sinh, một số loại vi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt nên ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp vitamin. 
  • Do cung cấp lượng vitamin không đáp ứng đúng theo lứa tuổi hoặc nhu cầu của cơ thể: với mỗi lứa tuổi sẽ có nhu cầu khuyến nghị về hàm lượng vitamin riêng. Trường hợp cung cấp với lượng quá lớn hoặc quá ít không đúng với độ tuổi và khả năng hấp thu cũng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. 
  • Các nguyên nhân khác như yếu tố di truyền, do sử dụng thuốc, thiếu yếu tố nội,...

Khi nào nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa? 

Thiếu vitamin là tình trạng thường gặp hiện nay. Dù không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho sức khoẻ, nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu gặp những biểu hiện sau: 

  • Khô mắt, quáng gà, mỏi mắt.
  • Tóc khô và rụng nhiều bất thường. 
  • Cân nặng giảm sâu đột ngột. 
  • Thường xuyên mệt mỏi, kém ăn, mất tập trung. 
  • Sưng lợi. 

Cách phòng ngừa thiếu vitamin

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa thiếu vitamin bằng những cách sau: 

  • Thay đổi chế độ ăn: Bữa ăn cần bảo đảm sự đa dạng thực phẩm (10 thực phẩm trở nên), tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi. Như vậy sẽ cung cấp cho cơ thể nguồn vitamin dồi dào, tránh tình trạng thiếu hụt. Nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê,.. vì sẽ ngăn cản quá trình hấp thu vitamin vào cơ thể. 
  • Sử dụng thực phẩm bổ sung: Bên cạnh nguồn cung từ thực phẩm, chúng ta cũng có thể sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin khác. Để an toàn cho sức khoẻ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi mua và sử dụng. 
  • Khám sức khỏe định kỳ: Nên khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần để phát hiện sớm các triệu chứng thiếu hụt vitamin cũng như bệnh lý liên quan. 

Trên đây là chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa thiếu hụt vitamin mà bạn nên biết. Trường hợp cơ thể có những biểu hiện nghi ngờ thiếu vitamin, hãy đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời, đúng cách.

Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng các sản phẩm vitamin bổ sung liều lượng cao, bởi sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của bạn. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare