Thoát vị bẹn: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Thoát vị bẹn: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Thoát vị ben ở nam giới
Thoát vị bẹn thường phổ biến hơn ở nam giới - Ảnh: BookingCare

Thoát vị bẹn: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 14/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 26/04/2024
Thoát vị bẹn chiếm khoảng 75% các loại thoát vị thành bụng. Bệnh có thể gây ra khó chịu cho bệnh nhân hoặc xảy ra biến chứng cấp tính nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính nhưng thường phổ biến ở nam giới. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Cùng tìm hiểu các triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và các cách điều trị bệnh lý này như thế nào trong bài viết.

Thế nào là thoát vị bẹn?

Thoát vị bẹn là tình trạng một hoặc nhiều tạng trong ổ bụng (mạc nối lớn, ruột non, ruột già,...) rời khỏi vị trí, chui qua một điểm yếu của ống bẹn để xuống bìu, tạo thành khối phồng có thể quan sát được. 

Ở người có cơ chế chống thoát vị tự nhiên, bao gồm tác dụng của các lớp cơ thành bụng và các dây chằng vùng bẹn. 

Khi các cơ thành bụng yếu do tuổi tác, do bị tăng áp lực ổ bụng lâu ngày hoặc do bẩm sinh ống phúc tinh mạc (ống thông nhỏ từ trong ổ bụng xuống dưới vùng bẹn, thường sẽ tiêu biến sau khi trẻ được sinh ra) còn tồn tại sẽ dễ gây nên bệnh lý thoát vị bẹn.

Bệnh có thể gặp bất kỳ lứa tuổi nào nhưng gặp chủ yếu ở trẻ em, trẻ đẻ non có nguy cơ bị cao hơn. Bệnh cũng có thể gặp ở 2 giới nhưng thường phổ biến hơn ở nam giới.

Các triệu chứng của thoát vị bẹn

  • Hầu hết thoát vị bẹn không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh nhân tình cờ phát hiện được một khối phồng ở vùng bẹn.
  • Trong nhiều trường hợp, thoát vị bẹn thường diễn biến từ từ, cảm giác đau, căng tức và khó chịu ở vùng bẹn là dấu hiệu sớm nhất. Người bệnh có thể có cảm giác co kéo, đau lan xuống bìu.
  • Dấu hiệu này ngày càng rõ, kèm theo xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn khi áp lực ổ bụng tăng khi người bệnh thực hiện các động tác làm tăng áp lực trong ổ bụng như ho, hắt hơi, rặn, làm việc nặng,... 
  • Lúc đầu người bệnh có thể tự đẩy khối thoát vị lên hoặc khối thoát vị có thể biến mất khi nằm, nhưng càng về sau, khối thoát vị càng lớn có thể xuất hiện thường xuyên hơn và không đẩy lên được.

Nguyên nhân thoát vị bẹn

Có nhiều nguyên nhân đưa đến bệnh lý thoát vị bẹn. Nhưng hiện nay đa số các tác giả đều chấp nhận có 2 nguyên nhân chính: bẩm sinh và mắc phải.

  • Nguyên nhân bẩm sinh: do sự tồn tại ống phúc tinh mạc sau khi sinh (một cấu trúc giải phẫu thường thoái triển sau khi trẻ ra đời).
  • Nguyên nhân mắc phải:
    • Làm việc gắng sức kéo dài 
    • Các bệnh lý mạn tính gây tình trạng tiểu khó, táo bón, ho kéo dài … gây tăng áp lực ổ bụng.
    • Suy yếu cân, cơ thành bụng ở người lớn tuổi.
    • Các bệnh lý trong ổ bụng: bệnh lý gan, thận, tim mạch, khối u trong ổ bụng, mang thai… dẫn đến tăng lượng dịch hay tăng khối lượng các tạng trong ổ bụng
    • Thoát vị bẹn sau chấn thương vùng bẹn bụng, chấn thương gãy xương chậu.

Ngoài ra một số yếu tố được xem là có liên quan đến thoát vị bẹn như yếu tố di truyền, giới tính,...

Các loại thoát vị bẹn thường gặp

Dựa vào cơ chế bệnh sinh, thoát vị bẹn được chia làm 2 loại:

  • Thoát vị bẹn trực tiếp (mắc phải): 
    • Các tạng thoát vị đẩy lồi thành bụng trực tiếp tại  điểm yếu tại vùng bẹn.
    • Thường do tăng áp lực trong ổ bụng kéo dài: người bệnh lao động quá sức trong thời gian dài, vận động mạnh, các khối u trong ổ bụng, mắc táo bón mãn tính,…
  • Thoát vị gián tiếp (bẩm sinh): 
    • Là dạng thoát vị bẹn bẩm sinh, khi đó tạng thoát vị đi qua ống phúc tinh mạc, từ lỗ bẹn sâu vào ống bẹn, qua lỗ bẹn nông xuống bìu. 
    • Đây là dạng thoát vị bẹn hay gặp ở trẻ nhỏ.

Chẩn đoán thoát vị bẹn như thế nào?

  • Khám lâm sàng
      • Bước đầu tiên, các bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh và khám lâm sàng..Thường bệnh nhân được thăm khám ở tư thế đứng và ho/rặn để có thể thấy rõ khối phồng vùng bẹn. Các bác sĩ có thể dùng các ngón tay làm các nghiệm pháp để xác định đó là khối thoát vị. 
      • Các yếu tố nguy cơ cũng sẽ được khai thác  như tiền sử mắc thoát vị bẹn, táo bón, u phì đại tiền liệt tuyến, ho mãn tính,...
  • Cận lâm sàng: Trường hợp khám lâm sàng chưa rõ ràng hoặc để đánh giá chính xác vị trí, tính chất, thành phần trong túi thoát vị có thể  thực hiện thêm các thăm dò chức năng như: 
    • Siêu âm
    • Chụp cắt lớp vi tính 
    • Chụp cộng hưởng từ
    • Nội soi ổ bụng (cũng được xem là một phương pháp chẩn đoán, khi vùng bẹn được quan sát trong khi tiến hành các phẫu thuật khác trong ổ bụng).

Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?

Tùy vào tình trạng, mức độ nặng của khối thoát vị, cộng thêm các yếu tố như độ tuổi, điều kiện kinh tế mà lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên người bệnh nên thăm khám kỹ tại các cơ sở y tế để được tư vấn và có phương án điều trị hợp lý.

Sau đây là một số phương pháp điều trị thoát vị bẹn:

  • Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu để điều trị thoát vị bẹn
    • Nguyên tắc là loại bỏ túi thoát vị, tái tạo thành bụng vững chắc hơn.
    • Trường hợp các biến chứng cấp tính như thoát vị nghẹt, việc phẫu thuật phải được điều trị càng sớm càng tốt để tránh hoại tử, tổn thương không hồi phục tạng thoát vị.
    • Có thể áp dụng phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi.
  • Điều trị bảo tồn có thể sử dụng dải đeo túi thoát vị thường áp dụng ở những trường hợp không có chỉ định phẫu thuật hoặc chưa đủ điều kiện phẫu thuật.
  • Phòng ngừa thoát vị bẹn bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến thoát vị bẹn.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách chẩn đoán và điều trị bệnh lý thoát vị bẹn. Bạn cũng có thể tham khảo thêm những bài viết khác của BookingCare về bệnh lý này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare