Tiêm kích trứng có đau không? Quy trình tiêm như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 12/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 12/04/2024
Tiêm kích trứng có đau không
Kích trứng là bước vô cùng quan trọng trong các kỹ thuật điều trị hiếm muộn - Ảnh: BookingCare
Tiêm kích trứng là một trong những bước cơ bản và quan trọng trong thụ tinh ống nghiệm (IVF) hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Tiêm kích trứng có đau không là thắc mắc của rất nhiều người, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Phương pháp kích trứng là bước vô cùng quan trọng trong các kỹ thuật điều trị hiếm muộn. Vậy tiêm kích trứng là gì, có đau không và quy trình thực hiện tiêm như thế nào?

Tiêm kích trứng là gì?

  • Tiêm kích trứng là kỹ thuật sử dụng thuốc nội tiết bằng đường tiêm nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển của trứng đến giai đoạn trưởng thành, sau đó trứng chín và rụng. Đến khi nang trứng trưởng thành, trứng đạt đủ các tiêu chuẩn về kích thước và nội tiết, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm HCG để giúp rụng trứng.
  • Đây được xem là bước khởi đầu đối với chu kì kích trứng thụ tinh ống nghiệm IVF hay thụ tinh nhân tạo IUI. Những phụ nữ làm IUI hoặc IVF để thu được lượng trứng nhiều hơn thì cần phải dùng thuốc kích thích buồng trứng. Mỗi cá thể khác nhau, sẽ được bác sĩ thăm khám và cho một phác đồ kích thích buồng trứng riêng biệt.
  • Các cặp đôi làm IUI thì lượng trứng cần thấp hơn nhiều so với IVF, nên lượng thuốc dùng cũng thấp hơn. Với phương pháp IVF thì lượng trứng cần thu được nhiều hơn nên bác sỹ sẽ kê liều cao hơn. 

Tiêm kích trứng có đau không?

Tiêm kích trứng không gây đau nhiều, nhưng vẫn có một vài phản ứng ở chỗ tiêm như: đau nhẹ, sưng đỏ, ngứa,... Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi sau vài phút và gần như không có ảnh hưởng gì tiêu cực.

Hiện nay, khoa học hiện đại có cách tiêm thuốc kích trứng được thực hiện dưới da, an toàn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Người vợ có thể tự tiêm thuốc tại nhà sau khi được bác sĩ hướng dẫn cụ thể mà không cần đến viện hay nhờ sự hỗ trợ của điều dưỡng.

Quy trình tiêm kích trứng như thế nào?

  • Sau khi đã có đầy đủ kết quả xét nghiệm, vào ngày 2 - 3 của chu kì kinh bác sỹ sẽ kê liều thuốc kích thích buồng trứng. Vậy mũi tiêm kích thích buồng trứng đầu tiên sẽ vào ngày 2 - 3 của chu kì kinh nguyệt (tuy nhiên hiện nay có những phác đồ mới, mũi tiêm đầu tiên có thể khởi động vào một ngày bất kì giữa chu kì kinh nguyệt mà bác sĩ thấy đủ điều kiện kích trứng).
  • Bệnh nhân sẽ phải tiêm kích trứng liên tục cho đến khi bác sĩ thấy trứng đạt kích thước để cho trưởng thành noãn, và chọc hút trứng (thời gian trung bình 8 - 10 ngày).
  • Trong thời gian tiêm thuốc kích trứng, bác sĩ tiến hành siêu âm và xét nghiệm nội tiết khoảng 2 - 3 lần (nghĩa là sau khoảng 3 - 4 ngày sẽ tiến hành kiểm tra). Sau mỗi lần kiểm tra, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả để điều chỉnh liều lượng thuốc sao cho phù hợp với từng người.
  • Sau khi siêu âm cho thấy các nang trứng đã đạt đủ kích thước thì chị em sẽ được tiêm mũi rụng trứng.
  • 36 giờ sau mũi tiêm rụng trứng nữ giới được tiến hành chọc hút trứng.

Tác dụng phụ của tiêm thuốc kích trứng và những lưu ý

Trong quá trình kích trứng, người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều vấn đề, có nhiều nguy cơ có thể xảy ra.

  • Quá kích buồng trứng: Hội chứng này xảy ra khi buồng trứng phản ứng quá mạnh với lượng thuốc nạp vào người, thường gặp ở những người bị buồng trứng đa nang.
  • Không đáp ứng thuốc kích trứng: Trường hợp này xảy ra do buồng trứng không đáp ứng thuốc kích trứng và hầu như không sản sinh ra bất kỳ nang trứng nào.
  • Xoắn buồng trứng: Đây cũng là biến chứng nguy hiểm nhưng hiếm khi xảy ra. Là tình trạng thuốc được đưa vào cơ thể khiến buồng trứng to lên và có thể gây xoắn buồng trứng.
  • Một số bệnh nhân bị dị ứng với thuốc : như mẩn ngứa, đau bụng, phù,...

Để giảm nguy cơ gặp phải tình trạng đau và mệt mỏi sau khi tiêm thuốc kích trứng, người vợ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Quá trình sinh hoạt có thể diễn ra bình thường, nên thực hiện nhẹ nhàng và tránh làm những công việc nặng hay tham gia các hoạt động thể thao quá sức.
  • Hạn chế quan hệ tình dục mạnh bạo và không thực hiện với tần suất cao.
  • Giữ cho tinh thần được thoải mái, vui vẻ và thư giãn .
  • Uống nước đầy đủ mỗi ngày.
  • Bổ sung các loại thực phẩm tốt và lành mạnh cho cơ thể nói chung và buồng trứng nói riêng như: các món ăn từ đậu nành, thịt bò, cá, trứng, sữa, rau củ có màu xanh đậm, quả bơ, các loại hạt,...
  • Không sử dụng các loại thực phẩm chứa chất bảo quản, thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, không nên ăn nhiều đồ ngọt,…
  • Không sử dụng các loại đồ uống có cồn và chất kích thích như rượu bia, nước có gas, thuốc lá, caffeine,...
  • Khám theo đúng lịch hẹn trước của bác sĩ hoặc khi có bất kỳ những dấu hiệu bất thường sau khi tiêm thuốc kích trứng.

Với y học hiện đại hiện nay thì việc tiêm thuốc kích trứng hầu như không gây cảm giác khó chịu, đau đớn hay mệt mỏi cho những chị em thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, sau khi được tiêm thuốc kích trứng nếu thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết