Tìm hiểu các phương pháp Đông y chữa thoát vị đĩa đệm
Tìm hiểu các phương pháp Đông y chữa thoát vị đĩa đệm
Đông y chữa thoát vị đĩa đệm
Đông y chữa thoát vị đĩa đệm an toàn, hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu các phương pháp Đông y chữa thoát vị đĩa đệm

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 24/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 10/03/2024
Bài viết cung cấp thông tin về phương pháp đông y chữa thoát vị đĩa đệm, bao gồm nguyên nhân gây bệnh theo y học cổ truyền, ưu điểm, nhược điểm, cách điều trị, lưu ý và phòng ngừa bệnh.

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý phổ biến gây đau đớn và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Phương pháp đông y chữa thoát vị đĩa đệm đã được áp dụng từ rất lâu đời, mang đến hiệu quả điều trị cao, ít tác dụng phụ.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y, từ đó tham khảo lựa chọn phương pháp phù hợp với bản thân.

Tìm hiểu bệnh thoát vị đĩa đệm theo Đông y

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong bao xơ chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống và có sự đứt rách bao xơ gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.

Thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra khi nhân keo của đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống, hay nói cách khác nó là tình trạng đĩa đệm bị ép lồi ra khỏi vị trí bình thường, giữa các đốt sống. Bệnh lý này có thể được chia ra làm hai dạng chính như sau:

  • Vùng cột sống thắt lưng: Chứng thoát vị đĩa đệm sẽ xuất hiện nhiều ở các đốt sống như L4 hay L5 và ở giữa đốt sống L5 với đốt sống S1.
  • Cột sống cổ: Thoát vị đĩa đệm thường gặp ở các đốt sống như C5, C6 và C7.

Khi mắc thoát vị đĩa đệm, cuộc sống của người bệnh sẽ gặp khá nhiều vấn đề khó khăn trong đời sống vì những triệu chứng vô cùng khó chịu, trong đó phải nói đến những cơn đau kéo dài dai dẳng.

Đối với tình trạng bị thoát vị đĩa đệm ở đốt sống cổ, những cơn đau sẽ xuất hiện nhiều ở khu vực cổ và vai gáy. Cơn đau sẽ lan xuống đến tay và bàn tay. Một số người còn cảm thấy bị đau tức ngực.

Đối với thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng thì người bệnh sẽ có những cơn đau nghiêm trọng hơn. Những cơn đau này cũng sẽ lan dần xuống đến vùng hông và đùi, thậm chí là xuống đến bàn chân gây nên cảm giác đau buốt, khiến người bệnh khó khăn hơn trong việc di chuyển.

Theo Đông y, thoát vị đĩa đệm được mô tả trong phạm trù các chứng Hạng thống (đau vùng cổ vai), Yêu thống (đau vùng thắt lưng), Tọa cốt phong (đau ở thắt lưng lan xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn chân).

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm theo y học cổ truyền có thể kể đến như:

  • Ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài):
    • Thường do các tà khí như: phong, hàn, thấp, nhiệt thừa lúc cơ thể suy yếu, tấu lý sơ hở mà xâm phạm, gây bệnh tại các kinh mạch.
    • Các tà khí lưu lại ở kinh lạc vùng cổ gáy, lưng đều có thể trở trệ kinh lạc khí huyết ở vùng đó, khí huyết vận hành không thông mà gây ra chứng thống (bất thông tắc thống).
  • Nội nhân (nguyên nhân bên trong):
    • Thận suy hư, thể chất hư: người bệnh bẩm sinh đã yếu, lao lực hoặc phòng dục quá độ, bệnh nội thương lâu ngày không khỏi hoặc người già thể chất hư suy,... dẫn đến Thận tinh suy yếu, chức năng Can Thận bị ảnh hưởng, giảm khả năng nuôi dưỡng cột sống (thận chủ cốt tủy) và gân cơ vùng lưng (Can chủ cân) dẫn đến cột sống suy yếu, dễ tổn thương (đĩa đệm suy yếu, dễ thoát vị).
    • Lại thêm thắt lưng là phủ của thận, thận tinh suy hư không đủ để nhu dưỡng cân mạch vùng thắt lưng mà sinh ra yêu thống.
  • Bất nội ngoại nhân (các nguyên nhân khác trừ tình chí và môi trường):
    • Những chấn thương hoặc vi chấn thương (như mang vác nặng, vận động tập luyện sai tư thế quá sức) ở khu vực cột sống, đĩa đệm kéo dài làm khí huyết ứ trệ mà gây đau.
    • Hay người lớn tuổi lão suy, bệnh lâu ngày thể chất yếu làm khí huyết không thể nuôi dưỡng vùng lưng.

Những nguyên nhân trên có thể đứng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau gây nên tình trạng bệnh của người bệnh. Nếu bệnh kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng của can và thận.

Có nên điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm theo Đông y?

Ưu điểm:

  • Hiệu quả cao: Đông y có thể điều trị hiệu quả các triệu chứng đau nhức, tê bì, hạn chế biến chứng của bệnh.
  • An toàn: Các bài thuốc Đông y thường sử dụng thảo dược thiên nhiên, ít tác dụng phụ.
  • Phục hồi chức năng: Đông y chú trọng điều trị tận gốc nguyên nhân, giúp phục hồi chức năng vận động của người bệnh.
  • Tăng cường sức khỏe: Các bài thuốc Đông y có thể giúp bồi bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe tổng thể.

Nhược điểm:

  • Hiệu quả chậm: Hiệu quả điều trị bằng Đông y thường chậm hơn so với Tây y.
  • Cần kiên trì: Người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Cần có thầy thuốc chuyên môn: Việc điều trị bằng Đông y cần được thực hiện bởi thầy thuốc có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Cách Đông y chữa thoát vị đĩa đệm

Đông y chữa thoát vị đĩa đệm bằng các bài thuốc

Có nhiều bài thuốc Đông y khác nhau để điều trị thoát vị đĩa đệm, tùy thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Dưới đây là một số thể bệnh và bài thuốc phổ biến:

  • Thể cấp tính (giai đoạn cấp và các đợt cấp của các thể mạn tính)
    • Nguyên nhân thường do phong hàn thấp phạm làm khí huyết kinh lạc bị tắc trở kinh lạc hoặc do chấn thương đột ngột tại chỗ gây nên khí trệ huyết ứ kinh lạc vùng đó.
    • Với thể Phong hàn thấp tắc trở kinh lạc: Bài thuốc thường sử dụng là Bài thuốc trị thấp khớp của GS Bùi Chí Hiếu, gồm lá lốt, cà gai leo, quế chi, thiên niên kiện, cỏ xước, thổ phục linh, sài đất, hà thủ ô, sinh địa.
    • Với thể khí trệ huyết ứ kinh lạc: bài thuốc thường sử dụng là Thân thống trục ứ thang gia giảm, gồm đương quy, xuyên khung, ngũ linh chi, đào nhân, hồng hoa, một dược, địa long, ngưu tất, hương phụ, chích cam thảo.
  • Thể mạn tính
    • Nguyên nhân do can thận hư kết hợp phong hàn thấp. Người bệnh thể này thường mắc bệnh lâu ngày, ảnh hưởng đến chức năng can thận hoặc mắc các dị tật bẩm sinh. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng ăn kém, ngủ ít, mệt mỏi,...
    • Bài thuốc thường dùng là Bài thuốc trị thấp khớp của GS Bùi Chí Hiếu (giống thể cấp) hoặc bài Độc hoạt tang kí sinh gia giảm. 

Lưu ý

  • Các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo.
  • Nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất.

Các phương pháp không dùng thuốc

Châm cứu

  • Châm cứu là phương pháp điều trị Đông y sử dụng kim châm vào các huyệt đạo trên cơ thể để kích thích lưu thông khí huyết, giảm đau và điều trị bệnh.
  • Châm cứu có thể được sử dụng để điều trị thoát vị đĩa đệm, đặc biệt hiệu quả trong việc giảm đau và tê bì, tăng cường tổng trạng của người bệnh.
  • Các a thị huyệt (huyệt tại chỗ, ấn đau) thường được sử dụng nhằm mục đích hành khí hoạt huyết, giúp kinh lạc được thông lợi, giảm đau.
  • Ngoài ra 1 số huyệt đặc hiệu thường được gia giảm sử dụng tùy thuộc vào chứng bệnh của mỗi người bệnh. Ví dụ: các cặp huyệt thái khê - phi dương (tác dụng bổ thận), thái xung - quang minh (tác dụng bổ can) thường được sử dụng trong thể can thận âm hư, cặp huyệt cách du- huyết hải có tác dụng hành khí hoạt huyết khắp cơ thể, các huyệt phong trì, phong phủ, phong môn có tác dụng trừ phong hàn thấp,....

Lưu ý:

  • Nên thực hiện châm cứu tại cơ sở y tế uy tín, đảm bảo an toàn.
  • Châm cứu không phù hợp với tất cả mọi người, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.

Bài tập vận động trị liệu

Ngoài việc sử dụng thuốc Đông y, người bệnh có thể kết hợp tập luyện các bài tập vận động trị liệu để tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện khả năng vận động và giảm đau. 

Một số bài tập đơn giản bao gồm:

  • Bài tập 1: Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, gập đầu gối, đưa hai tay ôm lấy đầu gối, kéo đầu gối về phía ngực, giữ nguyên tư thế trong 10 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần.
  • Bài tập 2: Nằm nghiêng sang một bên, chống tay xuống đất, nâng người lên, giữ nguyên tư thế trong 10 giây, sau đó đổi bên. Lặp lại 10 lần mỗi bên.
  • Bài tập 3: Nằm sấp, chống tay xuống đất, nâng người lên, giữ nguyên tư thế trong 10 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần.

Lưu ý:

  • Nên tập luyện nhẹ nhàng, từ từ, tránh tập luyện quá sức.
  • Nên tập luyện sau khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.

Xoa bóp, bấm huyệt

  • Xoa bóp bấm huyệt cũng là một trong những phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc hiệu quả và được sử dụng phổ biến. Các động tác xát, xoa, miết, phân, hợp tác dụng lên da giúp cải tiện tuần hoàn tại chỗ. Các động tác day, ấn huyệt giúp lưu thông khí huyết kinh mạch tại chỗ giúp giảm đau, giảm tê hiệu quả.
  • Người bệnh hoặc người nhà có thể thực hiện 1 số động tác xoa bóp đơn giản tại nhà nhưng phải có sự hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn, không nên tự ý thực hiện khi chưa hiểu rõ về phương pháp xoa bóp bấm huyệt và tình trạng bệnh của bản thân.

Dưỡng sinh

Phương pháp dưỡng sinh là một trong những phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc, là phương pháp tự tập luyện của người bệnh, gồm 4 mục đích:

  •       Bồi dưỡng sức khỏe
  •       Phòng bệnh
  •       Từng bước chữa bệnh mạn tính
  •       Tiến tới sống lâu và sống có ích

Người bệnh không nên tự thực hiện khi chưa biết rõ về phương pháp và tình trạng bệnh của bản thân. Cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán bệnh và chỉ định, hướng dẫn phương pháp tập luyện đúng, có hiệu quả cao, tránh tập luyện sai dẫn đến kết quả không mong muốn.

Lưu ý trong quá trình chữa bệnh thoát vị đĩa đệm theo Đông y

  • Cần kiên trì sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.
  • Chế độ ăn uống hợp lý, bổ dưỡng.
  • Tập luyện thể dục thể thao phù hợp.
  • Tránh mang vác vật nặng, lao động quá sức.

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

  • Giữ cân nặng hợp lý.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
  • Tránh mang vác vật nặng, lao động quá sức.
  • Giữ đúng tư thế khi ngồi, làm việc và ngủ.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý, bổ dưỡng.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng Đông y là phương pháp hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc và kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết