Xuất bản: 21/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 21/04/2024
Những ảnh hưởng của thiếu vitamin D - Ảnh: BookingCare
Vitamin D là một trong 4 vitamin tan trong chất béo có vai trò quan trọng với cơ thể. Vậy hãy cùng BookingCare tìm hiểu những ảnh hưởng khi cơ thể thiếu vitamin D qua bài viết dưới đây.
Vitamin D được biết đến với vai trò kích thích hấp thụ calci và phospho giúp quá trình phát triển hệ xương, răng. Bên cạnh đó vitamin D còn hỗ trợ quá trình chuyển hoá của cơ thể. Khi cơ thể thiếu vitamin D sẽ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Tổng quan về vitamin D
Vitamin D là một chất dinh dưỡng không sinh năng lượng, tan trong chất béo.
Có 2 dạng vitamin D chính:
Vitamin D2 (ergocalciferol) có nguồn gốc tổng hợp, thường có nhiều trong sữa và một số thực phẩm khác
Vitamin D3 (cholecalciferol) được tổng hợp dưới da nhờ tia cực tím. Ánh sáng mặt trời chuyển tiền vitamin D thành vitamin D3
Vai trò vitamin D:
Tăng cường quá trình cốt hoá xương: chức năng chủ yếu của vitamin D tập trung vào quy trình tạo xương thông qua cơ chế phân phối calci và phospho.
Đóng vai trò trong việc duy trì sự ổn định của lượng canxi trong máu, bảo vệ cấu trúc của xương và răng.
Vitamin D này còn ảnh hưởng đến hoạt động của các hormone như insulin và hormone tuyến giáp.
Góp phần vào việc bảo vệ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và giúp phòng tránh các bệnh do virus và vi khuẩn gây ra.
Nồng độ 25-hydroxyvitamin D (25 [OH] D) trong huyết thanh ảnh hưởng tới sức khỏe xương. Nên ưu tiên duy trì nồng độ 25 (OH) D trong huyết thanh từ 20 đến 40 ng / mL (50 đến 100 nmol / L).
Thiếu vitamin D là gì?
Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến giảm calci và phosphat trong máu, gây ra tình trạng còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người lớn.
Mặc dù không phổ biến ở các nước phát triển, nhưng tình trạng thiếu vitamin D vẫn xảy ra, đặc biệt là gây ra chứng nhuyễn xương và tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt ở người cao tuổi.
Một số biểu hiện khi thiếu vitamin D
Yếu xương hay đau khớp: thiếu hụt vitamin D có thể gây ra các vấn đề liên quan đến xương, bao gồm sự mất canxi từ xương, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Mật độ khoáng chất trong xương cũng giảm, gây ra tình trạng loãng xương và làm suy yếu cấu trúc của chúng.
Giảm chức năng cơ: Vitamin D hỗ trợ chức năng cơ bằng cách tác động đến các thụ thể vitamin D trên toàn cơ thể, kể cả bên trong cơ. Sự thiếu hụt vitamin D có thể gây ra các triệu chứng đau cơ, và vitamin D được chuyển hóa để nhập vào tế bào cơ, tăng cường khả năng co cơ.
Dễ bị nhiễm trùng hoặc thường xuyên bị ốm: Vitamin D đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của hệ miễn dịch. Thiếu hụt vitamin D ở người lớn có thể gây ra sự suy giảm trong khả năng phản ứng của các tế bào miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Khi thiếu hụt vitamin D, hàm lượng serotonin trong cơ thể có thể giảm. Điều này có thể dẫn đến việc bạn thường xuyên ra mồ hôi nhiều, đặc biệt là ở vùng trán và lòng bàn tay.
Ngoài ra còn một số triệu chứng khác: táo bón, chán ăn, mệt mỏi, khó ngủ, suy giảm trí nhớ,…
Nguyên nhân gây thiếu vitamin D
Thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ngắn hoặc ít có thể làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D trong cơ thể. Điều này thường xảy ra khi chỉ ở trong nhà hoặc sử dụng các sản phẩm chống nắng như kem chống nắng hoặc quần áo bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.
Hấp thu kém có thể làm hao hụt đi lượng vitamin D khỏi cơ thể, chỉ có 1 lượng nhỏ 25(OH)D được tái tuần hoàn gan ruột.
Bất thường trong chuyển hoá ở những người mắc các bệnh thận có thể bị còi xương do quá trình sản sinh 25(OH)D của thận bị giảm. Rối loạn chức năng gan cũng có thể can thiệp vào sự sản xuất các chất chuyển hóa vitamin D hoạt động.
Không đáp ứng đủ lượng vitamin D theo nhu cầu khuyến nghị có thể xảy ra khi ăn theo chế độ thuần chay. Điều này là do hầu hết các nguồn thực phẩm tự nhiên giàu vitamin D, như cá, dầu cá, lòng đỏ trứng và sữa, không được sử dụng trong chế độ ăn thuần chay.
Một số loại thuốc, như glucocorticoid, các loại thuốc điều trị HIV/AIDS, và thuốc kháng nấm, có thể ảnh hưởng đến mức độ vitamin D trong cơ thể.
Theo tuổi tác gia tăng, cơ thể trải qua quá trình lão hóa, làm suy giảm khả năng chuyển hóa và hấp thu. Do đó, việc chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi là rất quan trọng và cần được chú trọng đặc biệt.
Nếu bạn có thể trạng béo phì, với chỉ số BMI cao, mức độ vitamin D trong cơ thể có thể thấp hơn so với người có trọng lượng bình thường.
Thiếu vitamin D gây ra những bệnh gì?
Vitamin D có vai trò quan trọng tới sức khoẻ, khi thiếu vitamin D có thể gây ra một số bệnh ảnh hưởng tới sức khoẻ như:
Loãng xương: phụ thuộc rất lớn vào lượng vitamin D được cung cấp hàng ngày. Thiếu hụt vitamin D có thể làm cho xương trở nên yếu, tăng nguy cơ gãy xương.
Bệnh về hô hấp: vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường và điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch. Ở những người mắc bệnh hen phế quản hoặc viêm phế quản mạn tính, vitamin D có thể giúp cải thiện sức đề kháng của cơ thể. Do đó, khi thiếu hụt vitamin D kéo dài, hoạt động sinh lý của phổi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em.
Bệnh về tim mạch: vitamin D có vai trò quan trọng trong việc ổn định và phòng tránh bệnh cao huyết áp, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch, tắc mạch và đột quỵ.
Các bệnh về suy giảm miễn dịch: thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể không thể đạt được sự bảo vệ toàn diện. Điều này có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm ngoài da như lupus, mẩn ngứa, cũng như tạo điều kiện cho sự hình thành các ổ viêm bên trong như viêm ruột, viêm khớp dạng thấp và các bệnh viêm nội tạng khác.
Bệnh về tâm lý: tăng nguy cơ mắc số bệnh tâm lý ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị thiếu vitamin D
Phương pháp chẩn đoán thiếu vitamin D
Phương pháp chẩn đoán chủ yếu dựa vào nồng độ 25(OH)D [25-hydroxyvitamin] huyết thanh qua xét nghiệm máu
Trong một số trường hợp sử dụng kết quả chẩn đoán hình ảnh như kết quả x-quang để xác định vị trí của đau xương
Điều trị thiếu vitamin D
Việc điều trị thiếu hụt vitamin D thường bao gồm việc bổ sung vitamin D thông qua cả việc tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sử dụng các bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề xuất liều lượng vitamin D cao hơn và theo dõi sát sao để đảm bảo sự cải thiện và không có tác dụng phụ nào xảy ra.
Vitamin được tổng hợp ở da nên nhu cầu khuyến nghị có thể thay đổi. Tuy nhiên lượng 600 IU/ngày có thể đảm bảo cho xương phát triển bình thường và phòng bệnh còi xương.
Trẻ dưới 12 tháng khuyến nghị 400 IU/ngày, trẻ trên 12 tháng khuyến nghị 600 IU/ngày.
Nhu cầu khuyến nghị cho phụ nữ có thai và cho con bú khoảng 800 IU/ngày.
Trong tự nhiên, rất ít có thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Một số thực phẩm giàu vitamin D như: dầu gan cá nhất ở các loại cá béo, gan, trứng gà được nuôi có bổ sung vitamin D, dầu tăng cường vitamin D hoặc các thức ăn bổ sung khác ví dụ bột ngũ cốc. Hầu hết trong cá có từ 5 ug/100g tới 15 g/100g (tương ứng 200 IU/100g tới 600 IU/100g), cá trích có thể có tới 40 pg/100g (1600 IU/100g)
Có nhiều nguồn để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Tuy nhiên tình trạng thiếu vitamin D vẫn xuất hiện trên lâm sàng phổ biến. Nếu bạn lo lắng về việc liệu mình có nhận đủ vitamin D hay không, hãy nói chuyện với bác sĩ về chế độ ăn uống và việc bổ sung vitamin của bạn.