Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến ở nhiều người. Tùy vào mức độ và tần suất các cơn chóng mặt có thể gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Vậy những nguyên nhân chóng mặt thường gặp là gì?
Các nguyên nhân dẫn đến chóng mặt
Chóng mặt có hai loại là chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương. Biểu hiện chóng mặt có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh và chức năng tiền đình.
Chóng mặt ngoại biên
Chóng mặt ngoại biên liên quan đến các vấn đề ở phần tai trong (tiền đình) hoặc các dây thần kinh tiền đình giữa tai trong và thân não. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Bệnh chóng mặt tư thế lành tính BPPV (chóng mặt tư thế kịch phát lành tính): biểu hiện bởi các cơn chóng mặt ngắn (dưới 1 phút) kèm theo buồn nôn, xảy ra khi đầu di chuyển (lăn trên giường hoặc cúi người) vào buổi sáng và giảm dần trong ngày.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như kháng sinh aminoglycoside, cisplatin, thuốc lợi tiểu hoặc salicylic… ảnh hưởng tới cấu trúc tai trong gây rối loạn tiền đình.
- Các chấn thương đầu hoặc do bệnh viêm dây thần kinh tiền đình.
- Viêm nhiễm, nhiễm khuẩn dây thần kinh ngoại biên hoặc hệ tiền đình như: viêm mê cung tai trong, viêm dây thần kinh...
- Bệnh Meniere: một bệnh liên quan đến sự tích tụ lượng dịch ở tai trong gây ra các cơn chóng mặt đột ngột, kéo dài từ 20 phút đến 12 tiếng kèm theo ù tai, chóng mặt,...
- Các khối u chèn ép (không phải ung thư) lên dây thần kinh tiền đình.
Chóng mặt trung ương
Chóng mặt trung ương thường liên quan đến các vấn đề ở não, thân não hoặc tiểu não. Một số nguyên nhân liên quan đến tình trạng này bao gồm:
- Các vấn đề liên quan đến mạch máu: xơ vữa mạch máu, phình mạch máu...
- Tác dụng của một số loại thuốc như: thuốc chống co giật, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau chứa aspirin.
- Sử dụng rượu bia, chất kích thích mạnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
- Bệnh đa xơ cứng, các khối u, ung thư.
- Các bệnh liên quan đến chức năng thần kinh như: động kinh, bệnh Parkinson, Alzheimer giảm trí nhớ,...
- Đột quỵ, đau nửa đầu hoặc các khối u (ung thư hoặc không ung thư).
Các biến chứng có thể xảy ra từ nguyên nhân chóng mặt
Khi bị chóng mặt kéo dài, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng hoặc tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe như:
- Giảm khả năng duy trì thăng bằng dẫn đến nguy cơ ngã, gây thương tích và làm tổn thương các cơ quan.
- Giảm khả năng tập trung, quan sát, ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt (điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc…).
- Tạo ra tâm lý lo lắng và căng thẳng, gia tăng mức độ chóng mặt và gây ra những tác động tâm lý tiêu cực.
- Khó ngủ, ngủ không sâu giấc... do rối loạn hệ thống tiền đình.
- Ảnh hưởng đến khả năng làm việc, giao tiếp và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Nguyên nhân chóng mặt có thể xuất phát từ nhiều vấn đề khác nhau và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và tâm lý người bệnh. Việc tìm hiểu nguyên nhân và biến chứng của chóng mặt là điều cần thiết trong việc kiểm soát và hạn chế những nguy cơ sức khỏe, đảm bảo duy trì cuộc sống ổn định, lành mạnh cho người bệnh.