6 lưu ý về hiện tượng chóng mặt
6 lưu ý về hiện tượng chóng mặt
chong-mat-la-gi
Chóng mặt là một triệu chứng chủ yếu xuất hiện khi hệ thần kinh và tiền đình gặp vấn đề - ảnh: BookingCare

6 lưu ý về hiện tượng chóng mặt

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Chóng mặt là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều đối tượng giới tính và độ tuổi khác nhau. Chóng mặt có thể là triệu chứng quá tải tạm thời của hệ thần kinh nhưng cũng có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh lý.

Chóng mặt là ảo tưởng chuyển động của cơ thể hoặc môi trường mà thực tế không có sự chuyển động. Người bệnh có thể cảm thấy quay vòng hoặc đổ nghiêng sang một bên. Chóng mặt là một triệu chứng chủ yếu xuất hiện khi hệ thần kinh và tiền đình gặp vấn đề.

Các biểu hiện chóng mặt

Chóng mặt là cảm giác chuyển động hoặc quay tròn trong đầu hoặc mắt nhìn. Người bệnh có cảm giác như đang di chuyển hoặc môi trường xung quanh đang chuyển động. Có hai loại chóng mặt chính gồm chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương.

Biểu hiện chóng mặt ngoại biên

Chóng mặt ngoại biên xảy ra khi có sự cản trở trong tuần hoàn máu đến não từ các cảm giác ngoại vi như tai, mắt, và cơ. Các triệu chứng bao gồm:

  • Cảm giác xoay tròn, mất thăng bằng.
  • Hoa mắt khi ngủ dậy hoặc thay đổi trạng thái đứng lên
  • Giảm khả năng quan sát.

Thông thường, chóng mặt ngoại biên không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, các triệu chứng thường tự khỏi sau một thời gian.

Biểu hiện chóng mặt trung ương

Chóng mặt trung ương liên quan đến chức năng não bộ. Chóng mặt trung ương có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng như: tai biến mạch máu não, viêm não hay các khối u. Triệu chứng chóng mặt trung ương thường kéo dài lâu hơn và đi kèm với các triệu chứng như:

  • Đi loạng choạng không vững
  • Rối tầm
  • Nhìn đôi
  • Buồn nôn, nôn mửa 
  • Cảm giác ngất xỉu
  • Khó thở

Nguyên nhân chóng mặt

Chóng mặt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể liên quan đến cả vấn đề trong cơ thể lẫn tâm lý. Một số nguyên nhân chóng mặt phổ biến bao gồm:

  • Tuổi cao làm suy giảm chức năng tiền đình và hệ thần kinh.
  • Các vấn đề liên quan đến tai: mắc các bệnh lý, hội chứng ở tai trong ảnh hưởng đến hệ tiền đình.
  • Nhiễm khuẩn, nhiễm trùng dẫn đến viêm dây thần kinh gây chóng mặt.
  • Thiếu oxy cung cấp làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu lên não.
  • Tình trạng căng thẳng, stress, thiếu ngủ kéo dài có thể gây chóng mặt.

Các phương pháp chẩn đoán hiện tượng chóng mặt

Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến chóng mặt, khi khám và điều trị người bệnh sẽ được chỉ định một số phương pháp y tế như sau:

  • Khám lâm sàng: kiểm tra huyết áp, thần kinh tìm hiểu nguyên nhân chóng mặt.
  • Kiểm tra tai: kiểm tra tai trong, kiểm tra thính lực và kiểm tra tiền đình nhằm tìm kiếm các vấn đề liên quan đến tai và hệ thống cân bằng.
  • Xét nghiệm máu: kiểm tra chỉ số đường huyết, chức năng gan, thận và mức độ sắt trong cơ thể nhằm tìm kiếm các vấn đề sức khỏe tổng quát có thể gây ra chóng mặt.
  • Kiểm tra hình ảnh: chụp X-quang, chụp MRI hoặc CT scan nếu nghi ngờ các tổn thương não, tai và tiền đình gây ra chóng mặt và đau đầu.
  • Kiểm tra tim: đo điện tâm đồ (ECG) hoặc siêu âm tim tìm kiếm các vấn đề tim mạch gây ra chóng mặt.

Những phương pháp chẩn đoán này sẽ giúp xác định nguyên nhân gây chóng mặt, từ đó giúp bác sĩ và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Đối tượng có nguy cơ bị chóng mặt

Hiện tượng chóng mặt có thể xảy ra ở bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên có một số nhóm đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao xảy ra tình trạng này bao gồm:

  • Những người ở độ tuổi trung niên trở lên: từ giai đoạn trung niên, chức năng tiền đình có thể bị suy giảm. Theo một nghiên cứu y khoa, khoảng 40% số người trên 40 tuổi có thể bị chóng mặt thường xuyên so với các nhóm tuổi thấp hơn.
  • Người mắc hoặc có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như: suy tim, rối loạn nhịp tim và tắc nghẽn mạch máu làm giảm lưu lượng máu đến não.
  • Người mắc bệnh tiểu đường: các biến chứng của tiểu đường như thiếu máu não và tổn thương dây thần kinh cũng có thể gây chóng mặt.
  • Phụ nữ mang thai: sự thay đổi hormone và sự tăng trưởng của thai nhi có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình gây chóng mặt.
doi-tuong-nao-de-bi-chong-mat
Hiện tượng chóng mặt có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào - ảnh: canva.com

Các bệnh lý phổ biến liên quan đến chóng mặt

Chóng mặt có thể là một hiện tượng sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này xảy ra liên tục hoặc nghiêm trọng hơn có thể biểu hiện nguy cơ về một số bệnh lý như:

  • Bệnh Ménière: bệnh lý tai hiếm gặp do các tinh thể canxi rơi ở ống tai trong làm tăng áp lực nội tai ảnh hưởng đến chức năng hệ tiền đình.
  • Viêm tai giữa: xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus gây nên tình trạng viêm nhiễm trong ống tai giữa gây nên các triệu chứng như chóng mặt, đau, ù tai và mất thính lực.
  • Rối loạn tiền đình: các hiện tượng viêm nhiễm, tổn thương hoặc tác động mạnh (tai nạn, chấn thương thể thao…) lên bộ phận tiền đình gây ra một số rối loạn chức năng cơ quan như não bộ, nội tạng.
  • Các rối loạn thần kinh như đa xơ cứng, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, động kinh...
  • Các bệnh liên quan đến tuần hoàn: huyết áp thấp, thiếu máu, loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành,...
  • Loạn kinh nguyệt: sự thay đổi hormone gây ra ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn làm tăng nguy cơ chóng mặt.

Sơ cứu bước đầu khi bị chóng mặt

Khi gặp tình trạng chóng mặt, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp điều trị chóng mặt tại nhà để giảm triệu chứng như sau:

  • Khi bị chóng mặt nên dừng lại, tìm điểm tựa hoặc vật cứng để giữ thăng bằng hoặc nơi bằng phẳng để ngồi nghỉ ngơi tạm thời, tránh di chuyển nhanh hoặc thay đổi vị trí, trạng thái đứng lên ngồi xuống quá đột ngột.
  • Thư giãn, hít thở sâu để lưu thông oxy đến não làm dịu triệu chứng chóng mặt.
  • Chườm khăn hoặc túi lạnh lên vùng cổ hoặc trán làm co mạch máu, giảm máu tập trung ở các cơ quan ngoại biên để cải thiện triệu chứng chóng mặt.
  • Bổ sung nước vào cơ thể nhằm hỗ trợ hệ thống tuần hoàn.
  • Nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc nghiêm trọng hơn, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chóng mặt là hiện tượng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, tiềm ẩn những nguy cơ bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, bạn đọc cần chú ý theo dõi và thực hiện thăm khám định kỳ để phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare