- Xuất bản: 03/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/02/2024
Đông y điều trị trào ngược dạ dày như thế nào? - Ảnh: BookingCare
Điều trị trào ngược dạ dày theo y học cổ truyền bằng các bài thuốc kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt,… Cùng chúng tôi tìm hiểu về các phương pháp điều trị này qua bài viết dưới đây.
Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý thường gặp, gây ra những biểu hiện khó chịu cho người bệnh như ợ nóng, ợ chua, đau tức ngực,… Điều trị trào ngược dạ dày theo y học cổ truyền có nhiều phương pháp, giúp giảm nhanh triệu chứng và nâng cao thể trạng cơ thể.
Trào ngược dạ dày theo y học cổ truyền
Trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng dịch vị trong dạ dày (bao gồm acid, dịch mật, thức ăn) trào ngược lên thực quản hoặc xa hơn có thể vào khoang miệng (bao gồm thanh quản) hoặc phổi. Trào ngược có thể xảy ra từng đợt hoặc thường xuyên.
Các chất trào ngược có thể đi lên thực quản, vùng hậu họng, vào phổi và gây ra các triệu chứng khó chịu điển hình nhất là ợ nóng, ợ chua, nôn trớ hoặc các triệu chứng khác như đau thượng vị, cảm giác nóng rát sau xương ức, nuốt khó, nuốt đau, ho, khàn tiếng, đầy bụng, khó tiêu,...
Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, xuất huyết thực quản và nhất là ung thư vòm họng, ung thư dạ dày,…
Theo y học cổ truyền, không có bệnh danh của trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, dựa vào triệu chứng bệnh mà quy vào các chứng như Vị nghịch, Vị phản, Thôn toan (ợ hơi, ợ chua), Vị thống (đau bụng thượng vị), Mai hạch khí ( nuốt đau, nuốt khó),...
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do rối loạn tình chí (căng thẳng, lo lắng,…), ngoại tà xâm phạm qua đường ăn uống như ăn nhiều đồ hàn lạnh hay đồ cay nóng, dầu mỡ nhiều, uống rượu bia, hoặc ăn uống không điều độ làm rối loạn công năng Tỳ Vị, tỳ vị hư nhược gây nên.
Điều trị trào ngược dạ dày theo y học cổ truyền
Châm cứu điều trị trào ngược dạ dày - thực quản
Một số huyệt tại chỗ: huyệt Trung quản, Đản trung, Liêm tuyền, Cách du, Lương môn,… Các huyệt này giúp giải quyết các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra như ợ nóng, ho, tức ngực,…
Một số huyệt toàn thân: Túc tam lý, Tỳ du, Vị du, Lương khâu, Âm lăng tuyền, Thái xung, Hành gian,… Trong đó, Túc tam lý là huyệt đặc trị các bệnh lý vùng bụng trên. Huyệt Tỳ du, Vị du, Lương khâu, Âm lăng tuyền có tác dụng điều hòa công năng hoạt động của tạng Tỳ - Vị thông qua tác động hệ kinh lạc, huyệt Thái xung, Hành gian giúp điều hòa tạng Can, hành khí giải uất, điều hòa Tỳ Vị.
Nếu có biến chứng trào ngược gây ho, viêm họng, viêm mũi, có thể châm thêm các huyệt: Liêm tuyền, Hoa cái, Hạ quan, Ấn đường, Đản trung.
Ngoài ra, công thức huyệt, phương pháp châm bổ, châm tả thay đổi tùy theo triệu chứng, thể bệnh của từng người bệnh.
Bên cạnh châm cứu, cấy chỉ vào các huyệt cũng là phương pháp giúp cải thiện triệu chứng, giảm tái phát và ít tác dụng phụ cho người bệnh. Một lần cấy mất chỉ khoảng 3 - 5 phút, 2 - 3 tuần cấy chỉ 1 lần. Một liệu trình điều trị từ 2 - 6 lần tùy theo mức độ bệnh nặng nhẹ.
Xoa bóp bấm huyệt điều trị trào ngược
Bước 1: Người bệnh nằm ngửa. Tiến hành xoa bụng theo vòng tròn quanh rốn, đặc biệt lưu ý vùng thượng vị, để làm ấm da cơ vùng bụng. Tiến hành xoa 5 - 7 vòng.
Bước 2: Day nhẹ nhàng cơ vùng bụng bằng gốc bàn tay hoặc ô mô cái (ô ngoài), ô mô út (ô trong) hoặc vân các ngón tay, di chuyển theo đường tròn để tác động vào các cơ thành bụng. Thời gian trong 3 – 5 phút.
Bước 3: Dùng các ngón tay và gốc bàn tay nhẹ nhàng bóp vào các cơ thành bụng trong 3 – 5 phút.
Bước 4: Day, ấn các huyệt vùng bụng và huyệt toàn thân. Sử dụng vân ngón tay cái tác động vào huyệt một góc 45 - 60 độ, ấn từ từ sâu dần đến khi có cảm giác tức nặng tại huyệt và giữ 10 - 15 giây cho mỗi huyệt, sau đó day tròn tại chỗ trong 10 - 15 giây.
Các huyệt trên cơ thể để giúp hỗ trợ giảm trào ngược dạ dày - thực quản bao gồm: huyệt Trung quản, Đản trung, Liêm tuyền, Cách du, Lương môn, Túc tam lý, Tỳ du, Vị du, Lương khâu, Thái xung, Nội quan,...
Bài Bán hạ tả tâm thang gia giảm: Dùng trong trường hợp trào ngược có biểu hiện đau nóng vùng ngực rõ rệt, ợ chua nhiều, bụng đau âm ỉ, thích chườm ấm, lúc đói đau tăng lên, ăn vào thì đỡ đau, buồn nôn, chán ăn, tay chân lạnh, đại tiện nát.
Bài Sài hồ sơ can tán kết hợp Hương tô tán gia giảm: Dùng trong trường hợp trào ngược có đau vùng thượng vị, đau lan sang hai bên sườn, tức ngực, hay thở dài, chướng bụng, ợ hơi nhiều, tinh thần không tốt (căng thẳng) bệnh thêm nặng.
Bài Đan chi tiêu dao tán kết hợp Tả kim hoàn gia giảm: Trào ngược có biểu hiện vùng ngực đau nóng như có lửa đốt, hồi hộp, dễ cáu gắt, miệng khô, đắng, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoặc sác.
Bài Nhất quán tiễn kết hợp Thược dược cam thảo thang gia giảm: Trào ngược dạ dày thực quản có biểu hiện vùng sau ngực hoặc dạ dày đau âm ỉ, miệng khô háo, lòng bàn tay bàn chân nóng, người mệt mỏi, đại tiện táo.
Một số lưu ý khi điều trị trào ngược bằng đông y
Người bệnh không nên tự cắt thuốc về nhà uống. Khi có bệnh nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán và thầy thuốc kê đơn phù hợp.
Thuốc đông y có tác dụng chậm, phải dùng kiên trì theo liệu trình của thầy thuốc. Hiệu quả của thuốc điều trị tuỳ theo cơ địa, mức độ bệnh, chế độ kiêng cữ, chăm sóc của từng người.
Một số loại thảo dược được sử dụng trong bài thuốc đông y có thể tương tác với thuốc Tây. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định kết hợp cả 2 phương pháp.
Châm cứu, thuỷ châm, điện châm cần lưu ý chống chỉ định trong các trường hợp phụ nữ có thai và cho con bú, trường hợp cấp cứu, có vết thương, viêm nhiễm ngoài da tại nơi châm,…
Trước khi thực hiện châm cứu, thầy thuốc cần giải thích kỹ càng trước với người bệnh, động viên người bệnh để tránh tác dụng không mong muốn: choáng, ngất, vựng châm, chảy máu, gãy kim,…
Người bệnh cần xây dựng lối sống sinh hoạt – ăn uống lành mạnh để hạn chế triệu chứng bệnh: chia thành nhiều bữa nhỏ; tăng cường rau xanh và trái cây tươi; hạn chế đồ ăn cay nóng, dầu mỡ, thực phẩm đông lạnh, thức ăn nhanh hay chất kích thích; ăn xong không nằm ngay hoặc lao động, làm việc ngày; nên ăn chậm, nhai kỹ tránh căng thẳng mệt mỏi, ngủ sớm và đủ giấc, tăng cường tập luyện thể dục thể thao,…
Trên đây là một số thông tin về điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng đông y. Hy vọng bài thuốc cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.