- Xuất bản: 03/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/02/2024
Đông y điều trị gout chú trọng cải thiện triệu chứng, điều trị nguyên nhân - Ảnh: BookingCare
Có thể điều trị gout theo y học cổ truyền bằng cách dùng các bài thuốc cổ phương, châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt,… Vậy phương pháp áp dụng như thế nào? Hãy cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bệnh gout là bệnh phổ biến hiện nay, hay gặp ở nam giới ngoài 30 tuổi. Bệnh gây ra những cơn đau ở khớp, gây bất tiện trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Điều trị gout theo y học cổ truyền chú trọng cải thiện triệu chứng, điều trị nguyên nhân, đồng thời nâng cao thể trạng người bệnh. Cùng tìm hiểu các phương pháp đông y điều trị gout qua bài viết dưới đây.
Bệnh gout theo đông y
Theo quan niệm y học cổ truyền, bệnh gout được gọi là chứng “thống phong”, “lịch tiết phong”, “bạch hổ phong”...
Bệnh do các yếu tố bên ngoài (phong, hàn, thấp) xâm nhập vào cơ thể, gây tắc nghẽn tại các kinh lạc; hoặc do cơ thể vốn yếu, bệnh kéo dài khiến Can, Thận hư; hoặc Tỳ Vị hư kết hợp chế độ ăn nhiều đạm, rượu bia khiến chức năng vận hoá của Tỳ Vị giảm sút sinh ra đàm thấp gây tắc trở, ứ kết ở các cơ khớp, kinh lạc gây sưng đau.
Bệnh kéo dài khiến cho tạng Thận và Can hư thêm: Can Thận suy không nuôi dưỡng được xương khiến xương khớp biến dạng, Tỳ hư không vận hoá được, không nuôi dưỡng được cơ nhục gây teo cơ, lắng đọng thấp trệ, thấp ứ trệ thành đàm, đàm ứ kết mà hình thành các u cục ứ đọng quanh khớp, dưới da (nguyên nhân làm lắng đọng các hạt tophi tại các khớp).
Bệnh chia thành đợt cấp và đợt mạn, trong đó đợt cấp có 2 thể bệnh chính:
Đợt cấp thể phong thấp nhiệt: Khớp ngón cái hoặc các ngón khác đột ngột sưng, đau, nóng, đỏ, kèm sốt, đau đầu, phát sốt, sợ gió, hoặc bứt rứt, miệng khô, khát nước, tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn, mạch hoạt sác.
Đợt cấp thể hàn thấp tý: Khớp xương sưng to đau kéo dài, co duỗi khó, tại khớp không nóng đỏ nhưng đau nhiều kèm tê dại, da tím sạm đen, chườm nóng dễ chịu, mạch trầm huyền hoặc khẩn, lưỡi nhợt, rêu trắng.
Bệnh đợt mạn: Bệnh lâu ngày làm khí huyết, tạng phủ hư tổn. Đau khớp tái đi tái lại, dai dẳng không dứt, lúc nặng lúc nhẹ hoặc cảm giác đau nhức âm ỉ di chuyển giữa các khớp. Sưng nề, hạn chế vận động khớp, thậm chí biến dạng, người mệt mỏi, đau đầu hoa mắt chóng mặt, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế vô lực.
Đông y điều trị bệnh thống phong thường dựa vào chứng (các chứng hậu, chứng trạng) và mạch chẩn (bắt mạch), kết hợp ăn uống kiêng cữ đúng mức. Tuỳ vào diễn biến bệnh mà pháp điều trị khác nhau: lần đầu hay tái phát, sưng đỏ hay không sưng, khớp biến dạng hay chưa có biến dạng,...
Điều trị gout bằng y học cổ truyền
Điều trị gout bằng châm cứu
Châm cứu được cho là có hiệu quả trong việc điều trị các cơn gout cấp tính, đặc biệt là giảm đau, cải thiện lưu thông máu và giảm viêm.
Một số huyệt có thể được dùng để châm cứu điều trị gout như: Tam âm giao, Túc tam lý, Âm lăng tuyền, Dương lăng tuyền, Khúc trì, Hợp cốc, Huyết hải, Độc tỵ, Uỷ trung, Côn lôn, Đại chùy, Ngoại quan, Tuyệt cốt, Phong long, Túc tam lý, Thận du,…
Liệu trình châm từ 10 – 14 ngày, mỗi ngày 1 lần từ 20 – 25 phút, có thể làm cách ngày.
Ngoài châm cứu, có thể áp dụng các phương pháp khác như:
Nhĩ châm (châm loa tai): Châm các huyệt tương ứng điểm đau như: nội tiết, thần môn, giao cảm, thận, tỳ,… Thường châm liên tục theo liệu trình 7 ngày.
Cấy chỉ: Cấy chỉ tự tiêu vào các huyệt.
Điều trị gout bằng xoa bóp bấm huyệt
Căn cứ vào chứng viêm khớp và vị trí bị đau mà lấy những huyệt tương ứng. Sử dụng thủ pháp bình, đẩy, bóp, ấn, vê, xoa, lắc, tiến hành từ nhẹ đến mạnh. Mỗi ngày 1 - 2 lần, mỗi lần từ 15 - 30 phút.
Xoa hai bàn tay cho nóng. Ôm đầu gối trái trước, xoa lên xuống từ 3 – 5 phút rồi dùng 2 ngón trỏ chà xát nửa vòng tròn đầu gối bên dưới. Còn 2 ngón cái cũng làm động tác như thế ở nửa vòng tròn đầu gối bên trên, tạo thành vòng tròn của khớp gối được xoa bóp.
Tuần đầu, mỗi bên đầu gối xoa bóp 5 – 7 phút, cả hai bên được 10 – 15 phút. Hằng ngày tự xoa bóp 2 lần sáng khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ.
Tuần sau tăng thêm thời gian. Ngoài ra, có thể hơ nóng các huyệt bằng điếu ngải cứu: dương lăng tuyền, độc tỵ, ủy trung, côn lôn đối với bệnh cấp thể phong hàn thấp hoặc giai đoạn mạn tính.
Lưu ý trong giai đoạn cấp các khớp đang sưng nóng đỏ không nên xoa bóp bấm huyệt tại chỗ, ưu tiên bấm các huyệt đặc hiệu từ xa có tác dụng hiệu quả.
Điều trị gout theo bài thuốc y học cổ truyền
Một số bài thuốc điều trị gout như:
Bạch hổ quế chi thang
Bài Tam diệu thang gia giảm
Bài Tứ diệu tán gia vị
Bài Ý dĩ nhân thang
Bài Tam tý thang gia giảm
Bài Quyên tý thang gia giảm
Bài Độc hoạt ký sinh thang
Bài thuốc giúp điều trị bệnh gout được nhiều người quan tâm, lựa chọn điều trị - Ảnh: Freepik
Một số món ăn hỗ trợ điều trị gout
Bên cạnh dùng thuốc, một số món ăn bài thuốc còn giúp hỗ trợ điều trị gout hiệu quả như:
Canh rau hẹ: Rau hẹ 200g, đậu hủ non 50g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.
Canh thập cẩm: Củ cải 100g, cà rốt 50g, khoai tây 50g, hành ta 5 củ, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.
Canh dưa leo: Dưa leo 2 - 3 trái, nấm mèo 20g, đậu hũ 30g, hành khô 3 củ, gia vị băm nhỏ nhồi vào quả dưa nấu ăn.
Cháo ức gà: Thịt ức gà 30g luộc xé nhỏ, gạo mới 100g nấu nhừ cho thêm hành hoa, rau mùi tàu, gia vị mắm muối vừa ăn.
Cá rô om lá lốt: Cá rô đồng 2 - 3 con, 100g làm sạch, lá lốt 30g, củ cải 100g thái lát, nghệ 1 - 2 lát gia vị kho ăn.
Một số lưu ý khi điều trị gout bằng y học cổ truyền
Không nên tự cắt thuốc về nhà uống. Khi có bệnh nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán và thầy thuốc kê đơn phù hợp.
Thuốc đông y có tác dụng chậm, phải dùng kiên trì theo liệu trình của thầy thuốc.
Hiệu quả của thuốc điều trị tùy theo cơ địa, mức độ bệnh, chế độ kiêng cữ, chăm sóc của từng người.
Một số loại thảo dược được sử dụng trong bài thuốc đông y có thể tương tác với thuốc Tây. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định kết hợp cả 2 phương pháp.
Châm cứu, thuỷ châm, điện châm cần lưu ý chống chỉ định trong các trường hợp phụ nữ có thai và cho con bú, trường hợp cấp cứu, có vết thương, viêm nhiễm ngoài da tại nơi châm…
Trước khi thực hiện châm cứu, thầy thuốc cần giải thích kỹ càng trước với người bệnh, động viên người bệnh để tránh tác dụng không mong muốn: choáng, ngất, vựng châm, chảy máu, gãy kim…
Khi điều trị gout bằng y học cổ truyền cần kết hợp điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống để đạt được hiệu quả nhanh chóng và lâu dài. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.