Tổng quan: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị thiếu magie
Thiếu magie
Magiê là một khoáng chất thiết yếu vô cùng quan trọng - Ảnh: BookingCare

Tổng quan: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị thiếu magie

Tác giả: - Xuất bản: 31/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/06/2024
Khi cơ thể thiếu magie dẫn đến rối loạn nhiều hoạt động sinh lý trong cơ thể như: rối loạn nhịp tim, hoạt động của cơ, thần kinh và chuyển hóa năng lượng. Nguyên nhân của thiếu magie là gì? Dấu hiệu và điều trị bệnh như thế nào?

Magiê là một khoáng chất thiết yếu vô cùng quan trọng của cơ thể, chúng chủ yếu được dự trữ trong xương và một lượng nhỏ trong máu.

Magie đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể bao như tổng hợp protein, sản xuất và dự trữ năng lượng, ổn định các tế bào, dẫn truyền tín hiệu thần kinh, chuyển hóa xương, dẫn truyền tín hiệu giữa cơ và dây thần kinh, chuyển hóa glucose và insulin,... Vì vậy, khi cơ thể thiếu magie sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Thiếu magie là gì?

Ở người trưởng thành khoảng 60% lượng magie dự trữ ở xương, 40% trong tế bào và khoảng hơn 1% magiê tồn tại trong máu. Thiếu magie xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng magie cần thiết cho các chức năng thiết yếu của cơ thể.

Dấu hiệu thiếu magie là gì?

Trong phần lớn các trường hợp, thiếu magie có thể không gây ra các triệu chứng điển hình ngay từ ban đầu vì cơ thể sẽ huy động magie dự trữ từ xương hoặc tế bào để sử dụng cho đến khi nguồn dự trữ magie cạn kiệt.

Thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thiếu magie phụ thuộc vào mức độ và tốc độ suy giảm magie trong cơ thể.

Dấu hiệu ban đầu thiếu magie

  • Mệt mỏi
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Co thắt cơ bắp 
  • Buồn nôn
  • Cơ thể kém linh hoạt
  • Yếu cơ

Dấu hiệu thiếu magie nặng

Nếu tình trạng thiếu magiê không được điều trị, mọi thứ có thể trở nên tệ hơn. Một số dấu hiệu thiếu magie nặng có thể gặp như:

  • Nhịp tim bất thường
  • Cảm giác tê và ngứa ran
  • Thay đổi tính cách
  • Co giật

Nguyên nhân gây thiếu magie?

Ở người khỏe mạnh, thiếu magie thường ít khi xảy ra. Đa phần, thiếu magie thường do các vấn đề sức khỏe hoặc do sử dụng thuốc của người bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và dự trữ magie. 

Một số nguyên nhân chính gây thiếu magie thường gặp như:

  • Chế độ ăn thiếu magie: Một chế độ ăn uống không bao gồm đủ nguồn magie, đặc biệt là ở người lớn tuổi hoặc những người không đủ ăn sẽ dẫn đến thiếu hụt magie.
  • Đái tháo đường type 2: ở những người có tình trạng đề kháng insulin gây mất magie qua nước tiểu.
  • Rối loạn tiêu hóa như nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài cũng là các nguyên nhân chính gây mất magie.
  • Một số bệnh lý gây thiếu magie như bệnh Crohn, bệnh celiac, bệnh thận mạn,...
  • Sử dụng lâu dài một số loại thuốc gây thiếu magie như thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị trào ngược,... dẫn đến mất các chất điện giải như kali, canxi và magie.
  • Nghiện rượu cũng là nguyên nhân gây thiếu magie.

Thiếu magie nguy hiểm như thế nào?

Magie là một khoáng chất thiết yếu của con người, thiếu magie sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sinh lý của cơ thể. Những vấn đề sức khỏe do thiếu magie gây ra thường gặp như:

Ảnh hưởng đến tâm trạng

Thiếu hụt magie có thể tác động tới sức khỏe tâm thần như thờ ơ, giảm tập trung, chú ý,… Một số trường hợp thậm chí có thể dẫn đến mê sảng và hôn mê. Ngoài ra, các nghiên cứu quan sát cho thấy mức magiê thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm.

Loãng xương

Thiếu magie cũng là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương.

Các nghiên cứu trên chuột xác nhận rằng chế độ ăn uống thiếu magiê dẫn đến giảm khối lượng xương. Mặc dù không có nghiên cứu nào như vậy được thực hiện ở người, nhưng nghiên cứu cho thấy việc hấp thụ magie kém có mật độ khoáng xương thấp hơn.

Mệt mỏi, yếu cơ, co giật cơ và chuột rút

Tình trạng này đặc trưng bởi kiệt sức hoặc suy nhược về thể chất hoặc tinh thần, là một triệu chứng quan trọng của thiếu magie.

Theo các nhà khoa học, sự yếu cơ này là do mất kali trong các tế bào cơ, một tình trạng liên quan đến sự thiếu hụt magie. Do đó, thiếu magiê là một trong những nguyên nhân có thể gây ra mệt mỏi hoặc suy nhược.

Nhịp tim không đều

Rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều là một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất có thể xảy ra của việc thiếu magie. Ở một số người, nó có thể khiến tim đập nhanh.

Một số biểu hiện rối loạn nhịp tim có thể xảy ra như khó thở, tức ngực, chóng mặt, mệt,... Rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc suy tim.

Rối loạn nhịp tim
Thiếu magie gây rối loạn nhịp tim, làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc suy tim - Ảnh: Freepik

Cách điều trị thiếu magie

Nguyên tắc chính trong điều trị thiếu magie bao gồm:

  • Theo dõi nồng magiê và các chất điện giải liên quan (như canxi, kali và carbonate máu) khi điều chỉnh magie.
  • Điều trị nguyên nhân gây thiếu magie.

Điều trị thiếu magiê bằng thuốc

Với các trường hợp thiếu magie, người bệnh sẽ được sử dụng các thuốc chứa magie bằng đường tiêm truyền hoặc uống để điều trị, thời gian điều trị thường 5 - 7 ngày tùy mức độ bệnh. Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu magie có nguồn gốc tự nhiên.

Thực phẩm bổ sung magie cho cơ thể

Một số thực phẩm sau đây có thể sẽ cung cấp cho bạn lượng magie đầy đủ hàng ngày như:

  • Các loại hạt, đậu giàu magie
  • Các loại ngũ cốc giàu magie như hạt quinoa (đã nấu chín), lúa mì cắt nhỏ (loại thường, chưa đông lạnh),...
  • Các loại rau xanh giàu magie
  • Trái cây giàu magie như bơ, chuối, đu đủ, quả mâm xôi,...
  • Bơ, sữa và các sản phẩm từ sữa

Mặc dù, phần lớn magie được cơ thể dự trữ ở xương và chỉ một phần nhỏ lưu hành trong máu để cơ thể sử dụng nhưng chúng ta có thể thiếu magie nếu không bổ sung và kiểm tra thường xuyên. Do đó, hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và điều trị thiếu magie là một cách hiệu quả bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình từ sớm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết