Top 6 bệnh đại tràng thường gặp và dấu hiệu nhận biết
Các bệnh đại tràng thường gặp và dấu hiệu nhận biết
Các bệnh đại tràng thường gặp và dấu hiệu nhận biết - Ảnh: BookingCare

Top 6 bệnh đại tràng thường gặp và dấu hiệu nhận biết

Tác giả: - Xuất bản: 27/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Với vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, đại tràng đóng một phần quan trọng trong duy trì sức khỏe tổng thể của cơ thể.

Đại tràng (còn được gọi là ruột già) là một phần quan trọng của hệ tiêu hóa trong cơ thể người, có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải. Nếu đại tràng không hoạt động bình thường thì sẽ dẫn đến nhiều vấn đề, bệnh lý khiến chất lượng cuộc sống suy giảm.

Cùng BookingCare tìm hiểu các bệnh đại tràng thường gặp và dấu hiệu nhận biết để bệnh nhân kịp thời thăm khá ngay trong bài viết dưới đây.

Top 6 bệnh đại tràng thường gặp và dấu hiệu nhận biết

Các bệnh đại tràng rất phổ biến tại Việt Nam. Bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh đại tràng.

6. Viêm túi thừa đại tràng

Viêm túi thừa đại tràng là tình trạng viêm nhiễm của các túi thừa nằm tại lớp niêm mạc của thành đại tràng. 5-10% người có túi thừa đại tràng sẽ bị viêm túi thừa đại tràng có triệu chứng. 60% người >60 tuổi có túi thừa đại tràng, và 25% số này có thể bị viêm túi thừa đại tràng. 

Dấu hiệu nhận biết viêm túi thừa đại tràng

  • Đau bụng: điển hình là đau vùng bụng dưới cấp tính hoặc kéo dài, kèm theo buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Bệnh có thể diễn tiến tái phát theo từng đợt, cần phải nhập viện để điều trị.

5. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới.  Tỉ lệ mắc bệnh là 5 - 20% dân số, nữ hay gặp gấp 2 lần nam, đặc biệt ở lứa tuồi <45. Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích là chẩn đoán chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm bệnh lý đại trực tràng, với 80% bệnh nhân đến khám.

Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng của đại tràng, thường gây ra đau bụng, đầy hơi, thay đổi thói quen đi tiêu.. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, kéo dài làm người bệnh lo lắng, căng thẳng mất ngủ…

Hội chứng ruột kích thích là một chẩn đoán loại trừ, sau khi bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm cần thiết như nội soi đại trực tràng, xét nghiệm phân và xét nghiệm sinh hoá máu để loại trừ các bệnh lý thực thể tại đại tràng.

Dấu hiệu nhận biết Hội chứng ruột kích thích

  • Đau bụng: rất đa dạng, có thể đau sau ăn, có thể đau khi ăn no, đặc biệt là đau vào buổi sáng thường đau vùng bụng ở dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, trướng hơi, khó tiêu (dễ nhầm với đau dạ dày)đau bụng giảm đi sau đi đại tiện, đau âm ỉ không ở vị trí nào rõ rệt, có lúc đau dữ dội rồi trở về bình thường.
  • Tiêu chảy thường gặp hơn táo bón. Có thể tiêu chảy xen kẽ với táo bón. Cảm giác đi cầu không hết phân, chướng bụng.

4. Viêm loét đại trực tràng chảy máu 

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh gây viêm và loét niêm mạc đại tràng, trực tràng kéo dài gây chảy máu.. Viêm loét đại trực tràng có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào, nhưng thường gặp từ 15 đến 30 tuổi, và có thể di truyền trong gia đình.

Dấu hiệu nhận biết viêm loét đại trực tràng chảy máu

  • Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng và tiêu phân có máu hoặc mủ.
  • Đau bụng: cơn đau thường tập trung ở vùng bụng dưới, 2 bên hố chậu, dọc khung đại tràng. 
  • Tiêu phân có máu: Bệnh nhân đi ngoài sẽ có lẫn máu đỏ, hoặc phân đen. 
  • Các triệu chứng khác có thể bao gồm: thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân, chán ăn, đau khớp, chậm phát triển thể chất ở trẻ em.
Cấu tạo đại tràng
Cấu tạo đại tràng - Ảnh: BookingCare

 

4. Bệnh Crohn

Crohn là bệnh viêm mạn tính đường tiêu hoá, gây tổn thương ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hoá từ miệng đến hậu môn, xen kẽ các giai đoạn ổn định là các đợt bùng phát.

Nguyên nhân gây bệnh Crohn chưa rõ ràng, cơ chế sinh bệnh có thể do phản ứng bất thường của hệ miễn dịch cơ thể. Độ tuổi mắc bệnh thường từ 13 đến 30 tuổi, có thể di truyền trong gia đình. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh Crohn

  • Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng và tiêu chảy
  • Các triệu chứng khác bao gồm: chảy máu trực tràng, sụt cân, sốt, mệt mỏi, ăn uống kém.
  • Người bệnh Crohn có thể có các vấn đề về khớp và da, trẻ em bị Crohn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.

2. Polyp đại tràng

Polyp đại tràng Là bệnh lý mà các tế bào hình thành khối nhỏ ngay trên niêm mạc đại tràng. Trong phần lớn các trường hợp các khối polyp là lành tính, không gây hại. Tuy nhiên, một số trường hợp khối polyp này có thể phát triển thành ung thư hoặc là ung thư dạng polyp, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Để đảm bảo, bác sĩ sẽ cắt polyp thông qua nội soi đại tràng và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác định polyp có lành tính hay không. 

Bất cứ ai cũng có thể bị polyp đại tràng, tuy nhiên một số người có nguy cơ bị polyp đại tràng cao hơn nếu có các yếu tố nguy cơ sau:

  • >50 tuổi
  • Đã từng bị polyp đại tràng
  • Trong gia đình có người bị polyp đại tràng
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư đại tràng

Dấu hiệu nhận biết polyp đại tràng

Hầu hết polyp đại tràng thường không có triệu chứng, bệnh nhân mắc polyp đại tràng có thể có một số triệu chứng như: đi tiêu phân có máu, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài trên một tuần.

1. Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, thực tế bệnh phổ biến ở cả hai giới nam và nữ Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 30 - 60.

Ung thư đại tràng xảy ra khi có khối u hình thành trong niêm mạc đại tràng và trực tràng. Nguy cơ mắc ung thư đại tràng tăng cao sau 50 tuổi, đặc biệt khi kèm các yếu tố nguy cơ: 

  • Có polyp đại tràng
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư đại tràng
  • Viêm loét đại trực tràng chảy máu hoặc bệnh Crohn
  • Chế độ ăn nhiều chất béo
  • Hút thuốc lá

 Dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể. Do đó việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát là rất quan trọng, đặc biệt khi >50 tuổi. Công cụ tầm soát thường dùng là nội soi đại trực tràng, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân và một số xét nghiệm sinh hoá máu. Khi ung thư tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như:

  • Đi tiêu phân máu: Triệu chứng này thường dễ nhầm với bệnh trĩ hay kiết lỵ. Tuy nhiên đây cũng là một trong những dấu hiệu ban đầu của ung thư đại tràng.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, cảm giác vẫn còn chất thải trong ruột khi đã đi đại tiện xong, đại tiện nhiều lần, phân lỏng hoặc phân có kèm theo chất nhầy…
  • Đau bụng kéo dài 
  • Mệt mỏi, chóng mặt và khó thở không rõ nguyên nhân
  • Giảm cân nhanh chóng và liên tục trong vài tháng

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị bệnh đại tràng

Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề rắc rối liên quan đến đại tràng, hãy lưu ý một vào nguyên tắc sau để xây dựng một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng tốt nhất:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hãy bổ sung thêm nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch đường tiêu hoá 
  • Đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước của cơ thể. Người lớn nên uống 2 – 3 lít nước mỗi ngày bởi nước không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp kích thích nhu động ruột và giúp quá trình bài tiết độc tốc trong cơ thể hiệu quả hơn
  • Nên ăn các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa và hạn chế ăn những thực phẩm khó tiêu như đồ chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ và đồ cay nóng
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, chất kích thích và đặc biệt không nên hút thuốc lá
  • Chia nhỏ bữa ăn để thức ăn được tiêu hóa dễ hơn. Ngoài ra, việc chia nhỏ bữa ăn cũng làm giảm bớt áp lực lên đại tràng, giúp bệnh không tiến triển nặng và hỗ trợ điều trị bệnh
  • Với những bệnh nhân bị bệnh Crohn, không nên ăn các thực phẩm từ sữa vì chúng khiến tình trạng tiêu chảy nặng nề hơn
  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để kích thích nhu động ruột, nâng cao sức khỏe và tăng cường tuần hoàn máu đến đại tràng
  • Không nên thức khuya, làm việc quá sức, tránh căng thẳng, stress vì chúng có thể là nguyên nhân khiến các triệu chứng của bệnh trở nên nặng hơn

Nhận biết sớm và chăm sóc đúng cách là yếu tố giúp đảm bảo tình trạng sức khỏe của đại tràng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu hay có băn khoăn về các bệnh đại tràng, hãy tìm kiếm sự tư vấn và kiểm tra từ bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và quản lý đúng cách.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết