Top 7 Nguyên nhân viêm dạ dày

Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 09/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Top nguyên nhân gây viêm dạ dày
Top nguyên nhân gây viêm dạ dày - Ảnh: BookingCare
Cùng BookingCare tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm dạ dày trong bài viết dưới đây.

Bệnh viêm dạ dày là một tình trạng thường gặp trong hệ tiêu hóa và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số top nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm dạ dày.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ Tiêu hóa Hồ Lê Bá Đạt.

Top 7 nguyên nhân viêm dạ dày

1. Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori

Helicobacter pylori (gọi tắt là vi khuẩn H.p) là một loại xoắn khuẩn được tìm thấy trong niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn này có khả năng tiết ra men urease giúp trung hòa axit trong dạ dày. Nhờ đặc tính này mà vi khuẩn dạ dày có thể ẩn nấu và sinh sống, gây nên tình trạng viêm dạ dày, về lâu dài có thể gây nên tình trạng loét dạ dày tá tràng, hoặc trường hợp viêm dạ dày mạn tính kéo dài có nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.

Vi khuẩn H.p chủ yếu lây từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc chất phân. Khi chúng ta sử dụng các thực phẩm tươi sống như rau củ quả hoặc nước sinh hoạt không được rửa và xử lý kỹ lưỡng, cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.p

2. Lạm dụng thuốc

Rất nhiều loại thuốc sử dụng lâu dài có thể gây cho hại niêm mạc dạ dày, gây nên bệnh “viêm” dạ dày phản ứng. Ví dụ, các loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, aspirin, meloxicam… đều tạo tác dụng giảm đau thông qua cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin – chất vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra, các loại thuốc để điều trị loãng xương đường uống cũng có nguy cơ làm tổn thương bề mặt niêm mạc dạ dày như alendronate.

Các loại thuốc hóa trị hoặc xạ trị sử dụng trong điều trị ung thư có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày.

Trường hợp các ít gặp nhưng cũng có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày là thuốc Sắt, hoặc thuốc sodium phosphate sử dụng trong thụt tháo đại tràng…

3. Lạm dụng các độc chất

Các chất gây nghiện hoặc độc chất có thể gây phá hủy dạ dày

Chất độc thường gặp nhất đó chính là rượu bia và thức uống có cồn. Khi được tiêu thụ một lượng lớn các loại đồ uống này, niêm mạc dạ dày sẽ xuất hiện các vết trợt hoặc xuất huyết. Nội soi dạ dày thường ghi nhận có hình ảnh xuất huyết dưới biểu mô niêm mạc.

Trên các đối tượng đang sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, việc kết hợp sử dụng với rượu bia có thể thúc đẩy gây loét dạ dày nhanh hơn so với việc sử dụng rượu bia thông thường.

Một số chất gây nghiện hoặc chất cấm như cocaine, ketamine có thể làm cho dạ dày bị xuất huyết, thủng hoặc thậm chí vỡ dạ dày.

Một số kim loại nặng (thủy ngân), hoặc Selenium cũng có khả năng làm tổn thương dạ dày.

4. Trào ngược dịch mật

Dịch mật là chất lỏng màu vàng đục, có tính kiềm, được chế tiết từ tế bào gan, dẫn xuống theo đường mật đổ vào tá tràng, có nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là chất béo.

Trào ngược dịch mật là hiện tượng dịch mật đổ từ ruột non (tá tràng) vào dạ dày, thường gặp sau khi phẫu thuật do loét dạ dày, phẫu thuật ung thư dạ dày hoặc sau điều trị béo phì bằng phẫu thuật, đồng thời có thể xảy ra sau khi cắt túi mật, hoặc cắt cơ vòng dẫn mật.

Bệnh dạ dày phản ứng do trào ngược dịch mật cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân không phẫu thuật, đó là những bệnh nhân có các triệu chứng khó tiêu lâu ngày.

Trên hình ảnh nội soi, bệnh nhân có tình trạng này thường ghi nhận có phù niêm mạc, sung huyết và có các vết trợt và dịch mật vàng đọng trên niêm mạc

5. Viêm dạ dày do nguyên nhân tự miễn

Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể không phân biệt được “người nhà” là các cơ quan trong cơ thể với những chất lạ, làm kích hoạt hệ thống miễn dịch (bạch cầu) tiết ra các loại kháng thể tấn công lại tế bào của chính mình, các tự kháng thể này huy động các tế bào bạch cầu để tấn công và gây hại cho cơ quan đích.

Trong bệnh viêm dạ dày do nguyên nhân tự miễn, có nghĩa là cơ thể tấn công chính các tế bào tạo nên niêm mạc trong dạ dày của bạn. Phản ứng này có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ dạ dày của bạn.

Viêm dạ dày do nguyên nhân tự miễn phổ biến hơn ở những người mắc các rối loạn miễn dịch khác nhau.

Viêm dạ dày thiếu máu ác tính là một bệnh lý tự miễn mà các tuyến đáy vị không tiết được axit hydrochloric,  giảm tiết yếu tố nội tại – một thành phần giúp hấp thu vitamin B12 có vai trò quan trọng trong tạo máu, dẫn đến thiếu máu nặng, sinh thiết mẫu mô niêm mạc vùng đáy vị ghi nhận có viêm teo nặng mạn tính, mất các tuyến chức năng và chuyển sản niêm mạc ruột gây ra do niêm mạc đáy vị bị phá hủy do nguyên nhân tự miễn.

Ngoài ra Viêm dạ dày tự miễn còn có các loại khác như Viêm dạ dày dạng u hạt, viêm dạ dày thấm nhập tế bào lympho, do bệnh lý tạo keo, hoặc viêm dạ dày do thấm nhập bạch cầu ái toan. Các bệnh lý viêm loét ruột mạn tính như Viêm loét đại tràng xuất huyết hay bệnh Crohn cũng có khả năng gây viêm dạ dày.

6. Stress, căng thẳng kéo dài

Áp lực từ cuộc sống gia đình, công việc, học tập rất dễ đẩy con người ta vào tình trạng stress, mất ngủ kéo dài. Căng thẳng stress không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, chán nản mà còn là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm trong đó có bệnh Viêm dạ dày.

Viêm dạ dày gặp nhiều ở những người thường xuyên phải đối mặt với áp lực tâm lý. Stress kéo dài làm dạ dày tiết nhiều axit HCl và men pepsine khiến môn vị co thắt, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

Stress trong công việc và cuộc sống khiến cho người bệnh ăn uống thất thường, hoặc làm cho họ tiêu thụ nhiều các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thậm chí chất gây nghiện, làm nặng thêm tình trạng viêm dạ dày.

Không chỉ với trường hợp stress thông thường khi bệnh nhân tỉnh táo, các trường hợp stress do bệnh nặng cần phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực, thở máy như shock, nhiễm trùng huyết, bỏng nặng, chấn thương nặng, chấn thương sọ não, hoặc điều trị phẫu thuật lớn… cũng gây tình trạng bệnh dạ dày gây xuất huyết hoặc loét gây xuất huyết dạ dày cần phải được can thiệp điều trị tích cực.

7. Các bệnh lý nhiễm khuẩn khác

Thông thường, dạ dày có chức năng chế tiết axit mạnh để tiêu hóa thức ăn và tiêu diệt các loại vi trùng gây hại. Khi cơ thể bị suy yếu, đặc biệt với các bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, như đái tháo đường kiểm soát kém hoặc HIV AIDS, sau điều trị ghép tạng hoặc ghép tủy. Hàng rào bảo vệ chắc chắn này bị mất chức năng, có nguy cơ viêm nhiễm các loại vi trùng cơ hội.

Các loại vi khuẩn hiếu khí, hoặc kỵ khí, hoặc virus như CMV có khả năng tấn công vào niêm mạc dạ dày, gây viêm mủ hoặc hoại tử dạ dày, những trường hợp này tiên lượng rất nặng, cần phải can thiệp phẫu thuật để dẫn lưu hoặc cắt toàn bộ dạ dày càng sớm càng tốt nhằm cứu sống bệnh nhân.

Tóm lại, bệnh viêm dạ dày có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể từ vi khuẩn đến thói quen ăn uống và cả tình trạng tâm lý. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay dẫn tới viêm dạ dày vẫn là do nhiễm khuẩn H.p và chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cụ thể và điều trị tốt hơn cho bệnh viêm dạ dày, thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa là cần thiết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết