Trầm cảm có nên/ có thể sinh con không?
Trầm cảm có nên sinh con không?
Trầm cảm có nên sinh con không?

Trầm cảm có nên/ có thể sinh con không?

Tác giả: - Xuất bản: 09/04/2021 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Người bị trầm cảm cần được điều trị ổn định hoàn toàn trong thời gian ít nhất 1 năm trước khi có thai để có được sức khoẻ sinh sản tốt nhất. 

Trước khi đọc tiếp bài viết này, bạn cần hiểu rõ tình trạng của mình hiện tại như thế nào, từ đó mới có thể có câu trả lời phù hợp được: 

  • Bạn đã bị trầm cảm trước đây, còn hiện tại bạn đã khỏi chưa (bác sĩ chuyên khoa Tâm thần kết luận khỏi bệnh) 
  • Nếu đã khỏi, thì bạn đã khỏi được bao lâu rồi. Hiện tại tâm trạng của bạn có thực sự thoải mái không?
  • Nếu chưa khỏi, bạn bị đang trầm cảm mức độ nhẹ, vừa hay trầm cảm nặng (cần làm Test trầm cảm hoặc đi khám bác sĩ để đánh giá mức độ)
  • Bạn có đang điều trị bằng thuốc chống trầm cảm không?
  • Bạn còn suy nghĩ về cái chết hay ý định tự sát không?
  • Cuộc sống và các mối quan hệ (gia đình, bạn bè, công việc, tài chính...) đã ổn chưa, hay bạn vẫn còn nhiều điều không thoải mái với họ?

Đây là những điều cơ bản nhất bạn cần hiểu về chính mình trước khi quyết định sinh con hay không. Đừng bi quan. Cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp nếu bạn hiểu và suy nghĩ tích cực.

Có thể sinh con không? 

Phụ nữ mắc trầm cảm vẫn có thể thụ thai, mang thai và sinh đẻ như những người bình thường khác. Vì vậy, bạn có thể yên tâm rằng trầm cảm sẽ không đánh mất cơ hội làm mẹ của mình. 

Một số trường hợp trầm cảm khó thụ thai. Những trường hợp này thường do trầm cảm chưa được chữa trị khiến người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng, cơ thể mệt mỏi nên khó thụ thai hơn (khó không có nghĩa là không thể).

Sinh con khi đang bị trầm cảm có ảnh hưởng và nguy hiểm gì không?

Theo Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, người mắc trầm cảm cần được điều trị ổn định hoàn toàn trong thời gian ít nhất 1 năm trước khi có thai, nhằm đạt được sức khoẻ sinh sản tốt nhất. Khi đang mang thai mà phát hiện mắc bệnh lý trầm cảm, cần khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần. Trầm cảm có thể điều trị được trong thai kỳ, bằng liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm.

Nếu phụ nữ đang mang thai mà không ăn, không ngủ, cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng kéo dài nhiều ngày – sẽ tác động xấu đến thai nhi đang phát triển. Trong tình huống này, ý muốn tự tử là một nguy cơ bất lợi khác liên quan đến trầm cảm. Một khi tình trạng phụ nữ mang thai không ăn hoặc không tăng cân do mắc trầm cảm, thì cần phải điều trị tích cực nhất có thể. Hậu quả của trầm cảm tái phát sau khi ngừng thuốc chống trầm cảm lớn hơn những rủi ro do điều trị bằng thuốc.

Đối với người mẹ

Đối với phụ nữ đã hoặc đang mắc trầm cảm, khi mang thai và sinh con, bệnh trầm cảm chắc chắn sẽ tái phát mặc dù trước đó người bệnh đã được điều trị ổn định. Trầm cảm khởi phát và tái phát sau sinh khiến người mẹ gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc em bé. 

Nếu trong quá khứ hoặc hiện tại bạn đã từng mắc trầm cảm nặng, bạn có nhiều khả năng tái phát trầm cảm khi mang thai hoặc trầm cảm sau sinh. Không phải ai cũng bị tái phát vì mỗi người là một cá thể khác nhau. Một số phụ nữ có tiền sử trầm cảm nhưng khi mang thai vẫn khỏe mạnh và ổn định. 

Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, bệnh trầm cảm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì thường khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Ngày nay, có nhiều loại thuốc chống trầm cảm rất an toàn cho thai nhi (ví dụ fluoxetin).

Đối với em bé

Mặc dù sinh con khi mắc trầm cảm không quá nguy hiểm, nhưng cũng có giả thuyết cho rằng trầm cảm gây một số ảnh hưởng đến em bé (thông tin này là giả thuyết, chưa chắc chắn 100%).

Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Dị ứng, Hen và Miễn dịch học Hoa Kỳ mới đây, bà mẹ bị trầm cảm, lo âu, stress trong khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn cho con. 

Một nghiên cứu khác đã phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 733.000 trẻ em Đan Mạch được sinh trong khoảng từ năm 1996 - 2007. Kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 25% trẻ được sinh từ những bà mẹ trầm cảm sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen .

Mặc dù nghiên cứu tìm ra mối liên quan giữa trầm cảm và nguy cơ mắc bệnh hen nhưng vẫn chưa đủ chắc chắn. Phụ nữ trầm cảm muốn có hành trình mang thai tốt và sinh con khỏe mạnh, cần được tư vấn trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần

Khi trầm cảm, cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?

1. Lập kế hoạch về việc sinh con

Nếu đã từng hoặc đang mắc trầm cảm, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ và lập kế hoạch mang thai cụ thể cho mình: Thời điểm phù hợp để thụ thai, chăm sóc thai và chuẩn bị sinh con như thế nào... 

Đặc biệt, nếu đang trong thời gian điều trị trầm cảm, bạn không nên mang thai khi không có sự chuẩn bị trước. Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất bạn cần điều trị trầm cảm ổn định trong thời gian ít nhất 1 năm trước khi mang thai. 

Trao đổi với bác sĩ về kế hoạch mang thai sắp tới
Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần về kế hoạch mang thai sắp tới 

2. Thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần

Trong khi mang thai, bạn cần tư vấn với bác sĩ bất cứ lúc nào nếu cảm thấy lo lắng về sức khỏe tâm thần của mình. Nhiều phụ nữ cảm thấy tâm trạng bất ổn, rất lo lắng nhưng lại không dám đi khám, do vậy mà càng thấy bế tắc.

Hãy trao đổi kế hoạch của bạn với bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần. Bác sĩ sẽ hướng dẫn và tư vấn cụ thể cho bạn về:

  • Thuốc đang dùng có ảnh hưởng gì 
  • Mang thai có thể ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm thần của bạn
  • Sức khỏe tâm thần của bạn có thể ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ
  • Bạn cần được chăm sóc, quan tâm như thế nào từ những người xung quanh 

Tư vấn trước khi mang thai có thể giúp bạn lập kế hoạch cho một khởi đầu lành mạnh nhất cho cả mẹ  và bé. 

Để thuận tiện và tiết kiệm thời gian, bạn có thể thăm khám và tư vấn với bác sĩ chăm sóc sức khỏe Tâm thần từ xa qua Video. Ngay bây giờ bạn có thể đăng ký và chọn bác sĩ chuyên khoa trên trang web BookingCare.vn. 

3. Vấn đề dùng thuốc trong thai kỳ 

Thảo luận với bác sĩ về nguy cơ của điều trị trầm cảm hoặc không điều trị trong quá trình mang thai: Rủi ro đối với thai nhi và người mang thai do dùng thuốc trầm cảm trong khi mang thai. 

Mặc dù dùng thuốc có thể mang lại những rủi ro cho thai nhi, nhưng nếu không dùng thuốc hoặc tự ý ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tình trạng sức khỏe tinh thần của bạn có thể rất tồi tệ.

Ngoài ra, cũng cần nói với bác sĩ về:

  • Các rối loạn tâm thần đã mắc phải trước đây, mức độ 
  • Nguyên nhân nào khiến bạn mắc bệnh 
  • Sẽ thế nào nếu không dùng thuốc
  • Bạn đã điều trị bằng những phương pháp nào trong quá khứ 
  • Nguy cơ đối với thai nhi do một số loại thuốc điều trị trầm cảm 
  • Điều trị thế nào sau sinh và cho con bú...

Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để có phương án trị liệu tâm lý phù hợp hoặc được kê đơn thuốc. Đối với những phụ nữ đã từng mắc trầm cảm nặng trong quá khứ hoặc từng bị trầm cảm trong lần mang thai trước đó – thì nên cân nhắc để dùng thuốc. Nguy cơ liên quan đến sử dụng thuốc chống trầm cảm trong thai kỳ là rất nhỏ

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết